vĐồng tin tức tài chính 365

Theo dấu trường ca Hòn vọng phu - Kỳ 2: Tìm nàng Tô Thị xứ Lạng

2020-12-13 09:14
Theo dấu trường ca Hòn vọng phu - Kỳ 2: Tìm nàng Tô Thị xứ Lạng - Ảnh 1.

Bìa bản nhạc do NXB Tinh Hoa, Huế, in năm 1954

Đây cũng là cảm hứng tiên khởi để Lê Thương sáng tác bản trường ca đi vào lòng người...

Cảm phục nghĩa tình, hổ cũng hóa đá

Từ Hà Nội, nay chỉ ngồi hai giờ xe khách theo đường cao tốc đã dễ dàng đến TP Lạng Sơn. Thuê chiếc xe máy ở trung tâm thành phố, chỉ khoảng hơn mười phút sau, chúng tôi đã đứng ngay ngã ba phố Tô Thị và phố Tam Thanh để được nhìn thấy hình tượng mẹ bồng con đã có từ ngàn năm thấm đẫm hồn ca từ Hòn vọng phu của nhạc sĩ Lê Thương.

Tiết thu trời đẹp, dáng người ôm con hiện ra bên vách núi dựng đứng, yên bình trên những ngôi nhà mái đỏ. "Hồi xưa khu dân cư bên dưới vắng tênh, không phải nhiều như bây giờ đâu. Lúc nhỏ, bọn mình chiều chiều vẫn lên đá bóng trong khu thành nhà Mạc ở trên núi phía sau lưng bà Tô Thị" - ông Nông Đức Kiên, giám đốc Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn, kể.

Truyền thuyết về nàng Tô Thị đều nằm lòng với những người con dân Lạng Sơn như ông Kiên. Có hai vợ chồng nhà họ Tô, sinh được hai con một trai một gái. Lúc cha mẹ vắng nhà, anh nhặt đá ném chim, chẳng may trúng phải đầu em, máu ra lênh láng. Anh sợ quá trốn sang Trung Quốc. Năm 30 tuổi, chàng lần mò về quê và sinh cơ lập nghiệp tại Lạng Sơn, sau đó lấy vợ là con một nhà buôn và sinh được một đứa con. Một hôm, chàng chải tóc cho vợ, thấy có vết sẹo trên đầu, hỏi chuyện thì mới biết vợ chính là em gái mình.

Biết rõ sự thật, người chồng rất đau buồn, nhưng vẫn không cho vợ biết. Nhân khi nhà vua bắt lính, người chồng ra ứng mộ. Trước khi đi, người chồng dặn vợ nếu sau ba năm mà không thấy về thì người vợ cứ việc đi lấy chồng khác. Nói rồi, chàng đi biệt!

Người vợ ở nhà chờ ba năm, không thấy chồng về. Hằng ngày, nàng bồng con lên núi, mắt hướng về phía chồng ra đi. Một hôm bỗng có một cơn bão lớn, nàng vẫn bồng con đứng mãi không về. Lúc mọi người lên núi thì thấy hai mẹ con đã hóa đá. Người ta cảm động gọi tượng đá ấy là nàng Tô Thị vọng phu. Và những ngày Lê Thương lên chơi miền biên ải, hồn chàng nhạc sĩ đã rung động với câu chuyện đầy xót xa này.

Kể đến đây, tưởng chuyện đã hết, nhưng giọng ông Kiên lại tiếp tục sôi nổi: "Trong sách Di sản văn hóa Lạng Sơn ghi lại như vậy. Nhưng dân Lạng Sơn còn kể thêm mấy chuyện khác nữa mà người xứ xa ít biết. Đó là, phía sau tượng bà Tô Thị, chếch về phía đỉnh núi còn có phiến đá mang hình con hổ".

