Tháng 11, Lâm khởi kiện chính quyền quận Bình Nguyên, thành phố Tân Hương, tỉnh Hà Nam cho rằng bị từ chối tuyển dụng do mang thai. Phiên xử diễn ra từ ngày 11/12 nhưng tới nay chưa có phán quyết.
Theo đơn kiện, năm 2019, Lâm đạt điểm cao nhất ở bài thi viết và phỏng vấn trong đợt thi tuyển giáo viên của quận Bình Nguyên. Tuy nhiên, hồ sơ của Lâm vẫn bị Sở Giáo dục quận Bình Nguyên từ chối do chị không chụp X-quang cơ thể, vốn là một phần của bài kiểm tra sức khỏe mà nhà tuyển dụng thường yêu cầu.
Hay tin bị loại, Lâm tới Bệnh viện chụp X-quang nhưng bị từ chối vì đang mang thai 6 tháng. Quy định bệnh viện không cho phép chụp X-quang cho thai phụ. Lâm cùng 6 phụ nữ khác có hoàn cảnh tương tự phản ánh lên hội phụ nữ địa phương và chủ tịch thành phố nhưng không có kết quả. Lâm vì thế khởi kiện với yêu cầu nhận mình vào làm công việc giảng dạy dựa trên kết quả phỏng vấn trước đó.
"Tôi từng được cảnh báo sẽ không được gì khi tiếp tục theo kiện. Nhưng tôi chỉ muốn công bằng. Nếu họ đưa ra lời giải thích hợp lý, tôi sẽ rút đơn", Lâm nói.
Không đồng ý, Sở Giáo dục huyện Bình Nguyên vẫn giữ nguyên thái độ và yêu cầu tòa bác đơn kiện. "Ứng viên chỉ đủ điều kiện nếu có đủ kết quả kiểm tra sức khỏe. Về việc tại sao bệnh viện không cho phép chụp X-quang hoặc ứng viên có muốn chụp hay không, đó là việc của họ. Chúng tôi không từ chối ứng viên vì mang thai", giám đốc Sở Giáo dục cho biết.
Đơn kiện của Lâm thu hút được sự chú ý của người dùng mạng xã hội Trung Quốc, nhiều ý kiến tỏ ra phẫn nộ vì sự phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai.
Việc phụ nữ mang thai bị nhà tuyển dụng phân biệt đối xử thường xuyên được ghi nhận trong những năm gần đây. Năm 2017, ba phụ nữ đã khởi kiện công ty ở Bắc Kinh vì ép từ chức sau khi họ mang thai. Cuối cùng, tòa án tuyên công ty phải bồi thường thiệt hại kinh tế cho ba người.
Quách Tinh, người sáng lập đường dây nóng chuyên tư vấn pháp lý cho phụ nữ về lĩnh vực lao động, cho biết 47% số phản ánh mà tổ chức này nhận được là về sự phân biệt đối xử với thai phụ. Đa số các vụ đều liên quan việc phụ nữ bị giáng chức, ép nghỉ việc, hoặc bị cắt giảm lương sau khi mang thai. "Sự việc như Lâm là rất hiếm", bà Tinh nói.
Lưu Minh Huy, giáo sư trường luật Học viện Phụ nữ Trung Quốc, cho rằng Sở Giáo dục quận Bình Nguyên đã có cách xử lý không phù hợp. "Phụ nữ có thai vẫn có đủ quyền lợi lao động, cơ quan hữu quan không nên đặt rào cản để ngăn họ tiếp cận cơ hội việc làm", giáo sư Huy nói.
Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), nếu tiếp xúc trực tiếp phóng xạ từ tia X, thai nhi sẽ có thêm một phần rủi ro bị dị tật hoặc các bệnh khác. Nguy cơ này rất nhỏ nhưng cũng không nên trải qua nếu không cần thiết.
Quốc Đạt (Theo Sixth Tone, The Paper)
Xem thêm: lmth.5276024-iaht-gnam-cul-ux-iod-teib-nahp-ib-iv-neik-iohk/ten.sserpxenv