Kết quả bầu cử theo truyền thông Mỹ dự đoán là chiến thắng dành cho cựu phó tổng thống Biden với 306 phiếu đại cử tri, vượt mức tối thiểu 270 phiếu để đắc cử. Tổng thống Trump chỉ giành được 232 phiếu. Hai ứng viên đều nhận được lượng phiếu bầu phổ thông cao kỷ lục, 80,2 triệu phiếu cho Biden và 73,9 triệu phiếu cho Trump.
Ngày 31/12/2019, chính quyền thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, xác nhận cơ quan y tế tại đây đang điều trị hàng chục trường hợp nhiễm bệnh "viêm phổi lạ". Một số ca nhiễm được xác định đang việc tại chợ bán buôn hải sản Huanan.
Nhà chức trách đóng cửa chợ này vào ngày đầu tiên của năm mới. 4 ngày sau, Bắc Kinh loại trừ khả năng đây là đợt tái bùng phát của virus gây Hội chứng Hô hấp Cấp tính Nặng (SARS) - dịch bệnh cũng từng khởi phát từ Trung Quốc và khiến hơn 770 người thiệt mạng trên thế giới năm 2002 – 2003.
Ngày 7/1, virus mới được xác định và đặt tên 2019-nCoV, thuộc họ virus corona - nguyên nhân gây SARS và cảm lạnh thông thường. Ngày 11/1, Trung Quốc thông báo trường hợp tử vong đầu tiên vì "viêm phổi lạ" – người đàn ông 61 tuổi thường đến chợ Huanan.
Nỗi lo sợ virus phủ bóng lên những ngày đầu năm mới 2020 tại Trung Quốc. Ảnh: CNN
Ca nhiễm "viêm phổi lạ" đầu tiên ngoài Trung Quốc được ghi nhận tại Thái Lan ngày 13/1. Virus mới cũng xuất hiện tại hàng loạt quốc gia như Việt Nam, Singapore, Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Australia… không lâu sau đó.
Ngày 23/1, Vũ Hán bị phong tỏa. Chính phủ nhiều nước trên thế giới bắt đầu sơ tán công dân từ Trung Quốc về nước. Cuối tháng 1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu.
Tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng trầm trọng, số ca tử vong do 2019-nCoV gây ra nhanh chóng vượt qua SARS. Trước sức ép từ nhiều phía, WHO đặt tên cho bệnh "viêm phổi lạ" là Covid-19 và tuyên bố đại dịch.
Khi căn bệnh được xác định lây lan qua đường hô hấp, các biện pháp giãn cách, phong tỏa xã hội được áp dụng ở nhiều nơi. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu tiên của dịch bệnh, các quốc gia lại có những lựa chọn khác nhau về chính sách đối phó. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến tình hình sau đó ở mỗi nước.
Tại Trung Quốc, chính phủ quyết định phong tỏa Vũ Hán (76 ngày) rồi mở rộng ra cả tỉnh Hồ Bắc. Mọi phương tiện giao thông công cộng tạm dừng hoạt động. Hơn 14.000 điểm kiểm soát y tế được thiết lập tại các cửa ngõ giao thông trên khắp Trung Quốc. Nhiều khu vực chỉ cho phép một người trong một hộ gia đình ra ngoài để mua nhu yếu phẩm trong những ngày nhất định.
Trong vài tuần, Trung Quốc xét nghiệm Covid-19 cho khoảng 9 triệu người dân Vũ Hán. Người dân được yêu cầu đeo khẩu trang khi ra ngoài, giữ khoảng cách tối thiểu khi tiếp xúc người khác. Hàng loạt bệnh viện dã chiến được thiết lập trong các nhà thi đấu, sân vận động để hỗ trợ hệ thống bệnh viện truyền thống.
Trung Quốc hiện đã kiểm soát được Covid-19, bắt đầu tái mở cửa kinh tế. Các ổ dịch nhỏ vẫn xuất hiện nhưng nhanh chóng được khoanh vùng và dập tắt.
