Báo cáo kinh tế thường niên của ĐBSCL 2020 vừa mới được công bố đã đưa ra những con số rất đáng chú ý: Đóng góp của ĐBSCL vào GDP cả nước trong 3 thập kỷ qua giảm mạnh. Nếu như năm 1990, GDP của TP Hồ Chí Minh chỉ bằng 2/3 so với ĐBSCL thì hai thập niên sau, tỷ lệ này đã hoàn toàn đảo ngược, cả một vùng chỉ bằng 2/3 của TP Hồ Chí Minh và duy trì cho đến ngày hôm nay.
Tại sao lại có sự tụt hậu như vậy? Lợi thế của các tỉnh ĐBSCL là địa hình, thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu ôn hòa nay đã không còn nữa do tác động từ thiên tai đặc biệt là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và con người. Những thế mạnh khác trước đây đã tạo được qua nỗ lực cải cách, cải thiện trong công tác điều hành kinh tế địa phương nay cũng đang mất dần so với các vùng kinh tế khác.
Bài toán ĐBSCL từ báo cáo tổng thể kinh tế vùng
Vai trò kinh tế của ĐBSCL đang giảm dần so với các vùng khác trong cả nước. Nếu như năm 1990, ĐBSCL đóng góp vào tổng sản phẩm quốc nội 27% thì hiện nay, chỉ còn khoảng 18%. Đây cũng là vùng có số lượng doanh nghiệp và tỉ lệ đô thị hóa thấp nhất cả nước.
PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam, cho biết: "ĐBSCL chiếm tỉ trọng khá lớn trong xuất khẩu rau quả, nhưng theo khảo sát của chúng tôi, 113 cơ sở sản xuất, 7 kho hàng lạnh, hàng hóa nông nghiệp không đủ điều kiện lưu trữ, kém cạnh tranh trên thị trường quốc tế".
Ảnh minh họa - PLO.
Và còn hàng ngàn số liệu khác đã được tập hợp để đưa ra những khuyến nghị mà các địa phương cần tham khảo.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nói: "Đã có nhiều so sánh để thấy sự phát triển ĐBSCL trong thời gian qua, từng ngành, địa phương trong thời gian qua. Qua đây, các chuyên gia đưa ra các khuyến nghị phù hợp đối với vùng".
Những thách thức và hạn chế trên đang đẩy vùng đồng bằng này vào tình thế hết sức nan giải. Hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đương nhiên ảnh hướng đến bát cơm, sinh kế của hơn 17 triệu con người. "Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL" đã nhận định: "ĐBSCL là vùng trũng về di dân và đô thị hóa của Việt Nam" nghĩa là người trẻ cứ bỏ quê mà đi. Đây cũng chính là điều nhức nhối của khu vực này.
Thực trạng di cư tại ĐBSCL
Tuyến dân cư vượt lũ xã Phú Lộc, Tân Châu, An Giang có 1.000 hộ dân với khoảng 4.000 nhân khẩu. Khoảng 80% dân số nằm trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, ¾ trong số đó đã ly hương mưu sinh nơi xứ người.
Bà Trần Thị Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND thị xã Tân Châu, An Giang, cho biết: "Do địa bàn của chúng tôi cách đò phà, các nhà đầu tư lớn ngại về đầu tư do phương tiện vận tải khó khăn. Người dân làm nông nghiệp bấp bênh, không có thu nhập ổn định nên cuộc sống khó khăn, người dân phải đi ra khỏi địa phương để tìm việc làm".
Một vùng kinh tế quan trọng nhưng nay bị hụt hơi, không phải chúng ta không có các biện pháp ứng phó, thậm chí có riêng một nghị quyết cho vùng này
Chiến lược phát triển vùng ĐBSCL
Quy hoạch tích hợp - cơ hội cho ĐBSCL phát triển. Ảnh minh họa - Báo Đầu tư.
Nghị quyết 120 về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu khẳng định vai trò và vị thế của vùng ĐBSCL: đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% các loại trái cây; 95% sản lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, sự chậm trễ trong triển khai nghị quyết và thực thi chính sách đang là một trở ngại trong quá trình phát triển kinh tế xã hội với những vấn đề khó giải quyết như hạ tầng và chuyển đổi linh hoạt.
Mới đây, Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kì 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã được đưa ra. Đây là bản qui hoạch vùng đầu tiên được triển khai theo phương pháp tích hợp và cũng là qui hoạch đầu tiên được lập theo Luật qui hoạch vừa được Quốc hội thông qua. Thông tin mới nhất là Thủ tướng cũng đã đồng ý tăng thêm cho ĐBSCL 2 tỷ USD trong giai đoạn tới.
Liên tiếp trong những tháng cuối năm, hàng loạt sự kiện quan trọng của vùng ĐBSCL được tổ chức như lần đầu tiên, cả vùng có 1 quy hoạch tổng thể chung chứ không lẩn quẩn trong khoảng 2500 bản quy hoạch như trước đây của từng ngành, từng địa phương; hay lần đầu tiên ĐBSCL có 1 báo cáo kinh tế thường niên, để phân tích, định hướng cho cả vùng. Có thể thấy, giờ 13 tỉnh thành đã cùng có tiếng nói chung, sự liên kết vùng đã dần định hình rõ để từng bước phát triển trong thời gian tới.
Chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 15/12 với sự tham gia của ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, sẽ thảo luận cụ thể về vấn đề này. Mời quý vị và các bạn theo dõi:
Vấn đề hôm nay - 15/12/2020
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.78365210251210202-gnuv-et-hnik-eht-gnot-oac-oab-ut-lcsbd-neirt-tahp-naot-iab/et-hnik/nv.vtv