Giai đoạn 1: Tuyến metro Bến Thành (quận 1) - Tham Lương (quận 12) dài 11,2km được đầu tư xây dựng nhằm bổ sung phương thức vận chuyển khối lượng lớn, giải quyết nhu cầu đi lại của người dân từ trung tâm thành phố về phía tây bắc và ngược lại. Đồng thời là cơ sở phát triển các tuyến đường sắt đô thị khác sau này.
Dự án kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 1 và tương lai là tuyến số 5, 3b, 4 và 6 (nhà ga metro số 2 tại Bà Quẹo sẽ kết nối với tuyến số 6) tạo thành hệ thống đường sắt đô thị thuận lợi trung chuyển hành khách dọc theo trục Đông - Tây vào trung tâm thành phố.
Góp phần quan trọng trong việc giảm tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông và cải thiện môi trường đô thị dọc tuyến.
Giai đoạn 2: Hình thành tuyến đường sắt Bến Thành - Thủ Thiêm và kết nối từ Tham Lương đến bến xe An Sương với tổng chiều dài 9,4km.
Theo đó, xây dựng tuyến metro từ ga Bến Thành (đi dưới lòng sông Sài Gòn) đến ga Thủ Thiêm, nhằm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu đô thị mới Thủ Thiêm và sắp tới là thành phố Thủ Đức.
Như vậy, sau khi hoàn thành giai đoạn 2, tuyến metro số 2 sẽ có tổng chiều dài 20,6km.
Hiện dự án đã có nghiên cứu sơ bộ và đang kêu gọi đầu tư. Ủy ban châu Âu thông qua Ngân hàng Tái thiết Đức có mong muốn tài trợ để nghiên cứu tiền khả thi và khả thi dự án giai đoạn này.
Giai đoạn 3: nối tuyến từ bến xe An Sương đến tây bắc Củ Chi, dài gần 29km qua các quận 12 và huyện Hóc Môn, Củ Chi.
Theo đó, tuyến metro bắt đầu từ nhà ga Bến Thành đến nhà ga bến xe An Sương rồi nối dài theo quốc lộ 22 đến khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, với chiều dài tổng cộng 48km. Tuy nhiên, hiện chưa có nhà đầu tư giai đoạn 3.
Việc kết nối tuyến metro số 2 giai đoạn 3 đến khu đô thị Tây Bắc Củ Chi (tổng diện tích 6.089ha, quy mô dân số khoảng 300.000 người, trung tâm cấp vùng và là khu đô thị cửa ngõ tây bắc TP.HCM) sẽ tạo điều kiện phát triển đồng bộ với tuyến đường sắt TP.HCM - Tây Ninh (trong qui hoạch), đường vành đai 3 (chuẩn bị thi công nhiều giai đoạn), vành đai 4 TP.HCM (chuẩn bị đầu tư), đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (dự kiến thi công trong năm 2021) nhằm xây dựng hệ thống giao thông vận tải liên hoàn, đa phương thức kết hợp việc đẩy mạnh phát triển các khu đô thị dọc tuyến cũng như kết nối với các tỉnh lân cận Tây Ninh, Long An.
Xây dựng tuyến metro Bến Thành - Tham Lương dài 11,2km đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú, trong đó đi ngầm 9,2km và đoạn đi trên cao, đường chuyển tiếp và đường dẫn vào depot (trạm bảo hành sửa chữa đầu máy toa xe) dài khoảng 2km.
Dự án xây dựng 9 nhà ga ngầm trên các tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám, Trường Chinh và một nhà ga trên cao. Tại các nhà ga sẽ xây dựng các lối lên xuống ngầm kết nối các tòa nhà, trung tâm thương mại dịch vụ lân cận ga.
Nhà ga ngầm: tầng sảnh (tầng ngầm 1) bố trí khu vực bán vé cho hành khách, khu vực thương mại, các phòng chức năng của nhà ga, hệ thống thông gió và điều hòa không khí. Tầng ke ga (tầng ngầm 2) bố trí hệ thống bơm nước thải, hệ thống thông gió và điều hòa không khí, cầu thang bộ, cầu thang cuốn, thang máy dành cho người khuyết tật, cửa chắn ke ga dạng kín.
