Lời nói cần có mục đích rõ ràng, dứt khoát và có sức mạnh
Mỗi từ ngữ và cách nói đều phục vụ cho một mục đích nhất định. Có lúc bạn cần thẳng thắn, nói một cách đơn giản để đối phương có thể hiểu rõ, tránh miên man, dài dòng, nói những lời vô nghĩa. Cũng có khi phải vòng vo, gây mất tập trung, đợi trong lúc người nghe mất cảnh giác, trôi theo những lập luận khôn ngoan của bạn… thì mới nói đến mục đích chính. Việc dùng ngôn ngữ trong giao tiếp cũng giống như viết văn vậy. Đầu tiên bạn cần phải xác định chủ đề của cuộc nói chuyện. Nói chuyện không mục đích, không chủ đề thì chỉ là nói chuyện vớ vẩn, vô nghĩa.
Chú ý đến thói quen và tâm lí của đối phương
Cần chú ý đến sự chừng mực của lời nói, mức độ của ngôn từ bạn sử dụng. Khi nắm được tâm lí đối phương, biết được những điều mà đối phương muốn nghe thì bạn cần xuất phát từ góc độ lợi ích của đối phương để tiến hành trò chuyện, trao đổi. Lợi ích là nguyên tắc cơ bản của hành vi giao tiếp.
Rất nhiều người trong quá trình giao tiếp vì quên mất điều cơ bản này nên chỉ biết nói về mình hoặc những điều mà mình quan tâm, còn đối với vấn đề liên quan trực tiếp đến đối phương thì không chú ý. Kết quả là mỗi người đều chỉ nói về vấn đề mình quan tâm, bên ngoài có vẻ như hòa hợp nhưng bên trong lại vô cùng khác biệt.
Chính điều này khiến cho cuộc giao tiếp thất bại. Một cuộc giao tiếp thành công nên như sau: Nói ít về bản thân mình, đề cập nhiều đến vấn đề đối phương quan tâm, như vậy thì lời nói mới hợp ý.
Nắm vững nghệ thuật "thuận theo"
Muốn người khác thuận theo mình là bản tính của con người. Do vậy, việc "biết nghe lời" người khác trở thành một bí mật trong giao tiếp. Không chỉ với cấp trên hay tiền bối thì mới dùng đến bí kíp này, mà ngay cả với những người đồng trang lứa, người tri kỷ, người yêu, những người thấp bậc hơn, ta đều nên nắm được điều này.
Không những trong giao tiếp mà trong khi tiếp cận quan điểm, thậm chí là trong các cuộc tranh luận gay gắt thì cũng cần khéo léo vận dụng nguyên tắc này. Khi gặp ý kiến bất đồng, nếu ngay từ đầu bạn đã thể hiện thái độ "ăn miếng trả miếng", bác bỏ quan điểm của đối phương thì sẽ dễ khiến cho người khác phản cảm, câu chuyện giữa hai phía khi đó rất khó để đi tiếp.
Khi vận dụng nghệ thuật "thuận theo" cần chú ý hai điểm sau: Đầu tiên, việc thuận theo chỉ là một kĩ xảo, chứ không có nghĩa là bạn phải hoàn toàn từ bỏ cá tính, quan điểm của riêng mình. Có đôi lúc, bạn thực sự thuận theo người ta, nhưng có những lúc chỉ là vẻ bề ngoài, thực tế không như vậy. Thứ hai, trong một vài trường hợp nhất định, ví dụ như tranh luận với kẻ thù thì không thể thuận theo được mà cần đối chọi quyết liệt, đấu tranh không khoan nhượng.
Chú ý đến khoảng cách và tư thế khi nói chuyện
Đầu tiên là khoảng cách giữa những người cùng trò chuyện. Khoảng cách này nên được xác định tùy theo mức độ tình cảm, quan hệ giữa hai phía. Khi nói chuyện trực tiếp, nếu là với bạn bè tri kỷ hay với người yêu, khoảng cách có thể gần hơn (hoặc xa hơn một chút), với những đối tượng khác thì không nên quá gần nhưng cũng phải bảo đảm một khoảng cách thích hợp. Tiếp theo, là tư thế, tâm thái của bản thân mình.
Với những người lớn tuổi hơn hay lãnh đạo cấp trên, nên ngồi đối diện với nhau, mắt hướng về người cùng trò chuyện với mình, ngồi thẳng người, ngay ngắn, không vắt chéo chân hay ngồi dạng chân quá rộng, không chỉ tay thẳng vào phía đối phương,… Với những người tri kỷ hay với người yêu, khi nói chuyện có thể tùy ý hơn, thoải mái hơn nhưng cũng không được thiếu sự đứng đắn. Với những người khác, thông thường mà nói, điều cần thiết và bắt buộc đó là tư thế nghiêm chỉnh, trang nhã, ngoài ra cần chú ý đến tinh thần, tâm lí và sắc thái biểu cảm của đối phương.
Cần biết tùy cơ ứng biến
Những cuộc đối thoại trong giao tiếp là quá trình vận động liên tục, trong đó, những sự việc được sắp xếp trước cũng không ít. Điều quan trọng là chúng ta cần biết tùy cơ ứng biến. Điều gì cần bình tĩnh thì nên bình tĩnh, cần nhượng bộ thì nên nhượng bộ, cần thay đổi thì ắt phải thay đổi.
Cần biết cách đặt câu hỏi ngược lại
Việc đặt câu hỏi ngược lại sẽ giúp bạn có thể tránh được những câu hỏi từ phía người khác, không những vậy còn có khả năng đặt đối phương vào tình huống khó xử. Có lần một đài truyền hình của Anh khi thực hiện chương trình truyền hình trực tiếp đã phỏng vấn Lương Hiểu Thanh - một nhà văn trẻ của Trung Quốc. Phóng viên phỏng vấn là một người Anh đã có nhiều kinh nghiệm trong công việc này.
Anh ta đi về phía Lương Hiểu Thanh và nói: "Câu hỏi tiếp theo, xin mời anh chỉ trả lời ngắn bằng hai chữ ‘Có’ hoặc ‘Không’." Lương Hiểu Thanh gật đầu đồng ý. Micro được đưa gần về phía anh và người phóng viên bắt đầu hỏi: "Nếu không có đại cách mạng văn hóa, thì chắc hẳn không có thế hệ tác giả trẻ như anh. Vậy đối với anh, xét cho cùng thì cuộc đại cách mạng văn hóa này là tốt hay xấu?"
Lương Hiểu Thanh sững người, nhưng ngay sau đó anh đã nhanh trí đáp lại người phóng viên bằng một câu hỏi: "Nếu không có Chiến tranh thế giới thứ hai thì chắc hẳn cũng sẽ không có những nhà văn nổi tiếng - những người đã phản ánh một cách chân thực cuộc chiến đó. Vậy anh cho rằng cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai là tốt hay xấu?"
Cách trả lời như vậy thực sự khéo léo và thông minh, nó khiến cho người phóng viên kia chợt ngây người ra, không nói được nên lời, máy quay ngay lúc đó cũng dừng thu hình.
PV
Theo Nhịp Sống Kinh Tế