Những loại độc dược cổ điển như độc cần, cà dược, phụ tử, mao địa, thuốc phiện và stricnin đã được dùng để trị nhiều chứng bệnh từ cảm lạnh đến tim mạch, và thậm chí trang điểm. Chừng nào con người còn âm mưu, toan tính thì khi đó thuốc độc vẫn còn được sử dụng.
Vua độc, hạ độc vua
Khoảng năm 1550 trước Công nguyên (TCN), người Ai Cập cổ đại đã viết rất nhiều công thức chế độc trong giấy cói Ebers, một trong những trước tác y học sơ khai nhất. Vị vua Ai Cập đầu tiên, Menes, đã tự thử độc cho mình; và cuối cùng Nữ hoàng Cleopatra đã mất mạng vì nọc rắn.
Hành trình thử nghiệm độc dược đã tự kết liễu "cha đẻ thảo dược học Trung Hoa", Thần Nông, ông đã tự thử nghiệm với 365 loại thảo dược và chết vì độc quá mạnh. Hoàng đế đầu tiên của dân tộc Trung Hoa, Tần Thủy Hoàng, cũng chết vì độc. Các nền văn minh cổ đại của Ấn Độ, Ba Tư và Hy Lạp đã dùng độc chất để ám toán kẻ thù vì lý do chính trị. Thậm chí ban thuốc độc cho bệnh nhân hoặc người cao tuổi được xem là cách chết êm ái nhất.
Thời La Mã cổ đại, sử dụng độc chất lan tràn khắp nơi đến nỗi luật Lex Cornelia (luật La Mã cổ đại) đã được ban hành nhằm cấm sử dụng các loại cồn độc. 6 hoàng đế La Mã đã kết thúc mạng sống bằng độc bao gồm cả Claudius (nhà vua đã bị chính vợ mình là Agrippina đầu độc) nhằm nâng cao vị thế con trai của bà là Nero, chính vì hoàng tử này cũng lần lượt ám hại người em vợ để soán ngôi.
Tuy vậy, không có vị vua nào ám ảnh với độc dược bằng vua Mithridates VI (người từng trị vì vương quốc Pontos, ngày nay là nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ, từ hơn 2000 năm trước). Sợ hãi bị ám toán bằng độc (vua Mithridates ngờ rằng mẫu hậu đã hạ độc phụ vương), Mithridates luôn khát khao tìm cho được thuốc giải vạn độc và vì lý do này mà ngài có tên khác là "Độc Vương". Mithridates tự uống từng liều độc nhỏ khác nhau để xem cơ thể phản ứng ra sao với độc chất. Cuối cùng, sau nhiều năm tìm tòi, nhà vua đã tìm ra một loại độc bí mật gọi là "Mithridatum".
Bức họa của Jaques Louis David năm 1787 mô tả người thành Athen phạt tử hình một triết gia nổi tiếng bằng cách uống một tách nước độc cần. |
Khi tướng La Mã, Pompey xâm lược thành quốc Pontos, vua Mithridates đã uống thuốc độc để quyên sinh, nhưng trớ trêu là vì nhà vua uống nhiều độc quá nên không loại độc nào làm ông chết. Một người lính được vua hạ lệnh dùng kiếm giết ông trước khi Pompey tiến vào hoàng cung.
800 năm sau đó, một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất của Thời đại hoàng kim Hồi giáo là nhà giả kim thuật Jabir ibn Hayyan đã tạo ra một chất bột không màu, không mùi và không thể phát hiện được trong cơ thể người, đó chính là thạch tín. Khi hạ độc bằng nó với liều lượng nhỏ trong một thời gian dài, các cơ quan nội tạng của nạn nhân sẽ bị hỏng không cách gì cứu sống được. Bệnh do ngộ độc thạch tín sẽ có các triệu chứng như nôn mửa, tiêu chảy, và hay bị nhầm lẫn với bệnh tả, kiết lỵ, và các bệnh khác trong thời kỳ đó.
Cho mãi đến thế kỷ 19 vẫn chưa có cách hiệu quả để phát hiện thạch tín trong tử thi sau khi chết. Ngay cả vô tình chạm tay vào bột thạch tín cũng dễ phát bệnh.
