Tình cờ trong một lần xem tivi, anh Nguyễn Văn Nội (thôn Cổ Thượng, xã Phương Đình, Huyện Đan Phượng, TP.Hà Nội) đã biết đến mô hình trồng giống nho không hạt hạ đen trên đất Bắc. Nhận thấy đây là giống cây mới, tiềm năng thị trường rộng mở, anh đã trực tiếp lặn lội lên Bắc Giang để tìm hiểu cách trồng. Tháng 3.2019, được sự hỗ trợ kỹ thuật của Hội Nông lâm Bắc Giang và Hội khuyến nông Huyện Đan Phượng, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư trồng 100 gốc nho trên chính mảnh ruộng của mình.
Học hỏi kỹ thuật, đúc rút kinh nghiệm
Mặc dù đã nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật của Hội Nông lâm Bắc Giang và Hội khuyến nông huyện nhưng với bản tính cẩn thận, chị Sinh - vợ anh Nội - vẫn cất công sang Đại học Nông nghiệp để tìm hiểu và tham khảo ý kiến của các kỹ sư về giống nho mới hạ đen này. Sau khi được tư vấn về kỹ thuật chăm sóc và hiệu quả kinh tế có thể đạt được từ giống nho không hạt có nguồn gốc Trung Quốc này, chị Sinh đã thực sự quyết tâm đầu tư bài bản mô hình kinh tế mới với hy vọng sẽ bớt vất vả khi tuổi ngày càng cao.
Chị Sinh chia sẻ: “Đã hơn 30 năm làm nông, chúng tôi cũng lăn lộn tìm tòi, trồng đủ thứ, làm đủ nghề. Làm lúa chẳng đủ ăn, quay sang làm đào, làm quất hơn chục năm. Nhưng vất vả lắm! Đào, quất cả năm có 1 vụ vào dịp Tết nhưng nào thuê người đánh gốc, người vận chuyển. Ngày trước đào, quất có giá, bán buôn tại vườn được nhiều, thị trường mấy năm nay phải đi bán lẻ mới có công. Vợ chồng tôi già rồi không kham được nữa. Trăn trở tìm giống mới để không phải bỏ đất tha phương, cuối cùng tôi đã quyết định thử đặt giống nho hạ đen này” - chị vừa nói vừa chỉ vào mảnh vườn nhỏ đã được gắn biển “Mô hình trồng nho hạ đen của Hội nông dẫn xã Phương Đình” .
Nho vốn dĩ là cây ôn đới nhưng ngày nay, dưới sự hỗ trợ của các nhà khoa học nho đã được trồng ở cả 5 châu lục. Thực tế, nhiều giống nho như: Cự phong, tảo hồng, hạ đen đã được nhập về trồng thử nghiệm tại Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và cho kết quả khả quan nhưng các chuyên gia và người trồng đều khẳng định nho là loại cây “khó tính”.
“Chắc không ai nghĩ vợ chồng tôi dám đầu tư đến gần 40 triệu đồng cho hơn 100 gốc nho đầu tiên trên mảnh ruộng hơn 1 sào của mình. Chúng tôi đã làm là phải tính toán bài bản từ đầu. Ngoài tiền cây giống, giàn leo, còn phải đầu tư hệ thống ống tưới nước nhỏ giọt tự động, hố ủ phân hữu cơ thậm chí là xây tường bao để tránh mất trộm” - chị Sinh cười chia sẻ.
Nho Hạ Đen là giống rễ trần nên có sức sống bền bỉ, với tốc độ phát triển rất nhanh. Hạ Đen khó ra hoa đậu quả một cách tự nhiên mà phải có biện pháp xử lý. Yêu cầu kỹ thuật rất nghiêm ngặt bởi cây tương đối mẫn cảm, thu hút nhiều loại sâu bệnh nên phải phòng trừ đúng thời điểm, đúng liều lượng.
Chị Sinh cho biết, có 8 điểm được chuyển giao công nghệ trồng nho Hạ Đen trên địa bàn Thành phố Hà Nội cùng thời điểm với vợ chồng anh chị nhưng chỉ có 3 điểm có quả, còn lại các điểm khác thậm chí đến năm nay là năm thứ hai vẫn chưa có quả. Bởi vậy, kỹ thuật chăm sóc nho hạ đen không hề đơn giản. Chị Sinh chia sẻ, ngoài việc được các chuyên gia hướng dẫn về kỹ thuật thì quan trọng hơn vẫn là chính bản thân mình, mày mò, quan sát và đúc rút kinh nghiệm. “Thời gian đầu, mới trồng, gần như ngày nào tôi cũng có mặt tại ruộng nho, quan sát từng mầm cây, để ý từng chiếc lá để bắt sâu hay quan sát để phát hiện bệnh vì hình dáng hay màu sắc của lá sẽ thể hiện rất rõ. Khi quyết định trồng cây ăn quả, tôi luôn muốn làm sao có thể trồng được những sản phẩm nông sản sạch, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao, vì vậy, gia đình tôi hoàn toàn dùng phân bón hữu cơ”.
