Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, ý nghĩa của tên gọi luôn mang tầm quan trọng lớn - Ảnh: BBC
Một buổi trưa tháng 4-2020, nỗi lo lắng của Mandy Pang trở thành hiện thực. Cô bị công ty sa thải khỏi vị trí marketing do làm ăn khó khăn giữa thời buổi đại dịch.
Trở về nhà trong tâm trạng giác tức giận và tổn thương, cô gái Hong Kong 29 tuổi ngồi nhớ lại những công việc từng làm trước đây, có cảm giác như vận rủi lúc nào cũng đeo bám cô.
Một tháng sau, trong lúc đang tìm công việc mới, Pang đi đến một quyết định khác thường: Đổi tên trên giấy tờ để trút bỏ xui xẻo, cải thiện vận mệnh.
"Người bạn của mẹ tôi nói tên mới có thể giúp tôi tránh được tiểu nhân", cô tâm sự trên Đài BBC.
Một niềm tin cổ xưa
Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, ý nghĩa của tên gọi luôn mang tầm quan trọng lớn. Cộng đồng người Hoa sống ở các nước Đông Á tin rằng cái tên có thể ảnh hưởng đến vận may trong mọi khía cạnh đời sống, từ sức khỏe, tình duyên, tiền tài cho đến học vấn.
Khi nền kinh tế bị đại dịch làm cho điêu đứng, những người thất nghiệp như cô Pang không chỉ lo chăm chút bộ hồ sơ xin việc, họ còn tìm đến thầy bói, thầy phong thuỷ xin lời khuyên về việc thay tên.
"Người Hoa tin có 10 thứ quyết định vận mệnh. Ngoài ngày giờ sinh, làm việc tốt tích đức... cái tên là một trong 10 yếu tố đó", Lee Shing Chak - thầy phong thủy nổi tiếng ở Hong Kong, cho biết.
Tin vào dòng năng lượng và sự cân bằng trong thế giới, người Hoa đặt tên cho một em bé sau khi cân nhắc kỹ giờ sinh và cung mệnh trong lịch chiêm tinh (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ).
Cái tên còn phải có âm phát ra dễ nghe, có số lượng nét ký tự tốt, cân bằng giữa các nguyên tố...
Như vậy, trên lý thuyết nếu mọi thứ trong cuộc sống sau này không được suôn sẻ, một người có thể bổ sung thêm nguyên tố mới vào tên gọi để khắc phục sự thiếu cân bằng.
Tuy nhiên cách thực hành rất khác nhau, mỗi thầy bói có cách diễn dịch chiêm tinh và phong thủy của riêng mình.
Năm lên 4 tuổi, anh Chin Foukin sống ở Quảng Đông được mẹ bổ sung thêm một ký tự mang nguyên tố kim vào tên để chữa căn bệnh đường hô hấp lương y nào cũng bó tay.
"Sau đó căn bệnh của tôi tự khỏi một cách bí ẩn. Mẹ tôi tin đổi tên là một trong các lý do giúp tôi hồi phục... Nhưng tôi đoán do hệ miễn dịch của tôi trở nên tốt hơn theo năm tháng", chàng trai 24 tuổi đang làm công việc bất động sản hồi tưởng.
Ở Hàn Quốc, nhiều người cũng tin vào sức mạnh của tên gọi, rằng nó có thể ảnh hưởng vận mệnh - Ảnh: BBC
Tên gọi có ảnh hưởng mạnh
Theo giáo sư Zhang Yan, Đại học quốc gia Singapore, mặc dù không có bằng chứng khoa học chứng minh việc thay tên đổi họ ảnh hưởng đến số mệnh nhưng có thể mang "hiệu ứng giả dược" cực mạnh.
Giáo sư Zhang từng nghiên cứu sâu về tâm lý (con người) đằng sau các nghi thức tâm linh.
"Mọi người luôn tìm kiếm một cảm giác kiểm soát, nhất là trong thời buổi khó khăn. Đổi tên có thể cho họ cảm giác điều khiển được những gì xảy ra trong đời.