Mê dược thời Trung cổ
Châu Âu vào thời Trung Cổ chìm ngập trong mê tín. Sau khi đế quốc La Mã sụp đổ, kiến thức khoa học chưa được hiểu biết nhiều vì thế mà tín ngưỡng tôn giáo và ma thuật chiếm ưu thế. Trong khi khoa học và toán học bùng nổ trong thế giới Ảrập, nhiều nhà khoa học và thầy thuốc Hồi giáo đã thử nghiệm độc và thuốc giải rồi viết nhiều công thức trong lĩnh vực độc chất học; thì mãi tới thế kỷ 13, kiến thức khoa học mới chạm tới thế giới phương Tây.
Châu Âu thời Trung Cổ không biết làm thế nào để bảo vệ cơ thể chống độc chất, nhưng họ cũng sợ chúng hơn lúc nào hết. Người thời đó tin rằng dùng sỏi Bezoar (các chất xơ kết tụ không thể tiêu hóa được trong dạ dày động vật) thả vào đồ uống có thể vô hiệu hóa tác động của mọi độc chất. Sỏi Bezoar sử dụng khá phổ biến ở Ba Tư và các vùng khác của Á Châu, và cuối cùng nó được nhập sang Âu Châu.
Tác phẩm của điêu khắc gia Ý, Annibale Fontana, vào cuối thập niên 1500, mô tả cảnh vua Mithridates VI hạ lệnh cho quân lính tự "xử tử" ngài do nhà vua uống thuốc độc không chết. |
Trong các triều đình Trung Hoa và Triều Tiên phong kiến, người ta dùng các đôi đũa bạc để thử độc trong thức ăn và đồ uống. Và ly kỳ hơn là niềm tin dùng sừng động vật để phát hiện và giải bá độc. Đó là loại sừng ngà, dài của loài thú được cho là Hải Kỳ Lân (có lẽ là sừng tê giác?). Sừng kỳ lân rất được thèm muốn, giá của nó cực kỳ đắt, đắt gấp 10 lần vàng. Những cái sừng kỳ lân quý giá được tìm thấy trong các cung điện hoàng gia trên khắp Châu Âu.
Ở Đan Mạch, nhiều bậc vua chúa thường đội vương miện có đính sừng kỳ lân. Thời kỳ Phục Hưng đến đã khiến niềm tin sừng kỳ lân sụp đổ, nghiên cứu khoa học bùng nổ khắp Châu Âu. Khi Châu Âu chấm dứt Thời kỳ tăm tối, chế độc trở thành một dạng nghệ thuật và thịnh hành ở Ý.
Độc dược thời Phục hưng
Độc chất bùng nổ trên các tuyến phố ở Florence, Rome và Venice vào thời đó. Các nhà giả kim thuật mê mải điều chế biệt dược để hằng mơ trường sinh bất lão, nhiều trường độc dược mọc lên để đua nhau về các sáng chế độc lợi hại. Tại Venice, những kẻ ám sát của tổ chức "Hội nghị 10" chuyên đầu độc các mục tiêu để lấy tiền. Còn ở Rome, nổi lên gia đình Borgia khét tiếng dùng độc.
Gia tộc Borgia không ngại giết người để giữ vị trí quyền lực trong tăng lữ Công giáo. Rodrigo Borgia (Giáo hoàng Alexander VI), con trai ông ta là Công tước Cesare, và con gái Lucrecia, là những người khét tiếng dùng độc để "ám sát" các đức Hồng y, giám mục và cả quý tộc (dù giới sử gia cho rằng Lucrecia không độc ác như thế). Cả La Mã run rẩy vì sợ bị Cesare ám hại. Gia đình Borgia thử nghiệm Stricnin, phụ tử và các loại độc khác trên động vật và người nghèo, và giữ các lọ độc cùng với rượu trong tầng hầm nhà họ.
Cuối cùng gia đình độc ác này đã chế ra Cantarella, người ta hoài nghi là sự pha trộn giữa thạch tín và bọ phồng rộp. Cách thức giết người của nhà Borgia là hòa Cantarella vào rượu của những vị khách vô phúc, trúng độc này, nạn nhân sẽ qua đời vài tuần hay vài tháng sau đó. Nhưng Borgia cũng không phải là gia tộc duy nhất hạ độc vì lợi ích chính trị. "Hắc Hoàng" Pháp quốc, Catherine de Medici, cũng thử nghiệm nhiều loại độc khác nhau trên động vật và tù nhân, vị hoàng hậu này trữ các lọ độc trong hàng trăm hộc tủ bí mật tại hoàng cung.
