Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) vào ngày 12-12 đã có đánh giá tổng quát về công tác PCTN. Đây là đánh giá sau khi Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN được kiện toàn, tổ chức lại theo mô hình trực thuộc Bộ Chính trị, Tổng bí thư là trưởng ban, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng.
Đánh giá đa chiều từ điều tra dư luận xã hội
Theo đó, công tác PCTN đã được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt. Điều này tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội và thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế”, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được quốc tế ghi nhận.
Trong các ý của đánh giá tổng quát trên, một nội dung từng được Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đưa ra tại phiên họp thứ 18 Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, hôm 25-7, như một gợi ý để thảo luận khi tổng kết: Công tác PCTN “đã thật sự trở thành phong trào quần chúng, thành xu thế không thể cưỡng lại được”.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự Hội nghị. Ảnh: TTXVN
Theo dữ liệu tham khảo điều tra dư luận xã hội do Viện Điều tra dư luận xã hội thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện, tổng hợp kết quả tháng 10 vừa qua cho thấy đại đa số ý kiến tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong công tác PCTN.
Cụ thể, trả lời câu hỏi về hiệu quả của công tác PCTN từ khi ban chỉ đạo được tổ chức lại đến nay, 87% người được hỏi cho rằng công tác này đã góp phần bảo đảm giữ ổn định chính trị, phát triển kinh tế đất nước; 86% cho rằng đã góp phần khôi phục, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, chế độ.
Có 93% (tăng 1% so với kết quả khảo sát đầu năm 2019) bày tỏ thái độ tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong công tác PCTN trong thời gian tới. Trong đó, rất tin tưởng chiếm 54% (tăng 3%), tin tưởng có mức độ 39%, không tin tưởng 2% và khó trả lời 5%.
Cũng trong kỳ khảo sát này, 80% người được hỏi cho rằng sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN của Đảng, Nhà nước đạt được kết quả nổi bật, đáng phấn khởi.
Tuy nhiên, bên cạnh những con số tích cực trên, dư luận xã hội cũng đánh giá những mặt hạn chế của công tác PCTN thời gian qua.
Cụ thể, 66% ý kiến cho rằng số vụ tham nhũng được phát hiện vừa qua chỉ là số ít so với số vụ tham nhũng xảy ra. Nói cách khác, số đảng viên bị kỷ luật, số vụ án, bị can bị khởi tố, truy tố, xét xử mới chỉ là phần nổi của tảng băng. 71% người được hỏi đánh giá công tác PCTN mới chỉ chuyển biến tích cực ở trung ương, còn các bộ, ngành, địa phương chưa chuyển biến rõ rệt.
Kỳ vọng ban lãnh đạo sau Đại hội XIII
Về 89% người được hỏi đồng tình với nhận định PCTN “đã trở thành phong trào, xu thế” là kết quả của quyết tâm chính trị và sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, tập trung, thống nhất của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của ban chỉ đạo, nhất là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người “nhóm lò”.
Nhưng nhân tố quan trọng này đang bước vào giai đoạn chuyển giao lãnh đạo ở Đại hội XIII tới nên cần kế thừa, phát triển thì mới có thể tiếp tục thành “phong trào, xu thế”.
Công tác PCTN từ năm 2013 đến nay đã ghi dấu ấn rõ rệt ở phần “chống”, qua các con số biết nói về số lượng đảng viên, nhất là số ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị cả đương chức và nguyên chức, số tướng lĩnh công an, quân đội bị kỷ luật, số vụ án, số bị can được khởi tố, truy tố, xét xử.
Nhưng tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực nên cùng với đẩy mạnh “chống” thì “phòng” vẫn là chính. Vậy nên, Tổng bí thư kết luận trong hội nghị về công tác PCTN trong thời gian tới là: “Phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, không ngừng, không nghỉ ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực. Thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm”.
Và để đạt mục tiêu “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi” như Trung ương khóa X đã đề ra 14 năm trước thì phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám tham nhũng” và một cơ chế bảo đảm để “không cần tham nhũng”.
Tự đấu tranh, phát hiện tham nhũng còn khiêm tốn Chỉ số cảm nhận tham nhũng của người dân mà Ban Tuyên giáo Trung ương “đo đếm” được qua khảo sát là hoàn toàn khớp với thống kê của các cơ quan tiến hành tố tụng. Theo đó, hằng năm vẫn có một số tỉnh, thành không phát hiện, khởi tố được vụ án tham nhũng nào: Năm 2016 là chín địa phương, năm 2017 là 12, năm 2018 là bảy và năm 2019 là bốn địa phương. Còn tính trong 2.309 tin báo tố giác tội phạm về tham nhũng mà các cơ quan tiến hành tố tụng đã tiếp nhận, giải quyết từ năm 2013 đến tháng 6-2020, qua đó khởi tố hơn 1.900 vụ/4.130 bị can thì chỉ phần đóng góp của công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ các cơ quan, đơn vị chỉ là 319 trường hợp. Nói cách khác, việc tự đấu tranh, phát hiện ra tham nhũng trong từng cơ quan, đơn vị, từng chi bộ, tổ chức Đảng vẫn rất khiêm tốn. |