- Vụ án “Quái vật” từng chấn động Colombia
- Ba vụ thảm sát trong 24 giờ: Tuần đẫm máu tại Colombia
- Colombia: Trẻ em bản địa trở thành nạn nhân bạo lực tình dục
Bài 1: "Người hùng" và những chiến dịch đẫm máu
Những khoản thưởng tàn độc
Vào một buổi chiều lạnh giá tháng 10-2008, Jacqueline Castillo đứng lặng im nhìn chằm chằm xuống một hố chôn tập thể ở vùng Santander, miền Bắc Colombia. Năm thi thể trần truồng, bẩn thỉu xếp chồng lên nhau, ép chặt. Các bác sĩ pháp y mặc đồ bảo hộ màu trắng, mang găng tay cao su, kéo ra từng thi thể đặt trước mặt Castillo và yêu cầu bà nhận diện.
Castillo đang tìm kiếm người em trai mình tên Jaime đã mất tích nhiều tháng qua chưa thấy trở về. Thi thể Jaime được lôi ra sau cùng. Khi các bác sĩ đặt thi thể Jaime trước mặt Castillo, bà quỵ xuống, không đứng vững được. Các bác sĩ nói với Castillo rằng em trai bà là một tội phạm, một thành viên của một trong nhiều đội quân du kích chống chính phủ Colombia từ giữa thập niên 1960, và anh ta đã bị giết trong lúc giao chiến. Nhưng Castillo biết điều đó không thể có được. Em trai bà là một kẻ ăn xin vô gia cư, không phải là một nghĩa quân du kích.
Tướng Mario Montoya. |
Castillo không biết rõ cái gì là “du kích quân chống chính phủ”, nhưng sự thật là bà đang đứng bên một hố chôn tập thể những người mà dư luận xã hội Colombia gọi là “falsos positivos”, hay “du kích giả”, tức những người vô tội bị quân đội Colombia giết chết rồi gán ghép cho họ là “du kích quân chống chính phủ”.
Không ai biết chính xác có bao nhiêu thanh niên trở thành “falsos positivos”. Báo cáo gần đây nhất do Văn phòng Tổng chưởng lý Colombia công bố cho biết từ năm 1988 đến năm 2014, khoảng 2.248 người đã bị giết. Các báo cáo trước đây của các tổ chức nhân quyền đã ước tính rằng con số có thể là 5.000 hoặc thậm chí cao hơn. Nạn nhân thường là những thanh niên nghèo; một số bị khuyết tật thiểu năng ngôn ngữ. Họ bị dụ đến những nơi xa xôi, với lời hứa về một công việc làm bởi “những nhà tuyển dụng” - những người được các binh sĩ chính phủ trả tiền để tìm kiếm mục tiêu. Sau đó họ bị sát hại.
Các chuyên gia cho rằng ban đầu chỉ có một số ít binh sĩ quân đội tham gia vào những vụ giết người như vậy và họ đã cẩn thận che đậy tội ác của mình. Nhưng đến giữa thập niên đầu thế kỷ XXI, việc binh lính sát hại dân thường đã trở nên phổ biến và trắng trợn hơn.
Đằng sau các vụ giết người vô tội đó là chính sách của chính phủ Colombia là tìm cách đánh bại phong trào du kích cánh tả FARC bằng mọi giá. Theo tổ chức Human Rights Watch, từ đầu những năm 2000, Bộ Quốc phòng và quân đội Colombia đã đưa ra các chỉ thị ưu tiên số lượng xác chết hơn tất cả các kết quả khác. Họ treo thưởng như tiền, huy chương và thêm kỳ nghỉ phép,… cho các đơn vị quân đội đạt số xác chết cao. Những binh sĩ nào tiêu diệt được 6 “kẻ thù” trở lên sẽ được nhận tiền thưởng lên tới 30 triệu peso (tương đương 15.000 USD). Kết quả là một hệ thống khuyến khích sai trái dẫn đến việc binh sĩ tìm giết những thường dân vô tội để lĩnh thưởng. Điều làm cho vụ bê bối “falsos positivos” gây chấn động không chỉ là quy mô của tội ác, mà còn là động cơ giết người: hàng nghìn dân thường bị sát hại để những người lính thực hiện việc giết người có thêm kỳ nghỉ hoặc một khoản tiền thưởng lớn.
