Grab trao tặng bằng khen cho những đối tác đã nỗ lực đồng hành trong 6 năm qua - Ảnh: Q.N
Ông Grab già làm cơ động
"Tôi sẽ chạy hoài không bao giờ bỏ Grab, bởi theo nghề, tôi làm được nhiều thứ cho đời, cho người. Tôi sẽ không bao giờ dừng, cứ chạy hoài, đến khi nào chạy không nổi nữa mới thôi" - ông Ngô Văn Út, một tài xế đã 72 tuổi đời, chia sẻ với chúng tôi như thế.
Ông Út là một trong số ít các đối tác đã đồng hành với Grab suốt 6 năm qua. Tuy đã lớn tuổi nhưng ông vẫn luôn năng nổ trong các hoạt động hỗ trợ anh em gặp khó khăn.
Dù tuổi cao, ông có đôi mắt sáng, cử chỉ rất linh hoạt. Ông cười hiền chia sẻ trước đây ông chạy xe ôm hơn 25 năm rồi cũng thấm thía được nỗi cực khổ và khó khăn của cái nghề bôn ba khắp các nẻo đường, ngõ hẻm.
Ông Ngô Văn Út tranh thủ nghỉ ngơi, lướt Facebook xem có đồng đội nào gặp khó cần giúp đỡ - Ảnh: KIM ÚT
"Lúc chạy xe tự do phải giành giật nhau dữ lắm, có khi còn xảy ra tranh chấp rồi đánh nhau, ai mạnh thì có khách, còn không thì đành chịu đói", ông Út kể.
Bắt đầu chạy xe công nghệ từ năm 2014, đến nay cuộc sống của ông Út đã có nhiều thay đổi. Ông nói, từ ngày chạy Grab ông nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ công ty và những đồng nghiệp. Cuộc sống của ông đã được bảo đảm và vững vàng hơn.
Ông kể, chạy xe gặp nhiều người khách rất thân thiện dễ thương, cũng có nhiều khách say và có những hành động không tốt nhưng ông vẫn vui vẻ. Ngoài tính năng đánh giá đối tác tài xế dành cho khách hàng, Grab cũng có tính năng đánh giá khách hàng ngay trên ứng dụng của đối tác tài xế.
Vì vậy sau mỗi chuyến xe có đánh giá thấp, ông đều được Grab chủ động liên hệ, hỏi thăm, chứ không vô cớ khóa tài khoản. Nhờ đó, dần dà ông trở thành một người hoàn toàn khác, từ một người cộc cằn ông trở nên vui vẻ, hay nói cười trò chuyện với hành khách.
Một điều mà ông rất tâm đắc trong những năm tháng chạy xe công nghệ là ở Grab có cái tình, công ty tạo điều kiện cho anh em thành lập các tổ đội để giúp đỡ nhau khi khó khăn.
Trong đó có Đội cơ động Grab (là đội ông Út đang tham gia) chuyên giúp đỡ anh em trong đội khi có tai nạn, hoặc gặp sự cố xe cộ, anh em chỉ cần gọi Đội cơ động là có người đến giúp đỡ ngay.
"Bản thân tôi, bất cứ giờ nào, người gặp nạn gọi là tôi vội vàng đi ngay, có khi là anh em bị tai nạn xe, xe hư hỏng... Mình cứ nghĩ tới lúc mình gặp sự cố xe hư hỏng gì đó mà không ai giúp sẽ rất khổ sở. Cứ nghĩ vậy nên nhận thông tin tôi phải đi liền, nhiều hôm không kịp ăn bữa trưa mà khi xong việc thì cũng không còn đói nữa. Chỉ thấy tâm trạng vui vẻ, thoải mái đến lạ thường", ông Út vui vẻ nói.
