Chưa có cao tốc kết nối Vĩnh Long với TP.HCM
Phát triển hạ tầng giao thông có ý nghĩa rất quan trọng đối với ĐBSCL nói chung và Vĩnh Long nói riêng. Hiện tuyến cao tốc qua địa bàn tỉnh vẫn chưa hoàn thành, các tuyến quốc lộ trên địa bàn cũng chưa được đầu tư kết nối với hệ thống chung từ TP.HCM đi đến Cà Mau. Từ đó gây ảnh hưởng đến việc kết nối các tỉnh với nhau trong liên kết phát triển, cũng như trong giao thương giữa vùng với TP.HCM.
Giao thông còn hạn chế, không đồng bộ, thiếu các trục dọc, trục ngang kết nối các tỉnh trong vùng dẫn đến hạn chế trong thu hút đầu tư (chi phí vận chuyển, đi lại cao), phát triển du lịch... Những khó khăn này đang cản trở sự phát triển của các địa phương trong vùng và có nguy cơ tụt hậu so với các vùng, miền khác trong cả nước.
Vì vậy, rất mong Chính phủ, các bộ, ngành cũng như các tỉnh có phối hợp đầy đủ về yếu tố đầu tư, phân kỳ đầu tư. Từ đó tạo được nguồn vốn phù hợp, có tính đột phá để xây những tuyến đường phù hợp với tiềm năng của vùng với TP.HCM.
Bên cạnh trục dọc từ TP.HCM đi đến mũi Cà Mau thì cần thiết phát triển thêm tuyến cao tốc liên kết 13 tỉnh trong vùng. Bởi đây sẽ là tiền đề tạo được nguồn nguyên liệu phong phú, đa dạng và phát triển các loại hình kinh tế ở ĐBSCL hài hòa, phù hợp.
Ông LỮ QUANG NGỜI, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long
Nhà đầu tư ngần ngại vì thiếu cao tốc
Để ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững, bắt kịp các khu vực khác thì hạ tầng giao thông là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu. Vì vậy, giao thông ĐBSCL nên được thực hiện một cách hài hòa, đồng bộ.
Giao thông chúng ta đang sử dụng là giao thông trục dọc từ TP.HCM xuống Cần Thơ và kết thúc tuyến cao tốc dọc này ở Cà Mau. Tuy nhiên, để giúp cho các tỉnh nằm sâu trong nội địa phát triển thì cần thiết phải hình thành, phát triển trục cao tốc ngang đông - tây, cụ thể là tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Hiện An Giang chỉ có tuyến độc đạo là quốc lộ 91 nhưng lại chật hẹp, sạt lở, tắc nghẽn thường xuyên. Điều này khiến các nhà đầu tư ngán ngại, từ đó ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển kinh tế, du lịch của địa phương.
Ngoài ra, An Giang nằm sâu trong nội địa, không có biển, do đó nếu chỉ phát triển cao tốc trục dọc thì An Giang sẽ bị chia cắt, khó bứt phá. An Giang có 100 km biên giới và hai cửa khẩu quốc tế, việc sớm đầu tư trục cao tốc ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng rất có ý nghĩa. Tuyến này không chỉ giảm áp lực cho quốc lộ 91 mà còn là tuyến đường chiến lược an ninh quốc phòng, an ninh biên giới Tây - Nam; đáp ứng phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu thị trường Campuchia.
Do đó, An Giang mong muốn, đề xuất cấp thẩm quyền cho chủ trương triển khai đoạn Châu Đốc - Long Xuyên trong giai đoạn 2021-2025.
Ông NGUYỄN THANH BÌNH, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang
Giao thông là điểm nghẽn của ĐBSCL
Từ 10 năm trước, hạ tầng giao thông được xem là khâu đột phá ở ĐBSCL và hiện nay giao thông ĐBSCL đã có bước phát triển đáng ghi nhận với nhiều dự án lớn đã hoàn thành.
Tuy nhiên, nhìn ở một góc độ khác, giao thông phục vụ cho phát triển kinh tế, nhu cầu đi lại của người dân thì rõ ràng đây vẫn là một điểm nghẽn chưa được khơi thông. Hạ tầng giao thông ĐBSCL vẫn còn trong tình trạng yếu kém, còn tồn tại một số nút thắt cổ chai đã làm giảm đi sự liên kết. điều này làm cho sự liên kết giữa vùng ĐBSCL với TP.HCM và vùng Đông Nam bộ chưa có sự đồng bộ, phần nào ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.
TS TRẦN HỮU HIỆP, chuyên gia kinh tế ĐBSCL
Xem thêm: lmth.526559-iot-man-5-gnort-cot-oac-ueihn-oc-es-man-aihp/iht-od/nv.olp