“Người hùng” Mario Montoya
Kẻ được cho là đã chỉ đạo chính sách giết người “falsos positivos” đó chính là tướng Mario Montoya, tư lệnh bộ binh trong thời gian xảy ra các vụ giết người. Mario Montoya sinh năm 1949, ngay thời điểm khởi đầu cuộc nội chiến kéo dài 10 năm khiến hơn 200.000 người chết.
Cuối thập niên 1950, các bên tham chiến đồng ý chấm dứt chiến tranh, thành lập liên minh chia sẻ quyền lực có tên gọi là Mặt trận Quốc gia, nhưng chỉ bao gồm lực lượng hữu khuynh, bảo thủ, gạt lực lượng cánh tả sang bên. Năm 1964, một nhóm nông dân cánh tả đứng ra thành lập Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) để chiến đấu lật đổ liên minh chia sẻ quyền lực.
Những người sáng lập FARC hy vọng sẽ thành lập một nhà nước cộng hòa ở miền Nam Colombia. Những du kích quân FARC mong muốn giải phóng đất nước mình khỏi ảnh hưởng của chủ nghĩa tư bản Mỹ. Đến thập niên 1980, FARC là nhóm du kích chống chính phủ lớn nhất Mỹ Latinh. Đến thập niên 1990, FARC hoạt động như một “nhà nước song song” bên trong Colombia, tầm ảnh hưởng phủ lên 1/3 lãnh thổ, chủ yếu là ở khu vực miền Nam Colombia.
Mario Montoya và các du kích quân bị bắt. |
Năm 1971, Montoya 21 tuổi, bắt đầu gia nhập quân đội Colombia. Suốt khoảng thời gian từ đó cho đến đầu những năm 1980, Montoya và những người lính đồng quân ngũ của mình chiến đấu như những cái xác biết đi, rời rạc, vô kỷ luật và thiếu hẳn chiến lược, chiến thuật. Nhiều người Colombia khi đó bắt đầu nghĩ rằng FARC sẽ giành chiến thắng trong cuộc nội chiến.
Thực trạng trên bắt đầu thay đổi vào năm 1999, khi tổng thống Andrés Pastrana tăng hơn gấp đôi ngân sách quốc phòng của Colombia, từ 2% GDP lên 4,5% GDP. Ông cũng ký Kế hoạch Colombia (Plan Colombia), một gói viện trợ trị giá hàng tỷ USD do Mỹ thiết kế và tài trợ nhằm mục tiêu đánh vào các băng đảng ma túy, nhưng đồng thời cũng nhằm tiêu diệt các lực lượng du kích cánh tả. Với nguồn tiền mới, lực lượng vũ trang Colombia đã có được vũ khí tối tân và công nghệ tình báo quân sự, tuyển dụng và huấn luyện thêm 90.000 quân nhân chuyên nghiệp.
Đến năm 2002, Álvaro Uribe trở thành tổng thống Colombia đầu tiên tin rằng cuộc xung đột của Colombia chỉ có thể được giải quyết bằng cái mà ông gọi là “nắm đấm sắt”. Niềm tin đó đã trở thành cơ sở cho chính sách đặc trưng của ông, được gọi là "an ninh dân chủ", làm cho Colombia an toàn hơn bằng cách dùng vũ lực truy quét quyết liệt các nhóm du kích và buôn bán ma túy. Uribe có trong tay một thứ mà không tổng thống nào trước ông ta có được: các lực lượng vũ trang được trang bị tận răng, đảm bảo khả năng chiến đấu chống FARC. Montoya từng chỉ huy một tiểu đoàn chống ma túy của quân đội Colombia vào thập niên 1980, và cũng từng là chỉ huy tình báo và phản gián vào cuối những năm 1990. Nhờ vậy mà ông ta trở thành người thực thi quan trọng nhất chiến lược của Uribe.