Việt Nam cũng nằm trong nhóm quốc gia phản ứng quyết liệt ngay từ sớm như áp lệnh phong tỏa, truy vết tiếp xúc các ca nhiễm... để ứng phó đại dịch và không ghi nhận trường hợp tử vong nào cho đến ngày 31/7. Cách ứng phó của Việt Nam được truyền thông quốc tế đánh giá cao.
Trái lại, do đặc điểm xã hội và văn hóa, các quốc gia phương Tây như Mỹ và châu Âu ban đầu lại có cách tiếp cận chủ quan hơn với đại dịch.
"Tại Mỹ, khi đại dịch bùng phát mạnh hồi tháng 6 - 7, người dân vẫn từ chối đeo khẩu trang. Thậm chí cuối tháng 9, Tổng thống Donald Trump vẫn coi việc đối thủ Joe Biden đeo khẩu trang là 'yếu đuối'", theo Xi Chen, Trường Y tế Cộng đồng Yale nói.
Anh có dân số thấp hơn 20 lần so với Trung Quốc nhưng về số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 lại gấp nhiều lần nền kinh tế số hai thế giới.
Theo Worldometers, tính đến giữa tháng 12, 5 quốc gia đứng đầu về số ca nhiễm Covid-19 lần lượt là Mỹ, Ấn Độ, Brazil, Nga và Pháp. 5 quốc gia có số người tử vong vì đại dịch nhiều nhất là Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Mexico và Italia. Thế giới lúc này đã ghi nhận hơn 73 triệu ca nhiễm và hơn 1,6 trường hợp tử vong.
Trong cuộc chiến chống Covid-19, WHO bị nghi ngờ về năng lực dẫn dắt thế giới khi xảy ra khủng hoảng y tế. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng tổ chức này ứng phó sai cách khi Covid-19 xuất hiện ở Trung Quốc, không có "những cải cách lớn cần thiết", quá phụ thuộc vào dữ liệu từ Bắc Kinh dẫn đến quyết định mất đi tính khách quan.
Trump thông báo rút Mỹ khỏi WHO từ ngày 7/6/2021 và dọa dừng tài trợ cho tổ chức. WHO bác các cáo buộc từ Mỹ, cho rằng Washington không nên dừng tài trợ trong bối cảnh đại dịch như hiện tại.
Bruce Aylward, cố vấn cấp cao của tổng giám đốc WHO, cho rằng việc WHO làm việc với Trung Quốc là quan trọng để hiểu Covid-19 hơn. "Đó là điều chúng tôi làm với mọi quốc gia bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh, như Tây Ban Nha, không phải chỉ riêng Trung Quốc".
Trong khi WHO bị chỉ trích, hình ảnh các bác sĩ ở tuyến đầu được coi là tiêu biểu cho sự kiên cường của thế giới trước đại dịch. Ảnh: AP
"Nếu mất nguồn tài trợ, WHO không thể tiếp tục công việc của mình", David Heymann, giáo sư Trường London về Vệ sinh và Y học Nhiệt đới, dẫn đầu nỗ lực của WHO trong ứng phó SARS, nói. "Ngân sách của WHO đang rất hạn hẹp. Chắc chắn, mất tài trợ sẽ là thảm họa với WHO".
Các biện pháp phong tỏa kéo theo triển vọng u ám, thị trường chứng khoán, năng lượng nhanh chóng lao dốc. Ngày 24/2, Dow Jones giảm 1.031,61 điểm, tương đương 3,56%, xuống 27.960,8 điểm - lần thứ 3 trong lịch sử chỉ số này mất hơn 1.000 điểm trong một ngày. FTSE 100 của Anh cùng ngày giảm mạnh nhất kể từ tháng 1/2016. Các chỉ số khác như DAX (Đức), CAC 40 (Pháp), IBEX 35 (Tây Ban Nha) và FTSE MIB (Italia) đều lao dốc.
