Ngày 15-12, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí để chi hỗ trợ người dân khôi phục vườn dừa sau hạn mặn.
Theo đó, đợt hạn mặn mùa khô 2019 -2020 diễn biến phức tạp, gay gắt. Mặn đến sớm, xâm nhập sâu, độ mặn cao kéo dài từ tháng 11-2019 đến tháng 6-2020 đã gây thiệt hại rất lớn trên mọi mặt đời sống, sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Bến Tre có diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước. Ảnh: Đ.H
Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp có hơn 154.000 ha các loại cây trồng, rau màu, nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại gần 2.800 tỉ đồng. Để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất sau hạn mặn, UBND tỉnh đã phê duyệt kinh phí hỗ trợ để khôi phục sản xuất nong nghiệp vùng bị thiệt hại do hạn mặn gần 38,5 tỉ đồng với các đối tượng hỗ trợ gồm: cây lúa vụ Thu Đông năm 2019, rau màu, cây ăn trái lâu năm.
Riêng đối với cây dừa là cây trồng chính, gắn liền với cuộc sống, thu nhập của người dân Bến Tre. Trong đợt hạn mặn mùa khô 2019-2020 cây dừa tuy không bị chết nhưng bị giảm nặng suất, chất lượng trái. Toàn tỉnh có 72.500ha dừa bị giảm năng suất, chất lượng đa phần giảm từ 30-70%, đặc biệt là dừa uống nước.
Tuy nhiên theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP cây dừa không đảm bảo điều kiện để được hỗ trợ khôi phục sản xuất.
Hạn mặn đã làm giảm năng suất, chất lượng dừa trái Ảnh: Đ.H
Do dừa bị giảm năng suất, chất lượng nên từ đầu năm đến nay thu nhập của người trồng dừa bị giảm từ 50-60%, thậm chí có lúc dừa không bán được vì không đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra cùng với tác động của dịch bệnh Covid-19 người trồng dừa gặp khó khăn, dẫn đến việc chăm sóc, phục hồi vườn dừa sau hạn mặn rất hạn chế.
Để giúp người trồng dừa có điều kiện quan tâm chăm sóc vườn dừa, sớm khôi phục và tái sản xuất, UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ cho địa phương 72 tỉ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương để tỉnh hỗ trợ phân bón, chăm sóc khôi phục vườn dừa sau hạn mặn.
Trước đó tại các cuộc tiếp xúc cử tri của HĐND tỉnh, nhiều cử tri tỉnh Bến Tre cũng kiến nghị mong muốn người trồng dừa được hỗ trợ vì trong đợt hạn mặn của mùa khô 2019-2020 cây dừa bị ảnh hưởng nghiêm trọng, năng suất, chất lượng trái giảm sút, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.
Toàn tỉnh Bến Tre có trên 72.500 ha diện tích trồng dừa với khoảng 200.000 hộ trồng loại cây này, chiếm 50% diện tích dừa cả nước và chiếm khoảng 80% diện tích dừa của vùng ĐBSCL.
Sản lượng trái hàng năm đạt trên 800 triệu trái. Với người dân Bến Tre cây dừa là cây trồng chính góp phần tăng thu nhập và ngành dừa góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.