Tháng 10-2002, Uribe ra lệnh cho Montoya giải phóng một khu ổ chuột ở Medellín, thành phố lớn thứ hai của Colombia, nơi FARC đã tiếp quản và đang sử dụng làm trung tâm buôn bán ma túy. Một chiến dịch mang bí danh Orion đã được triển khai. Chiến lược của chiến dịch là đánh bật FARC ra khỏi khu vực nội đô, vốn là một trong những mục tiêu dài hạn của FARC. Việc đánh bại ý đồ chiếm đóng đô thị của FARC được xem là chiến thắng quan trọng của quân đội chính phủ. Và chiến dịch Orion được ca ngợi như một chiến công lừng lẫy: 355 du kích quân FARC bị bắt, 17 con tin được giải cứu.
Tuy nhiên, đằng sau “chiến công” đã xuất hiện những mảng tối. Năm 2003, tổ chức phi chính phủ Corporación Jurídica Libertad đã công bố một báo cáo cho biết 17 thường dân đã thiệt mạng và ít nhất 80 người khác bị thương trong chiến dịch Orion. Chưa kể một số người đã biến mất một cách bí ẩn. Năm 2006, Uribe bổ nhiệm Montoya làm tư lệnh bộ binh. Năm đó, ít nhất hai tổ chức phi chính phủ đã tung ra các báo cáo cáo buộc quân đội đã sử dụng “falsos positivos” trong nhiều năm. Họ cáo buộc đơn vị mà Montoya chỉ huy trong chiến dịch Orion đã tham gia vào những vụ giết người “falsos positivos” và nhiều vụ giết người khác ở phía đông Antioquia. Báo cáo bị chính phủ Colombia bác bỏ và cũng không gây được sự chú ý. Các tác giả báo cáo bị quy kết là “những kẻ cực đoan thiên tả”.
Một năm sau, người ta phát hiện một ngôi mộ tập thể ở Putumayo, miền Nam Colombia. Các nhà điều tra tiết lộ rằng ngôi mộ chứa hơn 100 xác nạn nhân của lực lượng bán quân sự. Tất cả đều bị giết trong thời gian Montoya làm chỉ huy quân sự trong vùng. Tuy nhiên, việc phát hiện mộ tập thể cũng bị ém.
Bất chấp những “mảng tối” đó, sự nghiệp của Montoya luôn tiến triển vượt bậc. Thành công trên chiến trường giúp ông ta nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người Colombia và Tổng thống Uribe. Trong thời gian Montoya chỉ huy bộ binh, có ít nhất 100 cuộc giao tranh quân sự mỗi ngày trên khắp đất nước.
Vào tháng 7-2006, Montoya bắt đầu tiến hành việc xếp hạng “thành tích tiêu diệt quân du kích” của các sư đoàn bộ binh. Theo đó, sư đoàn xếp hạng nhất báo cáo 379 “kẻ thù” bị tiêu diệt, 285 bị bắt và 32 kẻ tự nguyện đầu hàng. Sư đoàn xếp hạng thấp nhất chỉ thu được 67 xác chết. Tiêu diệt quân du kích nổi dậy là mục tiêu quan trọng nhất của Montoya, cho nên ông ta thường gây áp lực rất mạnh đối với các chỉ huy cấp sư đoàn về thành tích tiêu diệt quân du kích, và không ngần ngại sa thải các sĩ quan chỉ huy nào không đáp ứng yêu cầu về số lượng “xác chết”.
Chiến dịch giải cứu con tin ly kỳ
Danh tiếng của Montoya lên đến đỉnh điểm vào tháng 7-2008, khi ông ta đạo diễn một trong những chiến dịch giải cứu con tin ly kỳ nhất trong lịch sử Colombia, mang bí danh “Check” (Chiếu tướng). Chiến dịch được manh nha từ trước đó sáu tháng do một binh sĩ của đơn vị tình báo quân đội tình cờ phát hiện các tần số vô tuyến mà chỉ huy của FARC dùng để liên lạc với một trong những thuộc cấp của mình, một du kích quân có bí danh là Gafas (kính đeo mắt).