Vào cuối thế kỷ 16, tại kinh thành Paris, hàng ngàn nhà bào chế độc ngày đêm nghĩ cách tìm ra những thứ độc chất quái gở nhất. Các hợp chất có chứa thạch tín chuyên dùng để "thanh trừng" những người giàu có hoặc quý tộc của giai cấp tư sản Pháp, khi đó độc chất trở thành thứ "bột thừa kế".
Trong triều đình Versailles, những vụ giết người man rợ leo thang đã buộc Hoàng đế Louis XIV phải hạ lệnh thành lập tòa án đặc biệt để điều tra những vụ giết người bằng độc. Hàng trăm vụ án được phanh phui đã hé lộ nhiều gian kế thâm độc manh nha trong cung thất của nhà vua. Đỉnh điểm của các đại âm mưu xoay quanh thầy bói Catherine Deshayes, người có biệt danh "La Voisin".
Được chế luyện từ thạch tín, cà dược, phụ tử và thuốc phiện, thứ độc hắc ám đã được Deshayes bán cho nhiều nữ khách quý tộc để họ hại mạng con cái hoặc đấng phu quân không vừa ý, bao gồm cả các sủng phi của vua Louis XIV. Cuối phiên tòa dị giáo, 36 bị cáo bị tuyên án tử và bị thiêu trên cọc. Sau rốt, Hoàng đế Louis XIV đã ban hành một sắc lệnh cấm dùng thạch tín và các độc chất khác bán ở các hiệu thuốc, những thầy lang phạm tội sẽ bị xử tử.
Tiền đề của kỷ nguyên độc chất hiện đại
Hồi thế kỷ 17, một số lệnh bà thoa thạch tín lên mặt nhằm mong làn da mịn màng hơn. Năm 1659 tại La Mã, một nữ thầy bói tên là Hieronyma Spara làm "giáo chủ" một hội kín chuyên đầu độc những phụ nữ muốn thủ tiêu chồng mình. Ả bán hàng rong Guilia Toffana, một "sát thủ" tàn bạo đã sát hại 600 người bao gồm 2 giáo hoàng và vô số người chồng. Ả bán các chai thạch tín và cà dược được giả trang thành những chai mỹ phẩm với thương hiệu "Aqua Toffana".
Chỉ vài giọt độc này cũng khiến nạn nhân hấp hối từ từ. Ở kinh thành Paris, nhiều phụ nữ dùng ma dược để mê hoặc tình nhân, loại bỏ kẻ thù, hoặc phá thai ngoài ý muốn. Vì sự bùng nổ của ngành bảo hiểm nhân thọ mà nhiều âm mưu độc ác hại chồng đã trở thành chuyện cơm bữa. Điển hình là vụ án Mary Ann Cotton, ả đã sát hại 3 người chồng cũng như nhiều con riêng, con chung để lấy tiền bảo hiểm.
Cuối cùng chính khoa học chứ không phải luật pháp đã kết thúc kỷ nguyên khét tiếng của thạch tín. Vào thế kỷ 19, các bác sĩ bất lực không sao biết được bệnh nhân của họ có bị đầu độc bằng thạch tín hay không bằng cách ném những thứ trong dạ dày của bệnh nhân vào lửa, nhằm xem chúng khi cháy lên có mùi tỏi hay không, và các thầy lang tìm mọi cách để tránh xa tội sát nhân.
Cuối cùng, năm 1836, một nhà hóa học người Anh tên là James Marsh đã đưa ra một phương pháp hóa học nhằm phát hiện dấu vết của thạch tín có trong mô con người. Tỷ lệ ngộ độc thạch tín giảm đáng kể với sự ra đời của phương pháp Xét nghiệm Marsh (James Marsh) mà các nhà khoa học đã cải thiện và dùng nó như một thứ bằng chứng pháp y đầu độc trong thế kỷ sau đó, từ đây mở ra kỷ nguyên của độc chất hiện đại.
Dùng độc trên chiến trường
Người thổ dân Nam Mỹ đã dùng độc thực vật và nọc nhái độc để tạo ra phi tiêu độc. Những bộ lạc du mục ở Trung Á cũng khét tiếng với những mũi tên tẩm độc chống lại đội quân hùng mạnh của Alexander Đại Đế. Người cổ đại Trung Quốc, Hy Lạp, La Mã, Ba Tư và Mông Cổ đã dùng độc khí (lưu huỳnh cháy) để gây ngạt kẻ thù.