Nhà ga trên cao: tầng sảnh (tầng 1) bố trí khu vực bán vé cho hành khách, khu vực thương mại, các phòng chức năng, sử dụng thông gió tự nhiên. Tầng ke ga (tầng 2) bố trí cầu thang bộ, thang cuốn, thang máy dành cho người khuyết tật, sử dụng ke ga dạng lửng.
Depot Tham Lương: nằm ở phường Tân Thới Nhất, quận 12, diện tích 22,3ha, phục vụ tuyến metro số 2 và metro số 6. Trong đó đã hoàn thành gói thầu đầu tiên CP1 - xây dựng tòa nhà văn phòng điều hành.
Ngày 15-1-2015, gói thầu CP1 tuyến metro Bến Thành - Tham Lương đã khởi công tòa nhà văn phòng cao 8 tầng, 1 tầng hầm và các công trình phụ trợ tại depot Tham Lương, với vốn xây lắp 173 tỉ đồng, thời gian thi công 480 ngày. Công trình đã hoàn thành năm 2018 và sẽ trở thành Trung tâm vận hành tuyến tàu điện ngầm số 2.
Sắp tới sẽ thi công các gói thầu tiếp theo, lắp đặt đường ray, xưởng sửa chữa đầu máy toa xe…
Tuyến metro số 2 sẽ kết nối các tuyến khác trong hệ thống metro TP.HCM. Cụ thể:
Kết nối tuyến metro số 1 tại ga Bến Thành bằng các trung chuyển hành khách (không kết nối trực tiếp). Tầng ke ga tuyến số 2 sẽ nằm dưới ke ga tuyến metro số 1.
Kết nối tuyến metro số 3a tại ga Tao Đàn bằng các trung chuyển hành khách (không kết nối trực tiếp). Ke ga của tuyến số 3a được bố trí bên dưới tuyến số 2.
Kết nối tuyến metro số 5 tại ga Bảy Hiền bằng các trung chuyển hành khách (không kết nối trực tiếp). Ke ga tuyến số 5 được bố trí bên dưới tuyến số 2.
Kết nối tuyến metro số 6 tại ga Bà Quẹo. Ke ga tuyến số 6 được bố trí bên cạnh tuyến số 2, có kết nối kỹ thuật (tuyến số 6 sử dụng chung depot với tuyến 2).
Theo quyết định của UBND TP.HCM ngày 11-10-2010, dự án có tổng mức đầu tư 1,37 tỉ USD, trong đó nguồn vốn vay Ngân hàng phát triển châu Á 540 triệu USD, Ngân hàng Tái thiết Đức KfW 240,75 triệu euro (khoảng 313 triệu USD) và Ngân hàng đầu tư châu Âu 150 triệu euro (khoảng 195 triệu USD), vốn đối ứng ngân sách Nhà nước tương đương 326,5 triệu USD.
Ngày 17-10-2020 Chính phủ báo cáo Quốc hội giám sát thực hiện dự án, tổng mức đầu tư được điều chỉnh 47.891 tỉ đồng (tương đương 2,134 tỉ USD).
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, tổng mức đầu tư dự án tuyến metro số 2 (năm 2010) 1,37 tỉ USD được điều chỉnh lên 2,134 tỉ USD do phải điều chỉnh thiết kế cơ sở nhằm đem lại hiệu quả đầu tư và khai thác cao hơn cho dự án; điều chỉnh mặt bằng để giảm thiểu giải phóng mặt bằng (điều chỉnh kết cấu nhà ga ngầm, tăng kích thước chiều dài nhà ga, tăng độ dày kết cấu…); điều chỉnh kết cấu nhịp cầu cạn; bổ sung kết cấu ga ngầm kết nối với các dự án đường sắt đô thị…
Bên cạnh đó, do biến động giá nguyên vật liệu, tăng lương tối thiểu từ năm 2010 - 2017; chi phí dự phòng tăng do chi phí cơ bản tăng; thay đổi tỷ giá lãi vay, thay đổi cơ cấu vốn giữa các nhà tài trợ ảnh hưởng đến việc tính toán lãi vay trong thời gian xây dựng...