Tình hình thêm tồi tệ khi Dow Jones ngày 9/3 giảm 2.013,76, S&P 500 mất 7% chỉ trong vài phút sau mở cửa, buộc Phố Wall phải dừng giao dịch 15 phút, lần đầu tiên kể từ khủng hoảng 2007 – 2008. Chỉ số CBOE VIX, đo sự sợ hãi của nhà đầu tư, lên cao nhất kể từ tháng 12/2008. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm và 30 năm chạm đáy mới.
Chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương cũng chung số phận.
Hàng không là ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19. Ảnh: Bloomberg
"Nạn nhân" tiếp theo của Covid-19 là giá dầu.
Tình trạng phong tỏa trên thế giới dẫn đến tần suất đi lại giảm, kéo theo đó là lực cầu năng lượng lao dốc. Trong khi đó, nguồn cung lại trong tình trạng dư thừa, thiếu nơi lưu trữ dẫn đến hợp đồng tương lai dầu WTI lần đầu tiên trong lịch sử có giá âm. Giá dầu WTI giao tháng 5 có lúc chỉ còn -37,63 USD/thùng trong phiên 20/4, đồng nghĩa người bán sẵn sàng trả tiền để người mua nhận dầu.
Tổ chức Các quốc gia Xuất khẩu Dầu mỏ Thế giới (OPEC) và các đồng minh, tức OPEC+, phải can thiệp bằng thỏa thuận cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày, tương đương gần 10% tổng cung toàn cầu. Thị trường năng lượng sau đó dần phục hồi với giá dầu Brent và WTI hiện đều trên 40 USD/thùng.
Tài sản an toàn là bên hưởng lợi khi tình hình bất ổn, đặc biệt là vàng. Trong tháng 8, giá vàng lần đầu tiên vượt mốc 2.000 USD/ounce và lập đỉnh lịch sử 2.074,88 USD/ounce.
Hoạt động kinh tế gần như đình trệ trong thời gian các quốc gia phong tỏa xã hội. Mỹ, nền kinh tế số một thế giới, được xác định là rơi vào suy thoái từ tháng 2. Tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 3,5% trong tháng 2 lên 14,7% trong tháng 4, tương đương hơn 25 triệu người mất việc làm. GDP Mỹ trong quý II giảm 32,9% so với cùng kỳ năm ngoái (đã điều chỉnh về cơ sở hàng năm) trước khi bùng nổ 33,1% vào quý tiếp theo.
Tại châu Á, kinh tế Trung Quốc lần đầu tiên thu hẹp trong gần 50 năm với GDP quý I giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước, GDP tỉnh Hồ Bắc giảm 39,2% trong cùng giai đoạn. Tháng 5, Thủ tướng Lý Khắc Cường thông báo chính phủ không đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử, mô tả Trung Quốc trong giai đoạn "không thể dự đoán".
Ấn Độ, Nhật Bản rơi vào suy thoái kỹ thuật do ảnh hưởng từ đại dịch. Tại Đông Nam Á, Singapore và Philippines chung tình trạng.
Nhiều nền kinh tế châu Âu cũng chao đảo vì Covid-19 như Pháp, Anh, Italia.
Bối cảnh cách ly xã hội ở nhiều nơi tạo ra cơ hội cho các ngành kinh doanh trực tuyến. Ảnh: Bloomberg
Chính quyền các nước nhanh chóng hành động, tung ra các gói kích thích lớn chưa từng có, thậm chí là hỗ trợ tiền cho những người bị đại dịch ảnh hưởng.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngày 15/3 hạ lãi suất liên bang xuống mức mục tiêu là 0 - 0,25%, từ mức 1 - 1,25% trước đó, đồng thời, triển khai chương trình nới lỏng định lượng khổng lồ trị giá 700 tỷ USD nhằm giảm thiểu tác động của dịch Covid-19 lên nền kinh tế Mỹ.
Ngày 27/3, Tổng thống Donald Trump ký thông qua Đạo luật CARES - gói kích thích 2.200 tỷ USD trong đó có các khoản thanh toán trực tiếp cho người dân Mỹ và mở rộng trợ cấp thất nghiệp.
Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng bắt đầu chính sách siêu nới lỏng. ECB đang vận hành chương trình mua trái phiếu trị giá hơn 1.300 tỷ euro còn BOJ cam kết mua trái phiếu không giới hạn để giữ lãi suất cho vay thấp.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc hạ lãi suất cho vay một năm xuống 3,85% từ mức 4,15% của năm 2019.
Với tiền sẵn có trong tay cùng thời gian rảnh do chính sách phong tỏa, giãn cách xã hội để ứng phó Covid-19 trong khi lãi suất thấp, nhiều người chuyển sang đầu tư trên thị trường chứng khoán. Chính lực lượng nhà đầu tư cá nhân đông đảo này đã góp phần giúp thị trường thế giới phục hồi từ đáy khủng hoảng.
Các gói kích thích tiền tệ và tài khóa chưa đủ sức cứu vãn nền kinh tế thực đang điêu đứng vì đại dịch. Ảnh: Bloombeg
Diễn biến một số chỉ số chính kể từ tháng 3 (quy về 100 điểm). Nguồn: FactSet.
Hàng trăm triệu cử tri Mỹ năm nay bỏ phiếu bầu tổng thống Mỹ trong bối cảnh nước này vẫn chưa kiểm soát được Covid-19, đứng đầu thế giới về cả số ca nhiễm và tử vong. Đại dịch làm thay đổi đáng kể cách hai ứng viên Donald Trump, tổng thống đương nhiệm đảng Cộng hòa, và Joe Biden, cựu phó tổng thống Mỹ đảng Dân chủ, tranh cử.
Covid-19 và cách ứng phó trở thành một trong những chủ đề chính khi hai ứng viên tranh luận trực tiếp trên truyền hình. Ngay sau phiên tranh luận đầu tiên hôm 29/9, Trump và đệ nhất phu nhân Melania có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, phải nhập viện điều trị.
Diễn biến dịch bệnh dẫn đến nhiều cử tri Mỹ chọn bỏ phiếu qua thư hơn. Đây là hình thức bị Tổng thống Trump cho là sẽ có gian lận, dù ông không đưa ra bằng chứng nào để chứng minh.
Kết quả bầu cử theo truyền thông Mỹ dự đoán là chiến thắng dành cho cựu phó tổng thống Biden với 306 phiếu đại cử tri, vượt mức tối thiểu 270 phiếu để đắc cử. Tổng thống Trump chỉ giành được 232 phiếu. Hai ứng viên đều nhận được lượng phiếu bầu phổ thông cao kỷ lục, 80,2 triệu phiếu cho Biden và 73,9 triệu phiếu cho Trump.
Trump chưa chấp nhận thất bại dù đã tạo điều kiện cho Biden bắt đầu quá trình chuyển giao quyền lực. Ông vẫn cho rằng có gian lận trong bầu cử và đã yêu cầu tái kiểm phiếu tại một số bang nhưng không thay đổi được kết quả.
Đương kim Tổng thống Donald Trump vẫn theo đuổi cuộc chiến pháp lý hòng lật ngược kết quả bầu cử đã được công bố. Ảnh: AP
Thế trận bầu cử Mỹ và số phiếu đại cử tri của Biden, Trump. Đồ họa: 270towin.
Đại cử tri các bang ngày 14/12 họp và bỏ phiếu cho người chiến thắng tại bang của họ. Với 55 đại cử tri, California, bang lớn nhất Mỹ giúp Biden vượt số phiếu tối thiểu 270 cần để chiến thắng. Việc cử tri đoàn xác nhận Biden thắng cử đồng nghĩa nỗ lực thay đổi kết quả bầu cử của Trump không thể thành hiện thực.
Ứng viên đảng Dân chủ - Joe Biden đã được cử tri đoàn xác nhận chiến thắng. Ảnh: AP
Đến 13h00 ngày 6/1, chủ tịch Thượng viện sẽ chủ trì phiên họp quốc hội toàn thể để công bố giấy chứng nhận phiếu đại cử tri của từng bang. Nếu có nghị sĩ phản đối kết quả trong phiên họp, lưỡng viện phải thảo luận về trường hợp đó trước khi bỏ phiếu có giữ nguyên kết quả hay không. Nếu không, Thượng viện sẽ chính thức xác nhận việc lựa chọn tổng thống đắc cử và phó tổng thống đắc cử.