Vào thế kỷ thứ 7, người Byzantine dùng "Hỏa Hy Lạp" (một loại dịch cháy mà người cổ đại gọi là dịch napalm), thứ hóa chất này nổi trên mặt nước và đốt cháy tàu gỗ của quân thù. Sang thế kỷ thứ 9, người Trung Quốc phát minh ra thuốc súng. Sự phát triển của ngành công nghiệp độc chất đã làm phình to kho vũ khí hóa chất của nhiều quốc gia. Khí tử thần được sử dụng nhiều hơn trước, các đám mây độc tràn đi khắp Trái đất.
Buổi hoàng hôn của ngày 22 tháng 4 năm 1915, quân Đức đã mở 168 tấn khí chlorine phủ lên chiến địa ở Ypres (vương quốc Bỉ). Khí độc khiến đối phương cảm giác nóng như thiêu ở họng và mắt, đau đớn dữ dội, mù mắt và cảm giác như bị chặt vào người.
Hơn 5.000 lính Bỉ đã bị thiệt mạng vì ngạt thở. Khí clo đã được chế ra bởi nhà hóa học người Đức gốc Do Thái, Fritz Haber, một khoa học gia tài năng với di sản ớn lạnh. Năm 1918, Fritz Haber đoạt giải Nobel hóa học vì đã khám phá ra cách tổng hợp amoniac từ ni tơ trong không khí, tạo ra phân bón ni tơ làm nên cuộc cách mạng hóa nông nghiệp giúp nuôi sống hàng tỷ người trên thế giới. Fritz Haber từng có câu nói nổi tiếng: "Trong hòa bình, nhà khoa học thuộc về nhân loại. Trong thời chiến, người ấy thuộc về Tổ quốc".
Vào lúc cuối Đại chiến thế giới lần thứ hai (ĐCTGII), ước tính 1,2 triệu người đã chết vì các loại vũ khí hóa học. Sau vụ tấn công bằng khí clo ở Ypres, Fritz Haber được ngợi ca là "anh hùng Berlin". Nhưng vợ của Fritz Haber, nhà hóa học nổi tiếng Clara Immerwahr, đã gọi vụ đầu độc ở Ypres là "dấu hiệu của sự man rợ, làm hỏng kỷ luật".
Ngay đêm tổ chức tiệc vinh danh Haber, bà Clara đã tự bắn vào tim mình. Khi Adolf Hitler lên cầm quyền, Haber bị tấn công vì gốc Do Thái của ông. Năm 1933, Haber trốn khỏi nước Đức và qua đời do đau tim lúc sống lưu vong. Phòng thí nghiệm của Haber đã được Hitler dùng để phát triển ra độc khí Zyklon B làm chết hàng triệu dân Do Thái và thường dân vô tội trong các buồng hơi ngạt ở trại tập trung, nạn nhân bao gồm người trong đại gia đình của Haber.
Trong thế kỷ 20, chất độc dùng làm thuốc tự sát. Là một hợp chất hóa học thường ở dạng khí hoặc bột kết tinh, xyanua là một trong những loại độc mạnh và dùng dai dẳng nhất. Đáng chú ý là muối xyanua đã được dùng làm thuốc tự vẫn trong ĐCTGII và Chiến tranh Lạnh.
Vợ chồng Adolf Hitler và Eva Braun đã tự vẫn bằng độc xyanua trong hầm trú ẩn ở Berlin. Sau đó để tránh bị hành quyết sau phiên xét xử ở Tòa Nuremberg, Hermann Gering đã cắn một viên xyanua. CIA và KGB đã trao những viên L (thuốc độc) cho các điệp viên của họ để tránh bị bắt tra tấn làm lộ bí mật quốc gia. Thuốc L được giấu trong gọng kính đeo mắt hoặc trong thân bút, và khi nhai những vật này sẽ phát tán độc chất vào cơ thể. Trong những năm gần đây các hợp chất độc Organophosphate như khí Sarin đã trở thành độc chất thay thế.
Văn Chương (Tổng hợp)Xem thêm: /799226-mit-toht-us-hcil-toM-coud-coD/us-hnih-tauht-yK-coh-aohK/nv.moc.dnac.gtna