Bị cáo Phạm Văn Diệt - một trong những trợ thủ đắc lực của bị cáo Đinh Ngọc Hệ tại công ty Yên Khánh cho biết mọi việc đều thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo Hệ.
Ngày 15.12, TAND TPHCM tiếp tục phiên xét xử vụ án tiêu cực tại cao tốc TPHCM – Trung Lương.
Trong buổi sáng 15.12, HĐXX xét hỏi các bị cáo trong công ty Yên Khánh và một số bị cáo khác liên quan việc mua, bán quyền thu phí tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương.
Mở đầu phiên tòa, HĐXX hỏi bị cáo Phạm Văn Diệt (Tổng giám đốc điều hành Công ty Đức Bình, một trong các công ty của bị cáo Đinh Ngọc Hệ) về nội dung cáo trạng đã nêu. Bị cáo Diệt thừa nhận việc bản thân được Đinh Ngọc Hệ giao trực tiếp điều hành toàn bộ hoạt động của các công ty do Đinh Ngọc Hệ thành lập, trong đó có Công ty Yên Khánh. Mọi chỉ đạo đều được bị cáo Hệ giao bằng miệng.
Trong thời gian từ năm 2012 - 2017, Phạm Văn Diệt đã trực tiếp nhiều lần cùng Đinh Ngọc Hệ đến Tổng Công ty Cửu Long để tiếp cận tham gia mua quyền thu phí. Bị cáo Phạm Văn Diệt cho biết bản thân được Hệ gọi điện rồi dẫn qua Công ty Cửu Long cùng với nhiều người khác.
“Bị cáo có gặp ông Dương Tuấn Minh (Tổng Giám đốc Tổng công ty Cửu Long) khoảng một lần. Trong cuộc nói chuyện đó, ông Hệ nói với ông Minh nhiều nội dung, trong đó có việc nhờ tạo điều kiện tham gia đấu giá thu phí cao tốc Trung Lương - TP.HCM. Đến ngày nộp hồ sơ đấu giá, ông Hệ nói với bị cáo là đã chốt giá, bảo bị cáo ký nháy”- Bị cáo Diệt trình bày trước tòa.
"Bị cáo có biết hồ sơ năng lực tài chính của Công ty Yên Khánh và Công ty Khánh An là giả không?"- HĐXX hỏi.
Bị cáo Diệt trình bày: “Bản thân biết hồ sơ năng lực tài chính của 2 công ty có vấn đề, nhưng dưới sự chỉ đạo của ông Hệ, nên bị cáo mang theo giấy ủy quyền đại diện công ty Yên Khánh và giấy tờ liên quan đến buổi đấu giá bán quyền thu phí cao tốc Trung Lương - TPHCM do bị cáo Dương Tuấn Minh chủ trì”.
Ngoài ra, trong quá trình thanh toán tiền thu phí, do không đủ tài chính để thanh toán theo tiến độ, Diệt đã ký nháy 3 Công văn để Vũ Thị Hoan (GĐ Công ty Yên Khánh – cháu gái bị cáo Hệ) ký gửi Tổng công ty Cửu Long nêu lí do về việc chậm thanh toán tiền theo Hợp đồng.
Sau khi Công ty Yên Khánh trúng đấu giá và tiến hành khai thác thu phí, bị cáo Phạm Văn Diệt biết rõ mục đích của bị cáo Đinh Ngọc Hệ chỉ đạo các Trạm thu phí phải cắt giảm che giấu doanh thu thu phí. Sau đó, Phạm Văn Diệt đã phê duyệt phương thức nộp tiền thu phí theo số liệu can thiệp và số doanh thu thực tế .
Bị cáo Diệt trình bày: “Bản thân có biết ông Hệ chỉ đạo các Trạm thu phí phải cắt giảm doanh thu. Ông Hệ đã chỉ đạo giảm doanh thu sau đó, can thiệp bằng phần mềm vi tính…”.
Bên cạnh đó, bị cáo Diệt cũng khẳng định bản thân không hưởng lợi từ số tiền hơn 725 tỉ đồng mà bị cáo Đinh Ngọc Hệ "đút túi" từ hoạt động gian dối về thống kê doanh thu.
Trong buổi sáng 15.12, HĐXX cũng thực hiện xét hỏi đối với một số bị cáo là Trưởng, Phó phòng Kế toán, Trưởng trạm thu phí… tại công ty Công ty Yên Khánh và Công ty Khánh An. Trả lời HĐXX, các bị cáo này cho biết bản thân thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo Hệ về một số vấn đề (trong đó có che giấu doanh thu thu phí). Các bị cáo cũng cho biết bản thân không được hưởng bất cứ khoản lợi nào trong vấn đề này.
Theo cáo trạng, sau khi được bị cáo Đinh La Thăng giới thiệu tham gia mua quyền thu phí cao tốc TPHCM – Trung Lương, Đinh Ngọc Hệ đã sử dụng 2 pháp nhân là Công ty Yên Khánh và Công ty Khánh An do Hệ thành lập và chỉ đạo hoạt động để đăng ký mua quyền thu phí.
Thực tế 2 công ty này không có năng lực tài chính và kinh doanh thua lỗ nên Hệ chỉ đạo Kế toán trưởng Công ty trên làm giả hồ sơ tài chính từ lỗ thành lãi để đủ điều kiện nộp hồ sơ dự đấu thầu.
Ngay sau khi mua được quyền thu phí và tiến hành khai thác thu phí, Đinh Ngọc Hệ đã chỉ đạo nhân viên trong các công ty trên che giấu doanh thu thu phí thực tế, che giấu việc kiểm soát doanh thu thu phí của Bộ GTVT và các cơ quan liên quan nhằm chiếm đoạt khoản tiền chênh lệch.
Ngoài ra, Đinh Ngọc Hệ cùng các bị cáo Phạm Văn Diệt, Tô Phước Hùng còn chỉ đạo các bị cáo khác thuộc Công ty Yên Khánh thực hiện hành vi gian dối bằng phần mềm máy tính.
Cụ thể, các bị cáo đã mua phần mềm máy tính của Công ty Xuân Phi và can thiệp vào phần mềm quản lý thu phí của Bộ GTVT đã được cài đặt để xâm nhập, điều chỉnh chương trình soát vé, nhằm làm cho những thông tin về việc thu phí không được kiểm soát.
Mục đích của việc này nhằm sau khi hết thời gian mua quyền thu phí cao tốc theo hợp đồng, các bị cáo sẽ báo cáo lỗ để tiếp tục xin được gia hạn thời gian thu phí...