Khi rảnh, Khánh vẫn thường phụ mẹ dọn dẹp, bày biện xe nước ở đầu ngõ - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Cả năm người trong gia đình tân sinh viên ngành điều dưỡng, Trường ĐH Y dược TP.HCM - Võ Ngọc Kim Khánh (Q.1, TP.HCM) - đang sống trong một căn nhà rộng vỏn vẹn 2m ngang, sát miệng cống, ngột ngạt và bao trùm mùi hôi của nước thải, thức ăn thừa.
Đều đặn mỗi tuần ba lần, cha của Khánh - ông Võ Đoàn Quý (60 tuổi) phải vào bệnh viện để chạy thận mới đủ sức đi lại. Mẹ Khánh là bà Trần Khánh Vân (40 tuổi) cũng đang mắc bệnh viêm gan, xương khớp, thường mưu sinh bằng một xe nước giải khát ở đầu hẻm. Khánh còn hai em nhỏ, đứa lớn học lớp 8, đứa nhỏ chỉ mới vào lớp 3.
Mệt mỏi tiêu tan
Ngày nhận giấy báo đậu ĐH Y dược, Khánh vỡ òa. Cha của Khánh dù đang nằm rất mỏi mệt nhưng nghe tin cũng vùng dậy chúc mừng con. "Ngày Khánh đưa giấy báo, tôi hạnh phúc tới nỗi không tin được vào mắt rằng con mình đậu đại học. Nghèo khó quá, nên chắc chắn chỉ có học mới mong thoát khỏi được cảnh này" - bà Vân nhớ lại, tâm sự.
Cũng trong không gian bí bách đó, Khánh chùng giọng, tâm sự rằng cô ân hận khi bản thân có nguyện vọng vào ngành đang theo. Khánh giải thích rằng vì nhà không có WiFi, cũng chẳng điện thoại, sóng 3G nên đợt đó không thể tra được mức học phí của trường. Đến khi nhập học, cô được thông báo mức học phí hơn 40 triệu đồng/năm thì cũng không thể rút hồ sơ lại.
Để có được 20 triệu đồng cho cô đóng học phí đợt đầu, ông Quý đành vay mượn đủ chỗ nhưng cũng chỉ được hơn phân nửa. Mẹ cô cũng chạy vạy đủ đường, nhưng vẫn thiếu. Trong ngoài hẻm, nhà gom góp chút ít, người khó thì 10.000 đồng, khá thì 50.000 đồng, 100.000 đồng… may sao đủ. Khánh nói rằng 40 triệu đồng là số tiền mà cả nhà có nằm mơ cũng chẳng nghĩ sẽ có ngày được cầm trên tay.
Sẽ không bỏ cuộc
Khánh nói chắc như đinh đóng cột: "Mình sẽ không bỏ cuộc". Giờ đây, mỗi ngày Khánh đều đến trường bằng hai chặng xe buýt. Gói xôi đậu, ổ bánh mì giúp cô qua cơn đói mỗi trưa ở lại trường.
"Chị chủ quán cũng thương lắm mới du di cho mình được nhiều như vậy, nhưng đi trễ, nhiều khi phải xin nghỉ nên hiệu quả làm không cao" - Khánh chia sẻ.
Đợt đó nhận được 4,2 triệu đồng tiền lương tháng ở tiệm bánh mì, Khánh gửi 4 triệu cho cha trả nợ. Còn lại, Khánh chạy ngay ra tiệm mua một vài quyển tập để dành sau này dùng và dành ít tiền chi tiêu…
Để tiết kiệm, Khánh nói ngoài hai quyển sách tiếng Anh phải mua thì cô không có một giáo trình nào khác.
"Đến dịp thi, mình mượn giáo trình của các bạn, photo lại đúng các bài quan trọng cần học. Một quyển như vậy rẻ cũng cả trăm ngàn, đắt thì vài trăm, còn photo theo trang như vậy thì chỉ vài ngàn" - Khánh cười hiền nói.
Trước khó khăn, Khánh nói rằng cô không sợ. Cô chỉ sợ ngày mình thành công, cha mẹ sẽ không còn bên cô nữa. "Khó thì biết mấy mà kể cho đủ. Còn với mình, gia đình là tất cả" - Khánh thủ thỉ.
Hay giúp đỡ bạn bè
Cô Nguyễn Thị Thanh Nhàn - giáo viên Trường THPT Ernst Thalmann (Q.1, TP.HCM) - nói rằng trong suốt quá trình cô làm giáo viên chủ nhiệm, Khánh luôn là một cô học trò ngoan và nổi trội với tinh thần giúp đỡ bạn bè.
"Trong nghèo khó, Khánh là người lạc quan, thường giúp đỡ bạn bè hết lòng. Từ nhỏ Khánh đã đi làm thêm để kiếm tiền nộp học phí, nên ở em luôn toát lên nghị lực mạnh mẽ" - cô Nhàn chia sẻ.
TTO - 119 tân sinh viên của 11 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long vừa được nhận học bổng 'Tiếp sức đến trường' do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Thành đoàn TP Cần Thơ tổ chức sáng 5-12.