Bị cáo Đinh La Thăng tại tòa - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Sáng 15-12, phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng, Nguyễn Hồng Trường (cựu lãnh đạo Bộ GTVT) tiếp tục phần xét hỏi.
Theo đó, nhóm bị cáo là cán bộ, nhân viên Công ty Xuân Phi (bán phần mềm gian dối) khẳng định không biết mục đích sử dụng phần mềm vào việc làm giảm doanh thu.
Làm giám đốc Công ty Đức Bình nhưng điều khiển Công ty Yên Khánh
Cáo trạng thể hiện bị cáo Phạm Văn Diệt (giám đốc Công ty Đức Bình) không liên quan đến Công ty Yên Khánh nhưng lại được Đinh Ngọc Hệ trực tiếp giao điều hành toàn bộ các công ty do Hệ thành lập, trong đó có Công ty Yên Khánh.
Theo lời khai của Diệt, từ năm 2012-2017 Diệt đã nhiều lần cùng Đinh Ngọc Hệ đến Tổng công ty Cửu Long để tiếp nhận tham gia mua quyền thu phí. Diệt cũng biết rõ việc làm giả hồ sơ năng lực tài chính của Công ty Yên Khánh và Công ty Khánh An, biết rõ công ty Yên Khánh không đủ năng lực để tham gia đấu giá mua quyền thu phí.
Khi thực hiện sự chỉ đạo của Hệ, Diệt đại diện Công ty Yên Khánh trực tiếp tham gia đấu giá. Sau khi trúng đấu giá và tiến hành khai thác, Diệt biết rõ mục đích của Hệ là chỉ đạo các trạm thu phí cắt giảm để che giấu doanh thu. Diệt đã phê duyệt các phương thức nộp tiền theo số liệu can thiệp vào doanh số thực tế.
Diệt khai bản thân không được nhận lợi ích gì từ việc làm của Đinh Ngọc Hệ nhưng thừa nhận việc làm của mình đã giúp cho Hệ chiếm đoạt tiền thu phí của Nhà nước.
Diệt cũng khai nhận lương tháng từ Công ty Đức Bình, người trả lương là Đinh Ngọc Hệ.
Tại phiên tòa, Diệt cho rằng mình không tham gia bàn bạc gì việc làm giả hồ sơ công ty, cũng không đi nộp hồ sơ đấu thầu mà người khác đi nộp. Diệt chỉ tham gia đấu thầu và sau đó được Hệ giao cho đi ký hợp đồng (dù không nhận được ủy quyền từ Công ty Yên Khánh nhưng Công ty Cửu Long vẫn chấp nhận cho Diệt đi thương thảo và ký hợp đồng).
HĐXX cũng xét hỏi và làm rõ hành vi của các bị cáo Nguyễn Thị Kim Huệ, Ngô Bá Thắng, Trần Văn Miền (Công ty Yên Khánh).
Các bị cáo này trực tiếp tham gia vào quá trình báo cáo gian dối, cắt giảm doanh thu và nộp tiền thu phí vào tài khoản của Công ty Yên Khánh nhưng lại ghi tên cá nhân nộp tiền chứ không phải tiền thu phí.
HĐXX đang xét hỏi bị cáo - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cụ thể, bị cáo Huệ được giao và trực tiếp theo dõi việc thu chi. Huệ khai tập hợp toàn bộ số liệu (đã cắt giảm số tiền doanh thu) rồi gửi cho Phạm Tuấn Hoàng lập báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty Yên Khánh, sau đó báo cáo gian số liệu doanh thu phí.
Tại phiên tòa, Huệ cho biết số liệu thực tế thì bị cáo không biết, còn số liệu đã bị cắt giảm thì bị cáo nhập vào phần mềm kế toán.
Giám đốc Công ty Xuân Phi nói không biết Yên Khánh mua phần mềm để gian dối
Buổi sáng, HĐXX cũng xét hỏi đối với bị cáo Nguyễn Xuân Hiền, giám đốc Công ty Xuân Phi (bán phần mềm cắt giảm doanh thu cho Công ty Yên Khánh).
Theo đó, Hiền cho rằng nội dung cáo trạng không đúng với một số diễn biến hành vi của bị cáo. Hiền cho rằng khi Công ty Yên Khánh đặt vấn đề mua phần mềm thì Hiền chỉ biết đây là phần mềm thu phí chứ không biết Công ty Yên Khánh mua để gian dối, làm giảm doanh thu thu phí.
Bị cáo Hiền cho rằng khi Tô Phước Hùng (kế toán trưởng Công ty Yên Khánh) đặt vấn đề viết phần mềm để thay đổi seri cho vé. Hiền khẳng định bị cáo chỉ tiếp nhận yêu cầu chứ không tham gia bàn bạc, không đưa ra giải pháp giảm doanh thu. Bị cáo là người kinh doanh, có người đặt yêu cầu thì làm.
"Bị cáo hoàn toàn không biết được việc sử dụng phần mềm cho mục đích gian dối" - Hiền khai.
Đồng thời bị cáo Hoàng Tô Hạnh Vân (nhân viên viết phần mềm Công ty Xuân Phi) cũng khẳng định sếp giao viết phần mềm thì viết chứ không biết mục đích sử dụng của Công ty Yên Khánh đối với phần mềm này.
TTO - Là cháu gọi Út 'trọc' bằng cậu, bị cáo Vũ Thị Hoan khai giữ chức giám đốc và là người đại diện theo pháp luật nhưng thực chất không tham gia góp vốn, không tham gia họp hội đồng quản trị Công ty Yên Khánh.