Gafas chịu trách nhiệm canh gác những con tin quan trọng nhất của FARC, một nhóm 15 người, trong đó có ba nhà thầu quân đội Hoa Kỳ và bà Ingrid Betancourt, chính trị gia người Pháp gốc Colombia từng là ứng cử viên tổng thống Colombia. Uribe đang bị quốc tế gây áp lực dữ dội cho việc giải cứu những con tin này, vì vậy họ đã trở thành một con bài thương lượng vô giá cho FARC trong các cuộc đàm phán với chính phủ.
Sau khi xác định chính xác vị trí của các con tin ở giữa rừng Amazon của Colombia, Montoya cử 15 người giỏi nhất của mình đến các lớp học diễn xuất ở Bogotá để chuẩn bị cho chiến dịch giải cứu. Trong thời gian vài ngày, người của Montoya được dạy cách đóng vai nhân viên cứu trợ nước ngoài đến Colombia thực hiện nhiệm vụ nhân đạo. FARC tin tưởng một số tổ chức nhân đạo vì tính trung lập cao của họ.
Một số binh sĩ đã học cách nói giả giọng người Venezuela, Australia, Italy và Iran. Hai trong số họ đóng giả là nhà báo - một phóng viên và một người quay phim từ kênh truyền hình Telesur do chính phủ Venezuela tài trợ, được FARC ưu tiên cho tiếp cận độc quyền, nhờ Tổng thống Hugo Chávez của Venezuela là người ủng hộ quân du kích. Tiếp theo, các sĩ quan quân đội đóng giả nhân viên điều hành đài vô tuyến FARC chuyển lệnh “cấp trên” yêu cầu Gafas đưa các con tin đến một địa điểm nơi một phái đoàn nhân đạo sẽ đón họ.
Vào ngày 2-7-2008, đoàn quân nhân của Montoya đã lên hai chiếc trực thăng, được sơn màu trắng để trông giống như máy bay của một tổ chức nhân đạo trung lập, và bay thẳng vào rừng để gặp Gafas và người của anh ta. Cả đội sợ hãi, không biết kế hoạch thành công hay thất bại, liệu FARC đang tin thật hay giả vờ không biết gì về những người điều hành bộ đàm giả để gài bẫy họ? Nếu diễn xuất của họ thất bại thì sao? Một đại tá thuộc đội Check kể: “Tất cả mọi người, kể cả sếp của Montoya, đều nghi ngờ về chiến dịch này. Nhưng Montoya thì luôn tin rằng kế hoạch sẽ thành công."
Trên thực tế, Gafas đã bị các “diễn viên” của quân đội Colombia mê hoặc đến nỗi anh ta khăng khăng mời họ ăn trưa. Trong khi một số con tin tỏ không quá tin vào các “diễn viên”. Các con tin Mỹ khi nghe giọng nói tiếng Tây Ban Nha của “nhân viên nhân đạo Australia” đã biết có điều gì đó không ổn.
Khi đến thời điểm lên trực thăng, ban đầu họ từ chối, cho đến khi một người lính nhóm Check cố thuyết phục họ: “Hãy tin tôi. Chúng ta đang về nhà”. Các con tin lên trực thăng, cùng với Gafas và một chiến binh FARC khác. Vài phút sau khi cất cánh, người của đội Check bắt đầu tấn công, bắt trói các thành viên FARC. Các con tin bối rối nhìn quân du kích bị trói. “Chúng tôi đến từ quân đội Colombia,” một thành viên của đội Check hét lên. “Các vị đã được giải thoát.” Không một viên đạn nào được bắn ra.
(Còn tiếp)
Nguyên Khang (Tổng hợp)Xem thêm: /179226-aibmoloC-gnod-nahc-sovitisoP-soslaF-iob-eb-uV/tam-os-oH/nv.moc.dnac.gtna