Nó không giúp ích một cách khách quan, nhưng nếu chúng ta tính đến cảm giác kiểm soát có thể giúp giảm bớt lo lắng, hành động này có thể mang hiệu ứng tích cực về sau, ví dụ mọi người trở nên tự tin vào bản thân hơn", ông Zhang lý giải.
Ở Hong Kong, gia đình cô Laura Yip tin rằng cô con gái 23 tuổi của họ trở nên thùy mị hơn sau khi đổi tên năm 18 tuổi. "Cậu tôi nói tôi sẽ dễ kiếm chồng hơn nếu đổi tên, còn mẹ tôi muốn tôi gặp nhiều may mắn khi trưởng thành", Laura tâm sự.
Phí đổi tên trên giấy tờ ở Hong Kong không rẻ, tốn khoảng 1.930 USD nhưng cô gái tin là đáng đồng tiền.
"Tôi từng rất vô duyên hồi còn trẻ, mẹ và cậu bảo tôi trở nên nhu mì và dịu dàng hơn sau khi đổi tên. Tôi không chắc tên mới là lý do, nhưng quả thật tôi trở nên dễ gần và lịch thiệp hơn khi bắt đầu đi làm.
Thầy bói nói sẽ càng hiệu nghiệm nếu mọi người gọi tên mới thường xuyên, nên tôi bảo bạn bè chỉ dùng tên mới gọi tôi", Laura kể lại trải nghiệm.
Laura Yip, 23 tuổi, cho rằng đổi tên đã giúp tính cách cô thay đổi - Ảnh: BBC
Thời buổi khó khăn càng đua nhau đổi tên
Thực tế cho thấy xu hướng đổi tên hay xảy ra trong những giai đoạn cuộc sống bấp bênh, không chỉ ở Trung Quốc mà còn nhiều nước Đông Á chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc.
Ví dụ hồi năm 2016, gần 150.000 người Hàn Quốc đã đổi tên trong giai đoạn thất nghiệp cao kỷ lục ở nước này.
Năm nay, kinh tế toàn cầu lao dốc mạnh vì đại dịch COVID-19, nhiều quốc gia chứng kiến những làn sóng sa thải lao động hàng loạt. Ở Hong Kong, chỉ trong 9 tháng đầu năm có 1.252 người nộp đơn xin đổi tên dù không có thống kê nào giải thích động cơ của họ.
Bà Mak Ling Ling - một thầy phong thủy nổi tiếng khác ở Hong Kong - cho biết lượng khách hàng tìm đến bà nhờ đổi tên luôn nhiều trong những năm gần đây, khoảng 60-70% người lớn có mục đích "trút bỏ xui rủi".
Theo bà Mak, tên mới giúp "điều chỉnh hào quang của một người" sau các thay đổi lớn trong cuộc sống, ví dụ mất việc làm.
"Tên gọi cũng như bộ quần áo - đại diện cho tính cách và đẳng cấp của một người. Đặc biệt ở Trung Quốc nhiều người muốn cái tên nghe thật hiện đại và ít trùng lặp để họ trở nên nổi bật trong đám đông khi xin việc làm", thầy phong thủy giải thích.
Nhưng bà Mak cũng cảnh báo rằng những người muốn thay tên để điều chỉnh toàn bộ tính cách hoặc đạt mục tiêu nào đó sẽ thất vọng.
"Nhiều bậc phụ huynh muốn đổi tên con để chúng học giỏi nhất lớp. Điều này bất khả thi. Tên mới chỉ có thể đưa vận may đi theo một hướng khác, nhưng chắc chắn không thể vượt quá khả năng và tiềm năng của cá nhân đó", bà Mak lý giải.
Giáo sư Zhang thì cho lời khuyên: "Đổi tên không mất mát gì, nhưng chúng ta cần nhớ đây chỉ là một hành động tâm linh. Bạn vẫn phải nỗ lực để mọi thứ trở nên tốt hơn".
Xem thêm: mth.85531616141210202-hnem-nav-iod-yaht-es-net-iod-nit-aoh-iougn-oas-iv/nv.ertiout