Tổng thống đắc cử Biden và Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris sẽ tuyên thệ nhậm chức ngày 20/1/2021.
Hậu bầu cử Mỹ, thế giới đón nhận hàng loạt tin tích cực liên quan kết quả thử nghiệm vaccine Covid-19 tiềm năng.
Ngày 18/11, hãng dược phẩm Mỹ Pfizer thông báo vaccine Covid-19 phát triển cùng hãng công nghệ sinh học Đức BioNTech có tỷ lệ hiệu quả 95% và nộp đơn xin nhà chức trách Mỹ, châu Âu cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Vaccine do Pfizer sản xuất bắt đầu được cấp phép tại Anh và Mỹ. Ảnh: Reuters
Trước đó, Moderna cho biết vaccine Covid-19 của hãng dược phẩm Mỹ này có tỷ lệ hiệu quả 94% và ít tác dụng phụ. Vaccine Covid-19 tiềm năng thứ ba là của AstraZeneca, Anh, phối hợp với Đại học Oxford sản xuất, tỷ lệ hiệu quả trung bình 70%.
Tổng cộng, trên thế giới hiện có 57 vaccine trong quá trình thử nghiệm lâm sàng, 100 vaccine được thử nghiệm trên động vật hoặc cấp tế bào. Nga và Trung Quốc đã cấp phép cho các vaccine mà không cần chờ kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối – còn gọi là Giai đoạn 3 – động thái được giới chuyên gia cảnh báo tạo ra nguy cơ nghiêm trọng.
Anh ngày 2/12 thông báo cấp phép cho vaccine Covid-19 của Pfizer/BioNTech, động thái được nhiều người coi là “táo bạo" của Thủ tướng Anh Boris Johnson, và bắt đầu tiêm chủng sau đó 6 ngày. EU chỉ trích việc Anh cấp phép một cách nhanh chóng cho vaccine Covid-19 là "hấp tấp".
Tại Mỹ, sau thời gian xem xét kéo dài khoảng 1 tháng, Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) ngày 11/12 cũng có động thái tương tự Anh.
FDA cấp phép sử dụng khẩn cấp giúp kích hoạt quy trình phân phối vaccine Covid-19 của chính phủ liên bang đến các bang, vùng lãnh thổ và thành phố lớn ở Mỹ. Vaccine Covid-19 của Pfizer yêu cầu người nhận cần tiêm hai liều với thời gian giãn cách 3 tuần.
Ngày 14/12, Singapore trở thành quốc gia châu Á đầu tiên phê duyệt vaccine Covid-19 của Pfizer, những liều đầu tiên sẽ được triển khai vào cuối tháng này.
Những diễn biến trên làm dấy lên kỳ vọng kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn, sớm đặt dấu chấm hết cho đại dịch. Kỳ vọng này phản ánh rõ trong diễn biến thị trường với Phố Wall tiếp tục có các phiên lập đỉnh lịch sử trong tháng 11. Chốt tháng 11, Dow Jones có tháng tăng tốt nhất kể từ năm 1987 còn Nasdaq, S&P 500 tăng tốt nhất kể từ tháng 4.
Chính phủ và các tổ chức chăm sóc sức khỏe phải tìm cách vượt qua sự ngờ vực và lo ngại về an toàn của vaccine. Ngày 30/11, giám đốc Hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ Quốc tế (IFRC) Francesco Rocca cảnh báo thông tin sai lệch và ngờ vực có thể phá hủy chiến dịch tiêm vaccine cho mọi người.
"Để đánh bại đại dịch Covid-19, chúng ta phải tiêu diệt đồng thời cả ‘đại dịch ngờ vực’", Rocca nói.
Như Tâm
NDH
Xem thêm: nhc.40992219061210202-tahn-uht-91-divoc-man/nv.zibefac