Sự việc anh PHP (30 tuổi, ngụ Bình Dương) bị những người đi đường bỏ mặc khiến anh bị xe khách tông tử vong đang chú ý sự quan tâm của dư luận .
Cụ thể, khoảng 22 giờ ngày 11-12, anh P. điều khiển xe máy từ Bình Dương đi Bình Phước. Khi đến xã Vĩnh Hòa (huyện Phú Giáo), anh P. bị té, bất tỉnh giữa đường. Bốn người đi xe máy ngang qua chứng kiến vụ việc (có người còn dừng lại nhìn) nhưng sau đó bỏ đi. Sau đó, anh P. bị một chiếc xe khách do không nhìn thấy tông trúng dẫn đến tử vong.
Nhiều bạn đọc thắc mắc hành vi bỏ mặc nạn nhân của những người đi đường có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không.
Hiện trường vụ tai nạn khiến anh P. tử vong. Ảnh: KD - LÊ ÁNH
Luật sư Trần Bá Học (Đoàn LS TP.HCM) chia sẻ: Với tư cách là người tham gia giao thông, nếu thấy có một người bị tai nạn nghiêm trọng như vậy, bình thường không thể trực tiếp đưa nạn nhân đi cấp cứu thì cũng phải gọi điện thoại cho cơ quan chức năng để hỗ trợ người bị nạn.
Tuy nhiên, clip cho thấy nhiều người có thái độ “vô cảm” với tính mạng của người khác. Chúng ta chưa thể đánh giá nguyên nhân xuất phát từ đâu dẫn đến thái độ thờ ơ này.
Theo LS Trần Bá Học, chưa thể đưa ra đánh giá chính xác họ sẽ phải chịu trách nhiệm gì đối với việc “không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm tính mạng”.
Bởi lẽ, cần thiết phải xác định thời điểm chết của nạn nhân khi xảy ra tai nạn. Việc xác định nguyên nhân chết, thời điểm chết có liên quan mật thiết đối với trách nhiệm pháp lý của những người liên quan.
Ngoài ra, cần thiết phải điều tra làm rõ phương tiện tông vào nạn nhân do “không quan sát” kịp thời hay do một nguyên nhân nào khác để làm căn cứ quy trách nhiệm.
Đồng quan điểm, một hội thẩm nhân dân đã từng tham gia xét xử các vụ án TNGT cho biết hành vi không cứu giúp nạn nhân của bốn người đi đường có thể bị xử lý về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo Điều 132 BLHS (mức hình phạt đến bảy năm tù). Tuy nhiên, để xử lý về tội này thì không dễ.
Vị hội thẩm phân tích đối với tội không cứu giúp người cần xác định mối quan hệ nhân quả của hành vi không cứu giúp với hậu quả chết người. Tức là nếu xác định vì không cứu mà dẫn đến hậu quả người đó chết thì mới có tội, còn nếu cứu hay không cứu mà người đó vẫn chết thì khó kết tội được người không cứu.
Ngoài việc phải xác định được danh tính cụ thể những người đi đường, việc chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi với hậu quả chết người là rất khó.
“Cái khó chứng minh nhất trong các vụ án TNGT gây chết người hiện nay là nếu có rất nhiều người đi ngang qua thấy vụ tai nạn mà không cứu thì không lẽ truy cứu trách nhiệm hình sự hết tất cả người này? Điều này gần như là không thể.
Tuy nhiên trong vụ việc ở Bình Dương, camera an ninh nhà dân đã ghi lại được sự việc và ban đầu xác định được bốn người đi đường chứng kiến nạn nhân bất tỉnh nhưng bỏ mặc. Những người này có thể nhận thức được rằng nếu không cứu giúp, anh P. có thể bị xe sau cán phải nhưng họ đã không cứu. Hậu quả thực tế là anh P. đã bị xe khách tông tử vong.
Cơ quan điều tra nên vào cuộc xác minh, điều tra quyết liệt để xử lý trách nhiệm hình sự theo Điều 132 BLHS của những người bỏ mặc nạn nhân (nếu có)” - vị hội thẩm nêu quan điểm.