Theo tờ South China Morning Post (SCMP), Mỹ ngày 15-12 sẽ chính thức ra mắt dự án Mekong Dam Monitor nhằm theo dõi mực nước tại lưu vực sông Mekong. Động thái này được cho sẽ khiến cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực tiếp tục gia tăng.
Bước đi mới của Mỹ
Dự án Mekong Dam Monitor là một nền tảng trực tuyến mã nguồn mở, sử dụng viễn thám và hình ảnh vệ tinh nhằm cung cấp thông tin cập nhật hàng tuần về mực nước của các hồ chứa tại 13 đập trên dòng chính sông Mekong, cũng như tại 15 đập phụ lưu có công suất phát điện lớn hơn 200 MW.
Dự án cũng sẽ cung cấp hình ảnh và phân tích hàng tuần liên quan 11 đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng lưu sông Mekong, cũng như bản đồ và dữ liệu về nhiệt độ, độ phủ tuyết, lượng mưa và các chỉ số khác dọc toàn bộ dòng sông.
Tại sự kiện ra mắt dự án được tổ chức trực tuyến hôm 15-12, ông David Stilwell - Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương – sẽ có bài phát bài phát biểu quan trọng, SCMP đưa tin.
Một đập thủy điện đang được xây dựng trên sông Mekong ở Lào. Ảnh: SHUTTERSTOCK
Dự án Mekong Dam Monitor, với sự hợp tác của chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson có trụ sở tại Washington và tổ chức Eyes on Earth (Mỹ), được triển khai sau nhiều năm các quốc gia lưu vực sông Mekong băn khoăn trước sự thiếu minh bạch của Trung Quốc trong việc chia sẻ thông tin.
Ông Alan Basist – người đứng đầu dự án - cho biết “trong trung hạn dự án sẽ cộng tác với nhiều tổ chức khác nhau” như Ủy hội sông Mekong (MRC) nhằm “hỗ trợ dự án cũng như chia sẻ dữ liệu”.
Theo ông Basist, dự án sẽ có sự tham gia của ban cố vấn gồm các nhà thủy văn học, các chuyên gia viễn thám và chuyên gia nghiên cứu khu vực nhằm xây dựng hệ thống giám sát, hướng dẫn người dân và các bên liên quan về cách sử dụng nền tảng, cũng như đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên giúp duy trì nền tảng này trong tương lai.
“Dữ liệu được thu thập sẽ thúc đẩy sự minh bạch, song sẽ không nhằm cạnh tranh với hoạt động của MRC hay diễn đàn Mekong – Lan Thương do Trung Quốc khởi động năm 2016” – ông Basist nói thêm.
Theo ông Brian Eyler - giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm nghiên cứu Stimson (Mỹ), dự án Mekong Dam Monitor, do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ một phần cùng nguồn tài trợ từ Quỹ Chino Cienega, sẽ trở thành “một nền tảng tinh gọn có thể dễ dàng được chuyển giao cho các nước khu vực trong thời gian đúng hạn". Ngân sách hoạt động của dự án trong năm đầu tiên dự kiến là 215.000 USD.
Ông Eyler cho biết Mekong Dam Monitor đã có “những cam kết hiệu quả” với MRC và đã liên hệ với chính phủ của tất cả năm nước Mekong, cũng như Trung tâm Hợp tác Nguồn Nước Mekong – Lan Thương của Trung Quốc để tham vấn và giới thiệu nền tảng.
“Những cuộc tham vấn này giúp nhóm có những phản hồi mang tính xây dựng” - ông Brian Eyler nói, song cho biết họ chưa nhận được phản hồi từ diễn đàn Hợp tác Mekong – Lan Thương.
Hoài nghi về nền tảng chia sẻ dữ liệu thủy văn của Trung Quốc
Động thái của Mỹ diễn ra chỉ vài tuần sau khi Trung Quốc hồi tháng 11 khởi động "nền tảng chia sẻ thông tin hợp tác tài nguyên nước Mekong - Lan Thương", theo đó Bắc Kinh sẽ chia sẻ dữ liệu thủy văn quanh năm của mình.
Hình ảnh minh họa dòng chảy của sông Mekong. Ảnh: SCMP
“Nền tảng mới của Trung Quốc cung cấp thông tin mực nước sông hàng ngày cho một máy đo nằm ngay dưới đập trên sông, nhưng dữ liệu mực nước sông và dữ liệu hoạt động của đập là các chỉ số hoàn toàn khác nhau” - ông Eyler cho biết.
Ông Eyler cũng nhấn mạnh rằng thông tin về hoạt động vận hành của 11 đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mekong, bao gồm dữ liệu về tình trạng của các hồ chứa ở thượng nguồn và khả năng lưu lượng nước, vẫn được "giữ trong hộp đen".
"Còn quá sớm để nói liệu nền tảng của Trung Quốc có đưa ra dự báo đáng tin cậy và cảnh báo sớm về lũ lụt, hạn hán như đã hứa khi ra mắt hồi tháng 11 hay không, vì các hệ thống này dường như vẫn chưa được sử dụng" - ông Eyler nói.
Các đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mekong bị cáo buộc tác động môi trường, ảnh hưởng sinh kế của người dân ở vùng hạ lưu, cũng như gây ra lũ lụt và hạn hán. Trung Quốc bác bỏ các cáo buộc này.
Dòng sông Mekong dài 4.350 km chảy từ Trung Quốc xuống Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đang ngày càng trở thành tâm điểm cạnh tranh Mỹ - Trung.