Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đặt mục tiêu 5 tỉ đô la năm 2025
Vũ Yến
(TBKTSG Online) - Kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam giai đoạn 2015-2019 tăng trung bình 9,5%/năm, từ 1,62 tỉ đô la Mỹ (2015) lên đến 2,23 tỉ đô la Mỹ (2019) và phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 5 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025, theo thông tin từ Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương.
Kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam giai đoạn 2015-2019 tăng trung bình 9,5%/năm. Trong ảnh là một nghệ nhân đang chăm chút tác phẩm của mình: Ảnh: CXT |
Các sản phẩm thủ công của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất, với doanh số chiếm 35% kim ngạch xuất khẩu hàng năm, bên cạnh đó là các thị trường như Nhật Bản, Liên minh châu Âu (đặc biệt là Đức, Anh, Pháp, Hà Lan…), Úc, Hàn Quốc…
Hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu bao gồm 5 nhóm: túi xách, ví, vali, mũ, ô (dù); đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận; hàng gốm sứ; sản phẩm mây, tre, cói, thảm; gỗ mỹ nghệ. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng thời trang, quà tặng đã được xuất khẩu tại chỗ thông qua việc phục vụ nhu cầu mua sắm của khách nước ngoài đến Việt Nam (hiện chiếm khoảng 15% tổng chi tiêu- khoảng 15 đô la Mỹ/khách). Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu tại chỗ của Việt Nam thời gian qua chưa được chú trọng.
Cũng theo Cục Xúc tiến thương mại, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ trong những năm qua luôn trong nhóm 10 mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Đơn vị này dẫn số liệu của Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, cứ 1 triệu đô la Mỹ xuất khẩu của ngành thủ công mỹ nghệ mang lại lợi nhuận gấp 5-10 lần so với ngành khai thác; giải quyết việc làm từ 3 đến 5 ngàn lao động, nhóm hàng thủ công mỹ nghệ được xếp vào nhóm sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu lớn và có tỉ suất lợi nhuận cao.
Kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này cũng mang lại giá trị gia tăng lớn và được coi là ngành hàng quan trọng được tập trung phát triển xuất khẩu trong các năm tới.
Sản xuất hàng thủ công ở Việt Nam chủ yếu dựa trên một hệ thống gồm 2.556 làng nghề trên toàn quốc. Các làng nghề đã tạo việc làm cho khoảng 5,2 triệu lao động nông thôn. Do việc sản xuất, xuất khẩu hàng thủ công phần lớn khai thác nguồn nguyên liệu tại chỗ và hầu như không phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu (ước tính chỉ chiếm từ 3-3,5% giá trị xuất khẩu) nên thuộc nguồn hàng hóa có tính nội lực cao, đồng thời là ngành có điều kiện phát triển ở nhiều khu vực, vùng miền, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế của những nơi này.
Xem thêm: lmth.5202-man-al-od-it-5-ueit-cum-tad-ehgn-ym-gnoc-uht-gnah-uahk-taux/927113/nv.semitnogiaseht.www