Con hổ trong câu chuyện của người dân xứ Lạng đan xen vào truyền thuyết nàng Tô rằng: khi con hổ thấy một người mẹ bồng con ra đứng nơi núi rừng vắng định vồ ăn thịt. "Nhưng chính tấm lòng chờ chồng son sắt của nàng Tô Thị đã cảm hóa cả con vật ăn thịt hung dữ. Thành ra nó lại phủ phục tại đó để bảo vệ hai mẹ con, sau đó khi bà Tô Thị hóa đá thì hổ cũng hóa đá theo" - ông Kiên kể.

Hiện nay, phiến đá mang hình con hổ nằm phục phía sau tượng đá Tô Thị vẫn còn, nhưng đã được cỏ cây che chắn nên khuất một phần dáng hình. Tuy nhiên trong những bức hình được chụp từ lâu, chúng tôi dễ dàng nhìn thấy hình tượng rõ ràng của một con hổ như dõi theo cùng hướng của tượng đá Tô Thị. Đó là hướng về phía Bắc. Ông Kiên giải thích thêm: "Truyền thuyết không biết xuất phát từ bao giờ, nhưng rõ ràng là nói về câu chuyện người vợ chờ chồng đi chinh chiến canh giữ biên cương lãnh thổ. Nên bà Tô Thị mới quay về hướng biên giới phía Bắc".

Theo dấu trường ca Hòn vọng phu - Kỳ 2: Tìm nàng Tô Thị xứ Lạng - Ảnh 2.

Hòn vọng phu trên núi, phía dưới là khu dân cư Khòn Lèng, TP Lạng Sơn - Ảnh: THÁI LỘC

Thấm sâu đời sống tâm linh xứ Lạng

Kề bên núi Tô Thị là hệ thống núi Nhị - Tam Thanh, nơi có chùa Tam Thanh đi cùng câu ca dao của người dân xứ Lạng. Trong đợt xếp hạng chính thức đợt I về những di tích, danh thắng toàn miền Bắc vào năm 1962, Bộ Văn hóa thông tin lúc bấy giờ đã đưa khu vực núi Tam Thanh và núi nàng Tô Thị là một trong 62 danh mục cần bảo vệ.

Lần giở hồ sơ di tích gần 60 năm trước đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lạng Sơn, chúng tôi mới biết tượng đá vọng phu nằm trên núi Tô Thị gắn liền cùng di tích thành nhà Mạc với hệ thống tường thành quân sự được xây dựng vào thế kỷ 16. Nay những tường thành đã được trùng tu, bao gồm hệ thống bậc thang làm mới, giúp việc đi lên tận tượng đá vọng phu đã không còn khó khăn như thuở trước. 

Cái thuở mà chàng Lê Thương chắc phải vạch từng cỏ cây, dò dẫm từng phiến đá để tìm hồn nhạc Hòn vọng phu: "Người đi ngoài vạn lý quan san/ Người đứng chờ trong bóng cô đơn/ Bên Man Khê còn tung gió bụi mịt mùng/ Bên Tiêu Tương còn thương tiếc nuối ngàn trùng...".

Buổi chiều, gửi xe nơi quán nước trước cổng miếu Thần Nông nằm ngay vách núi bên trên có tượng đá nàng Tô Thị, chúng tôi lên bậc cấp xuyên qua cổng thành nhà Mạc phía tây bắc. Ngoài tấm bảng "Núi Tô Thị" khuất sau lùm cây bên sườn núi bằng ximăng đã phai cũ, một tấm bảng "Điểm du lịch địa phương: Núi Tô Thị - Thành nhà Mạc" giới thiệu ngắn gọn về khu vực này. 

Sau bức tường thành dày khoảng 1m tuổi đời gần năm thế kỷ là vườn đào rộng xanh mướt đã lấm tấm điểm hoa. Ngay giữa khu di tích cổ thành, vài thanh niên địa phương đang đá bóng trên khoảng đất rộng, bằng phẳng từng là nơi đóng quân của nhà Mạc suốt mấy mươi năm. Men theo một đoạn đường mòn bên sườn núi khoảng trăm mét, leo qua vài tảng đá, chúng tôi đến được tượng đá vọng phu.