Chị Sinh nhất định đưa ra khu ủ phân hữu cơ được xây dựng khá quy mô ngay tại vườn. Hiện tại, gia đình ông bà đang bón phân đậu tương tự ủ cho nho hạ đen. Được hỏi về chi phí có tốn kém hơn nhiều không, chị Sinh cười đôn hậu: “Đương nhiên là tốn kém hơn nhiều chứ, nhưng tôi kiên quyết không dùng phân hóa học và thuốc trừ sâu vì hại đất lắm, đất sẽ bạc nhanh và như thế lợi bất cập hại, cô ạ!”.
Hơn nửa đời người gắn bó với đồng ruộng, chị có đến dăm bảy công thức ủ phân hữu cơ cho từng loại cây với tỉ lệ rõ ràng, thời gian ủ bao lâu, ủ như thế nào thì đạt, bón như thế nào thì tốt.
Công thức phân bón của hạ đen thật đơn giản mà giúp nho xanh lá, quả to ngọt: 25kg đỗ tương + 5kg chuối tiêu chín trứng quốc + 1 quả dứa to (nếu không có dứa thì vỏ dứa cũng được) + 1 gói thuốc chế phẩm vi sinh xử lý phế thải hữu cơ đem ủ trong vòng 20 đến 25 ngày.
Thu lợi cao từ nho hạ đen
Theo chị Sinh, nói về lợi nhuận kinh tế thì chị chưa thấy trồng loại cây ăn quả lâu năm nào kinh tế bằng giống nho không hạt này. Bởi giống nho này nhanh được thu, khoảng 8 tháng trồng đã cho thu hoạch, một năm lại có đến 2 vụ vào tháng 5 và tháng 10 âm lịch. Chính vụ tháng 5 cho năng suất cao hơn do có thời gian ngủ đông dài vài tháng nên quả to, chùm nho cũng đều hơn. Thông thường sẽ thu được 4 đến 5 tạ/sào/năm, nếu chăm sóc cũng như thời tiết thuận lợi có thể lên tới 6 đến 7 tạ/sào/năm”.
Với 100 gốc nho, năm đầu tiên, chị Sinh đã thu được hơn 5 tạ nho không hạt hạ đen. Nho đảm bảo sạch và còn khá lạ nên chị không có nho mà bán.
“Năm đầu tiên tôi bán được 150.000 đồng/kg mà mọi người đặt hết từ lúc nho còn xanh nên chẳng có nho mà bán. Đến năm nay, vợ chồng tôi mở rộng diện tích trồng nho. Bà con xung quanh ai cũng nói, dịch bệnh giảm giá để chia sẻ cùng mọi người nên giá nho hạ chút ít so với năm ngoái, được 120.000 đồng/kg. Nói thật là không có nho mà bán!” - chị Sinh cười hạnh phúc.
Sau hơn một năm được hướng dẫn kỹ thuật cùng với việc tự mày mò, học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, đến nay, vợ chồng anh chị đã tự tin để trồng thêm đến gần 1,5 mẫu nho hạ đen. Bình quân mỗi sào trừ chi phí, gia đình anh Nội thu về từ 40-45 triệu đồng/năm
Ông Đinh Văn Thành - Trưởng thôn Cổ Thượng, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng - cho hay: “Đây là mô hình trồng nho hạ đen đầu tiên của huyện và thực tế gia đình ông Nội bà Sinh là gia đình rất tiêu biểu trong thôn với việc dám nghĩ dám làm khi quyết định trồng giống nho mới, chỉ sau gần 2 năm đã mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
Hiện tại, vườn nho hạ đen đã thu hoạch xong vụ tháng 10. Cả vườn chỉ còn lác đác vài chùm nho chín muộn. Nhưng nhìn mảnh vườn nhỏ nhắn, gọn gàng, sạch sẽ này mới cảm nhận được niềm vui bình dị của những người nông dân gắn bó cả đời với đồng ruộng.
Xem thêm: odl.924168-gnouhp-nad-tad-nert-ned-ah-ohn-gnoig-ut-oac-iol-uht/gnourt-iht/nv.gnodoal