Chính Phủ kêu gọi toàn dân tham gia chuyển đổi số
Vân Ly
(TBKTSG Online) – Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến 2025, định hướng 2030 hôm nay 14-12 và đại diện Chính phủ đã kêu gọi tất cả các cơ quan, ban ngành, người dân, doanh nghiệp cùng tham gia vào công cuộc chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tại sự kiện Ngày chuyển đổi số Việt Nam 2020. Ảnh: Vân Ly |
Ngày chuyển đổi số Việt Nam 2020 do Hiệp hội phần mềm và dịch vụ Công nghệ thông tin (Vinasa) phối hợp với Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tháng 3 năm nay trên mạng có khoảng 3.000 kết quả tìm kiếm có chứa từ khóa “chuyển đổi số” nhưng đến tháng 11 vừa qua thì con số này đã tăng gấp 10 lần.
“Chuyển đổi số là sự dịch chuyển từ không gian thực lên không gian số. Sự dịch chuyển này là mới, chưa có tiền lệ. Vì thế, nhận thức là quan trọng và vì thế phải chia sẻ. Sự dịch chuyển này là một chặng đường dài, vì thế chúng ta phải đi cùng nhau và phải kết nối,” ông Dũng nói.
Ông Dũng cũng kêu gọi mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hãy nhanh chóng hoạch định cho mình một bản chiến lược và kế hoạch hành động thực hiện chuyển đổi số. Mỗi cơ quan, tổ chức là khác nhau, vì vậy, chiến lược và kế hoạch hành động cũng khác nhau. Người đứng đầu mỗi cơ quan, tổ chức hãy là người tư duy, lựa chọn định hướng, xác định mục tiêu và ra đề bài về chuyển đổi số.
Đối với các bộ, cơ quan ngang Bộ, ông Dũng cho rằng chuyển đổi số không chỉ là trong hoạt động của nội bộ của bộ mình, mà là chuyển đổi số của ngành mình. Đối với các địa phương, chuyển đổi số không chỉ là hoạt động của cơ quan nhà nước, mà là phát triển kinh tế số, xã hội số của địa phương mình. Tỉnh ủy thảo luận, ra nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số. UBND tỉnh ban hành chiến lược và kế hoạch hành động cụ thể hoá nghị quyết của Tỉnh uỷ.
Ông Dũng cho hay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xuất bản cuốn cẩm nang Chuyển đổi số làm tài liệu tham khảo với khoảng hơn 100 câu hỏi – đáp đơn giản, dễ hiểu về chuyển đổi số và phân công Cục Tin học hóa là đầu mối đồng hành, hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong hoạt động này.
“Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là lực lượng chủ lực phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số. Doanh nghiệp công nghệ lớn hãy tập trung vào việc phát triển hạ tầng và các nền tảng, tạo không gian để trên đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động, kết nối kinh doanh và đổi mới sáng tạo. Có như vậy, mới tạo ra hệ sinh thái ứng dụng và dịch vụ đa dạng, bền vững với sự tham gia của nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau,” ông Dũng kêu gọi.
Thêm nữa thứ trưởngg Bộ Thông tin và Truyền thông còn cho rằng địa phương hãy tập trung phát triển các doanh nghiệp tư vấn ứng dụng công nghệ số, mang công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống tại địa phương.
Đối với các bộ, ngành, địa phương, ông Dũng đề nghị khẩn trương ban hành kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0, trong đó chú ý kết hợp hài hòa giữa tập trung và phân tán. Những nền tảng quy mô bộ, ngành, địa phương cần triển khai tập trung. Ứng dụng và dịch vụ có thể triển khai phân tán.
“Chuyển đổi số chỉ thành công nếu toàn dân tham gia. Nghĩa là, công nghệ số, dịch vụ số phải được phổ cập, kèm theo đó là dịch vụ an toàn, an ninh mạng cũng phổ cập, nghĩa là giá thành rẻ, dễ sử dụng, tiện ích cho mọi người,” ông Dũng nhấn mạnh.
Cũng tại sự kiện, Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và dịch vụ Công nghệ thông tin Vinasa, ông Trương Gia Bình, cho biết: “Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số đang mới ở những bước khởi đầu, rất nhiều những băn khoăn và câu hỏi được đặt ra như,chuyển đổi số sẽ bắt đầu từ đâu, như thế nào, nguồn lực cần chuẩn bị và làm gì để đẩy nhanh tiến trình Chuyển đổi số? Để giải quyết được những câu hỏi này, cách duy nhất là phải hành động, phải kết nối và chia sẻ cùng nhau”.
Xem thêm: lmth.os-iod-neyuhc-aig-maht-nad-naot-iog-uek-uhp-hnihc/407113/nv.semitnogiaseht.www