Nhìn theo hướng tượng vọng phu, toàn bộ cánh đồng làng Khòn Lèng hiện ra trước mắt với những thửa ruộng mạ non, ngô, cam nối tiếp trải dài đến dãy núi trùng điệp xa xa. Vài đồng rạ chuẩn bị vụ mới, hương thơm khói đốt đồng thoang thoảng giữa tiết trời se lạnh. Mọi năm vào 16 tháng giêng, lễ hội Lồng Tồng làng Khòn Lèng đều được tổ chức lớn, thu hút rất đông du khách. Đây là lễ hội đặc trưng của người Tày, một trong những cộng đồng sinh sống lâu đời tại làng Khòn Lèng, còn gọi là hội xuống đồng.

Điều đặc biệt, ngoài các nghi thức chính là cúng cầu vụ mùa, xuống đồng cày ruộng, một phần quan trọng khác chính là lễ rước nàng Tô Thị từ sườn núi. Vị giám đốc bảo tàng nhận định: "Hình tượng bà Tô Thị thấm sâu vào văn hóa như thế. Ngay cả miếu thờ Thần Nông của làng Khòn Lèng ở chân núi, dưới chân nàng Tô, ban đầu chỉ là miếu nhỏ thờ Thần Nông, sau này người ta trùng tu cũng để một góc dành cho việc thờ bà ấy".

Khói sương biên ải lãng đãng bóng chiều tà, bất chợt lữ khách đi cùng chúng tôi ngân nga câu hát: "Người không rời khỏi kiếp gian nan/ Người biến thành tượng đá ôm con...". Dù nhiều người chưa một lần được diện kiến tượng nàng Tô Thị chờ chồng đến hóa đá, nhưng lòng họ đã tràn đầy xúc cảm với Hòn vọng phu của nhạc sĩ Lê Thương rồi.

Thời gian đã thắm biết bao suy tàn

Người xưa đâu còn, hình đá bơ vơ đứng đợi chồng đi đã không hứa về

Lòng son lụn chí trước cơn hư thề

Đà xui tan tành đời đá, nên mưa gió đổ quạnh hiu xuống ai mới về ...

(trích Hòn vọng phu 3, NXB Tinh Hoa -1954)

Chuyến đi chơi nhà người bạn học hồi nhỏ ở Đồng Đăng thuộc phủ Lạng Thương đã gây ấn tượng sâu đậm đến tâm hồn nhạc sĩ tài hoa Lê Thương. Ngoài việc được chiêm ngưỡng tượng đá nàng Tô Thị khiến ông thấm đẫm cảm xúc để về sau viết nên tuyệt tác Hòn vọng phu, tên Lê Thương cũng được ông ghép từ họ của người mẹ với con sông Thương mà ông từng lênh đênh thả hồn trong chuyến đi này.

___________________________________

Tượng nàng Tô Thị bất ngờ bị vỡ tan sau những ngày mưa gió. Người dân nhặt phần đầu nàng lên đĩa thờ. Sự thật thế nào?

Kỳ tới: Sự thật hòn vọng phu tan vỡ

Theo dấu trường ca Hòn vọng phu - Kỳ 1: 75 năm lay động tiếng trường caTheo dấu trường ca Hòn vọng phu - Kỳ 1: 75 năm lay động tiếng trường ca

TTO - "Đời xưa đời xửa vua gì/ Có nàng đứng ngóng chồng về đầu non/ Thế rồi trông mỏi trông mòn/ Thế rồi hóa đá ôm con đứng chờ...".

Xem thêm: mth.34925648031210202-gnal-ux-iht-ot-gnan-mit-2-yk-uhp-gnov-noh-ac-gnourt-uad-oeht/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Theo dấu trường ca Hòn vọng phu - Kỳ 2: Tìm nàng Tô Thị xứ Lạng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools