Herbalife Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến “Hành trình sức khỏe”: Dinh dưỡng với các bệnh không lây nhiễm
Thông tin từ Bộ Y tế, bệnh không lây nhiễm (BKLN) là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nước ta. Trung bình cứ 10 người chết thì có 7 trường hợp do BKLN tập trung ở các bệnh, như bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư và bệnh phổi mạn tính.
Herbalife Việt Nam phối hợp với Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Báo Sức khỏe & Đời sống cùng tổ chức chương trình Hội thảo trực tuyến Dinh dưỡng với bệnh không lây nhiễm. |
Mới đây, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Báo Sức khỏe & Đời sống phối hợp cùng Công ty dinh dưỡng toàn cầu Herbalife Nutrition tổ chức cuộc hội thảo trực tuyến với chủ đề “Dinh dưỡng và các bệnh không lây nhiễm” với sự tham gia của các diễn giả, như Tiến sĩ David Heber, Chủ tịch Viện nghiên cứu Herbalife Nutrition, Tiến sĩ Louis Ignarro, người đoạt giải Nobel Y học - thành viên Ban Cố vấn Herbalife Nutrition và Viện nghiên cứu Herbalife Nutrition, GS.TS. Lê Thị Hương - Viện Trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế Công cộng; Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng An toàn thực phẩm, Trường ĐH Y Hà Nội và PGS.TS. Trần Thanh Hương - Phó viện trưởng Viện Ung thư Quốc gia, Ủy viên BCH Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam.
Hội thảo thuộc khuôn khổ của chiến dịch “Dinh dưỡng lành mạnh, sẵn sàng tiến bước” nhằm khuyến khích xây dựng những thói quen về dinh dưỡng lành mạnh và lối sống tích cực trong cộng đồng.
Bệnh không lây nhiễm gia tăng: Vấn đề thời đại
PGS.TS. Trần Thanh Hương - Phó viện trưởng Viện Ung thư Quốc gia, Ủy viên BCH Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, cho hay BKLN là các bệnh mạn tính, bao gồm những bệnh không có khả năng lây truyền, có thời gian bị bệnh dài và tiến triển chậm, gồm có bốn nhóm bệnh chính gồm tim mạch (tăng huyết áp, mạch vành, suy tim), đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi (phổi tắc nghẽn mạn tính, hen).
Bệnh không lây nhiễm có thể coi là “kẻ giết người thầm lặng” bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp Việt Nam nằm trong 50 nước thuộc top 2 của bản đồ ung thư, ở vị trí 78/172 quốc gia, vùng lãnh thổ khảo sát với tỷ lệ tử vong 110/100.000 dân. Hiện nay tại Việt Nam, BKLN là nguyên nhân khiến 430.000 trường hợp tử vong mỗi năm, trong đó bệnh tim mạch 31%, bệnh ung thư 19%, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính 9% và bệnh đái tháo đường 4%.
PGS.TS Trần Thanh Hương cho rằng, đô thị hóa, già hóa dân số là nguyên nhân khách quan nhưng quan trọng hơn, nguyên nhân xuất phát từ hành vi, lối sống của người dân như ăn uống không hợp lý, ít vận động thể lực, thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia… khiến cho BKLN gia tăng tại Việt Nam trong những năm gần đây.
Còn GS.TS. Lê Thị Hương - Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng; Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng An toàn thực phẩm, Trường ĐH Y Hà Nội cho rằng, tỷ lệ thừa cân béo phì tại Việt Nam đang trở nên đáng báo động và là căn nguyên gây nên sự gia tăng của các BKLN. Các nghiên cứu cho thấy, có đến khoảng 45-50% người lớn thừa cân béo phì tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM. Tình trạng này cũng gia tăng đối với trẻ em lứa tuổi học đường khi tỷ lệ thừa cân béo phì ở học sinh tại khu vực thành thị đã chiếm từ 30-40%.
Tiến sĩ Ignarro - Người đạt giải Nobel Y Học năm 1998 - Thành viên, Ủy Ban Cố vấn Dinh Dưỡng Herbalife Nutrition và Viện Nghiên Cứu Herbalife Nutrition - thuyết trình về sức khỏe tim mạch. |
Cùng chung quan điểm, Tiến sĩ Louis Ignarro, người đoạt giải Nobel Y học 1998 và là thành viên Ban Cố vấn Herbalife Nutrition và Viện Nghiên Cứu Herbalife Nutrition, khẳng định nguyên nhân gây nên các BKLN đầu tiên chắc chắn là do béo phì hoặc thừa cân, đặc biệt là các bệnh tim mạch. Chế độ ăn uống không lành mạnh, ăn không đầy đủ chất dinh dưỡng và ăn không hợp lý là lý do dẫn đến tình trạng này. Cùng với đó lối sống ít vận động, không tập thể dục hoặc ít tham gia và các hoạt động thể chất chắc chắn sẽ tăng nguy cơ mắc các BKLN.
Tiến sĩ David Heber, Chủ tịch Viện Nghiên Cứu Herbalife Nutrition trả lời các câu hỏi của người tham dự hội thảo. |
Từ nước Mỹ, Tiến sĩ David Heber, Chủ tịch Viện Nghiên Cứu Herbalife Nutrition cho rằng, chế độ dinh dưỡng không lành mạnh khiến đường huyết cao, huyết áp cao, mỡ trong máu cao và cholesterol cao là những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch. Đáng chú ý, theo Tiến sĩ David Heber, Việt Nam đang có tỷ lệ gia tăng bệnh béo phì nhanh nhất trong các quốc gia thuộc khu vực châu Á, tăng gấp đôi (từ 9,25% lên 21,5%) so với những quốc gia khác trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2015. Trong khi đó, Campuchia và Ấn Độ có tỷ lệ tăng là 1,6 lần, Indonesia có tỷ lệ tăng 1,77 lần, Singapore chỉ tăng 1,1 lần (nguồn: http://www.healthdata.org).
Dinh dưỡng hợp lý - Chìa khóa đẩy lùi bệnh không lây nhiễm
Người Việt Nam đang có chế độ ăn uống chưa phù hợp, ăn quá nhiều chất béo, ăn quá mặn là khẳng định của các chuyên gia tại buổi tọa đàm trực tuyến. Điều này khiến cho tình trạng thừa cân, béo phì - nguyên nhân gây nghẽn mạch dẫn đến nguy cơ bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim… ngày càng tăng.
Trong khi đó Theo Tổ chức Y tế thế giới, 80% bệnh tim mạch giai đoạn đầu, đột quỵ và tiểu đường týp 2 và trên 40% ung thư có thể được phòng ngừa được thông qua ăn uống hợp lý, hoạt động thể lực đều đặn, không hút thuốc lá.
Do đó, để hạn chế các bệnh không lây nhiễm, các chuyên gia khuyến cáo, bên cạnh tăng cường thói quen vận động, lối sống lành mạnh, người dân cần thay đổi chế độ dinh dưỡng hợp lý để tránh sự gia tăng của các BKLN, nên hạn chế sử dụng các thực phẩm có chứa nhiều cholesterol, như thịt bò, lòng đỏ trứng, da gà, phủ tạng động vật (tim, gan, lòng heo) hoặc thực phẩm chế biến sẵn như thịt xông khói, xúc xích… Ngoài ra nên giảm bớt lượng muối trong khẩu phần ăn mỗi ngày, khống chế ở mức dưới 5gr muối/ngày. Hạn chế ăn thực phẩm quá nhiều chất béo, chất bột đường; nên ăn cân đối hợp lý giữa hàm lượng protein và các loại rau, quả.
Một sai lầm tai hại khác mà người dân Việt Nam hay mắc phải được PGS.TS Trần Thanh Hương chỉ ra, đó là thói quen sử dụng thực phẩm và sử dụng thuốc theo kiểu “truyền miệng”: “Người dân chúng ta vẫn hay rỉ tai nhau ăn cái này có thể điều trị tiểu đường hoặc uống cái kia có thể ngừa được ung thư mặc dù không có bất cứ cơ sở khoa học này. Điều này thật nguy hiểm cho sức khỏe”. PGS.TS Trần Thanh Hương cho rằng, nên có những giải pháp tăng cường hiểu biết về chế độ dinh dưỡng trong phòng chống BKLN và tăng cường sức khỏe cho người dân, làm sao để người dân thấy được mối liên quan giữa dinh dưỡng và bệnh tật.
Từ thực tế này, trong năm 2020, Herbalife Nutrition đã thực hiện cuộc khảo sát “Những nhầm tưởng về dinh dưỡng”. Theo đó, 98% các chuyên gia chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam khẳng định tầm quan trọng của việc tư vấn dinh dưỡng và cho rằng cân bằng dinh dưỡng là "cực kỳ quan trọng" hoặc "rất quan trọng". Hơn 70% chuyên gia cũng nhận định rằng các chuyên gia chăm sóc sức khỏe có vai trò quan trọng nhất trong việc tư vấn dinh dưỡng. Kết quả khảo sát cũng cho thấy (gần 80%) các chuyên gia chăm sóc sức khỏe kêu gọi các công ty dinh dưỡng cần tham gia nhiều hơn vào việc phổ biến kiến thức dinh dưỡng cho cộng đồng.
Ông Vũ Văn Thắng, Tổng giám đốc Herbalife Việt Nam và Campuchia chia sẻ, từ kết quả của cuộc khảo sát này, Herbalife Nutrition sẽ tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các chuyên gia dinh dưỡng để phổ biến kiến thức dinh dưỡng cho cộng đồng thông qua các chương trình như hội thảo trực tuyến Hành trình sức khỏe châu Á - Thái Bình Dương.
Đây là nơi chia sẻ và trao đổi những kiến thức dinh dưỡng dựa trên nền tảng khoa học thông qua các diễn đàn và tọa đàm của ngành, đồng thời hỗ trợ thực hiện các sáng kiến khác liên quan đến dinh dưỡng trong cộng đồng. “Chúng tôi cũng mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các cơ quan ban ngành có liên quan và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe để cùng nhau triển khai các chương trình phổ biến kiến thức dinh dưỡng cho cộng đồng vì chúng tôi tin rằng kiến thức dinh dưỡng là một trong những yếu tố quan trọng giúp mọi người đạt được kết quả sức khỏe tối ưu về lâu dài”, ông Thắng cho biết thêm.