Nửa đêm cũng bật dậy cứu người
Còn anh Phạm Hùng Cường - đối tác tài xế GrabCar sống ở Gò Vấp, được anh em trong nghề thán phục vì tối ngày đi "lo chuyện bao đồng". Nhiều cuốc xe phải chịu lỗ cả triệu đồng nhưng anh vẫn không lấy tiền người bị nạn.
Anh Cường gắn bó với Grab cũng hơn 5 năm rồi, suốt quãng thời gian đó, ai cần là anh có, ai khó là có anh. Nhiều khi nửa đêm, anh nhận tin đồng nghiệp bị chết máy xe ô tô ở Long Thành (tỉnh Đồng Nai) do xe hết bình.
Cũng không suy nghĩ nhiều, anh bật dậy lấy xe, chuẩn bị máy kích bình rồi không quản đường xa xuống kích bình hỗ trợ đồng nghiệp trở về. Nhiều lần mải giúp người ta mà quên đón con, vợ anh cũng "bó tay" vì anh thích lo chuyện bao đồng. Cũng lo lắng cho chồng nhưng chị hiểu anh nên cứ thế chị thay anh lo nhà cửa, cơm nước, con cái... chu toàn cho anh yên tâm hơn.
Tài xế GrabCar hay lo "chuyện bao đồng", có hôm lỗ tiền xăng xe vì giúp đỡ người bị nạn - Ảnh: HOÀNG AN
Anh Cường kể, mới đây nhất, một sản phụ bị vỡ ối trên xe, anh lập tức chở từ quận 1 về quận Phú Nhuận đưa vào Bệnh viện Phụ sản để các bác sĩ can thiệp.
Nước ối chảy ra ghế xe anh đi giặt hết gần 2 triệu đồng, hành khách kia sau khi bình tĩnh thì gửi trả anh nhưng anh kiên quyết từ chối và bảo chị dành tiền lo cho con.
"Mình có tâm giúp người ta còn tính chuyện tiền bạc làm gì. Không biết có duyên sao mà mấy lần tôi chở phụ nữ sắp sinh bị vỡ ối rồi đó, may mà lần nào cũng đưa kịp vào viện. Kiểu này mai mốt chắc biết đỡ đẻ luôn quá!", anh Cường hài hước chia sẻ.
Anh nói trong hành trình "lo chuyện bao đồng" của mình có chuyện vui, cũng có chuyện buồn. Có lần anh chạy ra quận 2 giúp một chú GrabBike lớn tuổi bị tai nạn giao thông giữa đêm. "Hôm ấy, trời mưa to lắm, tôi tới nơi thì chú bất tỉnh rồi. Mấy anh em đưa chú vào bệnh viện nhưng chú đã không qua khỏi. Bởi vậy mới nói nghề nào cũng có cái khổ của nó", anh Cường trầm ngâm.
Kể về nguồn động lực để những năm qua cứ bôn ba giúp người này, người kia không tính toán tiền nong, anh Cường chia sẻ cách đây mấy năm, anh đưa cả nhà đi miền Tây chơi không may bị tai nạn.
Chính là những tài xế xe tải, xe container xa lạ đã giúp đỡ anh. Họ đưa anh về tận TP.HCM để điều trị, biết anh không sao họ mới quay về. Anh trả phí nhưng ai nấy đều từ chối vì "anh em tài xế giúp nhau lúc khó khăn thôi mà".
"Từ đó, tôi tâm đắc rằng người ta cho mình, mình cho lại những người khác đang cần hơn. Đó là tấm lòng thì tính toán tiền bạc làm gì", anh Cường chia sẻ.
Được biết ông Ngô Văn Út và anh Phạm Hùng Cường là hai trong số những đối tác tài xế đã đồng hành lâu năm với Grab. Vừa qua, ông Út và anh Cường cũng nhận được bằng khen từ lãnh đạo Grab vì những nỗ lực và sự đồng hành của các đối tác trong 6 năm qua…
Xem thêm: mth.45312643151210202-peih-aihgn-ehgn-gnoc-ex-ex-iat-gnuhn/nv.ertiout