Theo dữ liệu do S&P Global tổng hợp cho các công ty được xếp hạng tín nhiệm, các vụ vỡ nợ ở Mỹ trong năm 2020 đã tăng 80% so với năm trước, lên 143 vụ. Trong khi đó, các vụ vỡ nợ ở châu Âu tăng 2,8 lần lên 42 vụ. Tỷ lệ vỡ nợ ở các nền kinh tế mới nổi, bao gồm cả Trung Quốc, tăng 30% lên 28 vụ.
Mặc dù tổng số vụ vỡ nợ vẫn thấp hơn năm 2009, nhưng tỷ lệ vỡ nợ lần đầu tiên đã vượt quá 5% kể từ năm 2010. Trong số 223 vụ vỡ nợ trên toàn cầu, 60% thuộc 2 ngành: năng lượng và hàng tiêu dùng.
Cụ thể, ở Mỹ, chuỗi cửa hàng bách hóa J.C. Penney đã phá sản. Tại Vương quốc Anh, Tập đoàn Arcadia - điều hành công ty may mặc Topshop - đã phá sản vào tháng 11.
Các vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp cũng đang lan rộng ở Trung Quốc. Kể từ tháng 11, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp bị hoãn hoặc hủy bỏ là hơn 200 tỷ nhân dân tệ (khoảng 30,5 tỷ USD).
Làn sóng vỡ nợ của các công ty thuộc sở hữu nhà nước khiến thị trường trái phiếu Trung Quốc chao đảo. Ảnh: Reuters.
Công ty Nhà nước Shanxi International Energy vừa rồi đã lên kế hoạch phát hành 3,5 tỷ nhân dân tệ trái phiếu nhưng các nhà đầu tư chỉ mua 500 triệu nhân dân tệ trong đợt chào bán. Một số vụ vỡ nợ của các công ty quốc doanh Trung Quốc, bao gồm cả nhà sản xuất chip Tsinghua Unigroup, đã làm các nhà đầu tư lo ngại.
Nhiều người tin rằng ngay cả khi coronavirus biến mất, việc phục hồi doanh thu trong các ngành này sẽ rất chậm. Ông Robert Sharps, Giám đốc đầu tư của T. Rowe Price - một công ty đầu tư của Mỹ - chỉ ra rằng: "Quá trình Internet hóa hàng loạt ngành công nghiệp và thị trường đã tăng tốc trong thời kỳ đại dịch". Ông này cho biết thêm: "Các công ty cung cấp cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế trực tuyến đã có nhu cầu về dịch vụ bùng nổ."
Một trong những nguyên nhân khiến các vụ vỡ nợ gia tăng là do nợ của các công ty đang tăng vọt.
Dữ liệu của QUICK-Factset về 34.000 công ty niêm yết trên toàn thế giới không bao gồm lĩnh vực ngân hàng cho thấy: Trong năm tài chính 2020, tỷ lệ các công ty phải trả lãi nhiều hơn cho khoản nợ so với mức thu nhập trước lãi vay và thuế trong ba năm liên tiếp là 26,5%. Đây là mức cao kỷ lục.
Tại Mỹ, tỷ lệ này đã tăng 0,2 điểm phần trăm từ cuối năm tài chính 2019 lên 34,5%, tăng 12 điểm phần trăm trong thập kỷ qua. Trong khi đó, ở Trung Quốc, tỷ lệ phần trăm cũng đã tăng mạnh lên 11,0%, tăng 0,5 điểm phần trăm so với cuối năm tài chính 2019.
Con số ở Nhật Bản - nơi có một số lượng lớn các công ty mắc nợ quá mức sau khi nền kinh tế bong bóng bùng nổ vào những năm 1990 - là thấp hơn nhiều so với Mỹ và Trung Quốc, nhưng đã vượt quá 4% lần đầu tiên sau 9 năm.
Nếu một quốc gia tiếp tục hỗ trợ các công ty mắc nợ quá mức cần thiết, các công ty đó sẽ trở thành gánh nặng cho nền kinh tế nói chung. Tốc độ tăng chi tiêu vốn, số lượng nhân viên và lợi nhuận tại các công ty nợ nhiều trong 5 năm qua luôn thấp hơn so với các công ty ít nợ hơn.
Việc hỗ trợ tài chính cho các công ty để đối phó với đại dịch đang được các chính phủ và ngân hàng trung ương thu hẹp lại. Trong một báo cáo, S&P Global Rating viết rằng: "Trọng tâm trong nửa cuối năm 2021 có thể sẽ chuyển sang việc rút lui dần các hỗ trợ tài chính bất thường". Chính phủ và các ngân hàng trung ương cần thúc đẩy hoạt động kinh doanh đồng thời khuyến khích cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành công nghiệp khác.
VTV.vn - Trung Quốc được cho là sẽ chứng kiến số vụ vỡ nợ trái phiếu được phát hành bởi những công ty, tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước tăng vọt trong năm 2021, theo trang CNBC.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.25270130141210202-ym-av-couq-gnurt-o-neib-tod-gnat-on-ov-yt-gnoc-cac/et-hnik/nv.vtv