Sở hữu chuỗi nhà hàng ẩm thực lớn nhất nước với hệ thống gồm hàng chục thương hiệu khác nhau như Ashima, Kichi Kichi, Gogi, Sumo BBQ, Hutong hay Vuvuzela… Golden Gate (GGG) từng chia sẻ khởi đầu năm 2020 tăng trưởng mạnh mẽ trong tháng 1 với doanh thu và lợi nhuận thuần tăng lần lượt 32% và 54% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát và thuộc một trong những ngành hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp nhiều nhất từ Covid-19, Công ty bắt đầu chứng kiến doanh thu sụt giảm nhanh chóng từ cuối tháng 2.
Đến nay, tình hình kinh doanh theo chia sẻ của đại diện GGG đang dần ổn định. Đặc biệt, cuối năm là thời điểm kinh doanh tốt nhất của ngành F&B nói chung.
Nói về ước tính kết quả kinh doanh trong năm 2020, vị này phân trần do ảnh hưởng của 2 đợt dịch Covid-19 nên doanh thu năm 2020 dự kiến đạt 95% so với kế hoạch, lợi nhuận thì bị ảnh hưởng nhiều hơn nhưng vẫn đảm bảo là năm 2020 GGG có lãi. Được biết, năm 2020, GGG đặt kế hoạch doanh thu 4.708 tỷ đồng, LNST hơn 150 tỷ đồng - giảm 53% so với năm 2019.
Chưa kể, đợt dịch thứ 3 diễn ra khá nhanh, đến nay dù đã được kiểm soát tuy nhiên về cơ bản có 2 điểm quan trọng GGG đặc biệt chú trọng hiện nay:
(1) Giữ một lượng tiền mặt để đảm bảo việc vận hành của doanh nghiệp trong một thời gian đủ dài;
(2) Tổ chức cần được thiết lập tốt, đảm bảo có thể trao đổi, ra quyết định và thực hiện nhanh, lập ban phản ứng nhanh đối phó với những diễn biến không lường trước.
Nhìn lại năm 2020, dịch cúm đã ảnh hưởng không ít đến nguồn lực và chỉ số kinh doanh, GGG bên cạnh việc tiếp tục mở rộng mạng lưới nhà hàng trên toàn quốc (mục tiêu có thêm khoảng 61 cửa hàng mới), Công ty cũng chú trọng tái cấu trúc nhằm tiết kiệm chi phí, tối đa hoá hiệu suất kinh doanh.
"Chúng tôi đã tận dụng từng ngày, có nhiều giai đoạn đưa việc làm thêm giờ vào cuối tuần để xử lý những việc do ảnh hưởng dịch gây ra, luôn phấn đấu bám sát deadline, cột mốc để đảm bảo từng mốc của dự án không bị đẩy lùi. Tăng cường việc trao đổi online để giảm nguy cơ lây bệnh, giảm thời gian di chuyển của nhân sự", đại diện GGG cho hay.
Cũng theo vị này: chuyển đổi số có thể xem là quá trình tác động lên toàn bộ doanh nghiệp, cụ thể là con người, quy trình, dữ liệu và đặc biệt là văn hoá. Vì thế, một doanh nghiệp khi bước vào công cuộc chuyển đổi số cần chuẩn bị kỹ ở bước đánh giá mức độ khả thi về năng lực tổ chức, con người và nguồn vốn đầu tư. Mục tiêu cần được xác định rõ ràng với quyết tâm cao độ từ top manager, CDS có thể làm thay đổi nhiều thứ, vì thế quyết tâm của lãnh đạo là điều kiện tiên quyết.
Tri Túc
Tri thức trẻ