Hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga - Ảnh: TASS
Ngày 14-12, Mỹ áp trừng phạt lên Thổ Nhĩ Kỳ vì Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Động thái này sẽ làm phức tạp thêm mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ - hai đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), theo Hãng tin Reuters.
Lệnh trừng phạt trên nhắm vào cơ quan phát triển và mua sắm quốc phòng hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ là Cơ quan công nghiệp quốc phòng (SSB), chủ tịch Ismail Demir của SSB cùng 3 nhân viên khác.
Các dự án chung hay hoạt động chuyển giao công nghệ giữa công ty Mỹ và các công ty Thổ Nhĩ Kỳ liên quan SSB sẽ bị cấm. Hiện không rõ lệnh trừng phạt sẽ có tác động gì lên các quốc gia thứ 3, chẳng hạn các nước châu Âu cung cấp vũ khí và linh kiện cũng như hợp tác với các công ty quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ.
Biện pháp trên - vốn nhận được sự hoan nghênh từ cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ - được công bố dựa theo đạo luật Chống các đối thủ của Mỹ thông qua biện pháp trừng phạt (CAATSA). Đây là lần đầu tiên đạo luật này được sử dụng chống lại một thành viên trong liên minh NATO.
Thổ Nhĩ Kỳ đã lên án lệnh trừng phạt của Mỹ là "sai lầm nghiêm trọng" và thúc giục Washington xem xét lại "quyết định bất công". Ankara nói rằng lệnh trừng phạt chắc chắn sẽ làm tổn hại tới mối quan hệ giữa hai nước và dọa sẽ trả đũa nhưng không nêu cụ thể.
Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Nga vào giữa năm 2019 và nói rằng chúng không đặt ra mối đe dọa cho các đồng minh NATO. Tuy nhiên, từ lâu Washington đã dọa trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ. Năm ngoái Washington đã loại Ankara ra khỏi một chương trình tiêm kích F-35.
Trước đây, Tổng thống Donald Trump đã phớt lờ lời khuyên của các trợ lý và phản đối áp trừng phạt lên Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, ông đã bật đèn xanh cho phép trừng phạt cách đây vài ngày, theo các nguồn thạo tin được Reuters dẫn lại.
Các quan chức cấp cao Mỹ nói rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga và từ chối thay đổi quyết định bất chấp những yêu cầu liên tục của Mỹ đã khiến Washington không còn lựa chọn nào khác.
"Tại các cấp cao nhất và trong nhiều dịp, Mỹ đã nói rõ với Thổ Nhĩ Kỳ rằng việc họ mua hệ thống S-400 của Nga sẽ đe dọa tới an ninh của quân nhân và công nghệ quân sự Mỹ, đồng thời mang lại nguồn tiền đáng kể cho lĩnh vực quốc phòng Nga" - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói.
Theo kênh CNBC, tiếp nối các hệ thống tên lửa S-200 và S-300, hệ thống S-400 của Nga ra mắt năm 2007. So với các hệ thống tên lửa Mỹ, S-400 được cho là có năng lực đối phó các mục tiêu với phạm vi hoạt động xa hơn và xử lý nhiều mối đe dọa cùng lúc.
Phía Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng họ buộc phải mua hệ thống S-400 của Nga vì Mỹ không bán các tên lửa Patriot cho Ankara. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng chỉ ra việc áp dụng tiêu chuẩn kép, khi Hi Lạp (cũng là thành viên NATO) sử dụng các tên lửa do Nga chế tạo, theo Hãng tin AP.
TTO - Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục cho thấy sự quyết tâm sở hữu hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga, phớt lờ các cảnh báo từ Mỹ và các nước khác trong NATO ngay sau một hội nghị căng thẳng của khối.