Đoàn tàu: Sử dụng đoàn tàu tự hành chạy bằng điện (electric multiple unit). Trong giai đoạn đến năm 2025 sử dụng đoàn tàu 3 toa, sau đó nâng lên 6 toa.
Mỗi đoàn tàu dài 22m, rộng 3,15m và cao 3,865m. Tải trọng trục tối đa 16 tấn. Tốc độ thiết kế 90 km/h. Tốc độ khai thác tối đa 80 km/h.
Hệ thống tín hiệu và điều khiển chạy tàu: Hệ thống tín hiệu sử dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo vận hành đoàn tàu khoa học, hiệu quả và an toàn với các hệ thống điều khiển đoàn tàu tự động (QTC), giám sát đoàn tàu tự động (ATS), liên khóa trên cơ sở máy tính (CBI), phát hiện và đo tốc độ toàn tàu, truyền tải tín hiệu dữ liệu, hệ thống tín hiệu biểu thị, hệ thống tín hiệu và liên khóa depot, hệ thống cảnh báo thảm họa và hệ thống phụ trợ khác.
Hệ thống vé: Sử dụng công nghệ hiện đại, tương thích với hệ thống vé của tuyến metro số 1 và toàn bộ hệ thống các tuyến đường sắt đô thị TP.HCM.
Bao gồm hệ thống máy tính trung tâm, hệ thống máy tính tại các ga, máy bán vé tự động, máy thu vé, máy nạp tiền và kiểm tra vé tự động và các thiết bị phụ trợ.
Hệ thống phòng cháy, chữa cháy: Bố trí hệ thống nước chữa cháy dọc tuyến; cabin cứu hỏa tại mỗi nhà ga; hệ thống chữa cháy bằng khí tại các phòng chức năng tại ga, trạm điện và kho nhiên liệu tại depot.
Qui mô dự án:
Công trình xây dựng đường sắt ngầm gồm 2 đường hầm tròn đơn, mỗi đường hầm dài 9,315km từ ga Bến Thành đến ngã ba Trường Chinh - Phạm Văn Bạch cho mỗi chiều tàu metro đi/về.
Mỗi đường hầm có đường kính 6,65m, khoảng cách giữa hai đường hầm 6,65m. Độ sâu nhất từ đáy hầm đến mặt đất -30m.
Công trình xây dựng đường sắt trên cao dài 0,778km từ ga Phạm Văn Bạch đến trước cầu Tham Lương và đoạn đường vào depot dài 0,997km.
Kế hoạch triển khai thi công xây dựng từ năm 2022 - 2026.
Hiện nay, Ban Quản lý đường sắt đô thị đang thực hiện hoàn tất các thủ tục để mời thầu vào quý 4-2020.
Trong đó, gồm gói thầu CP0 di dời hạ tầng kỹ thuật; gói thầu CP2 xây dựng hạ tầng depot Tham Lương; gói thầu CP3a và CP 3b xây hầm và các nhà ga ngầm; gói thầu CP4 xây dựng đoạn trên cao, cầu cạn đường dẫn vào depot Tham Lương; gói thầu CP5 xây dựng cơ điện hệ thống; gói thầu CP6 xây dựng đường ray và gói thầu CP7 xây dựng cơ điện không hệ thống.
Kế hoạch tổ chức bồi thường hỗ trợ tái định cư: từ năm 2020 đến quý 1-2021
Đến giữa tháng 11-2020, các quận đã cơ bản hoàn tất thủ tục ban hành quyết định bồi thường 601/603 trường hợp (đạt 99,67%), trong đó các quận 1, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú đạt 100%.
Tỷ lệ bàn giao mặt bằng đạt 71,81% (433/603 trường hợp).
UBND quận Tân Bình đã bàn giao mặt bằng 2 nhà ga (S10 - Phạm Văn Bạch; S11 - Tân Bình); UBND quận 10 đã bàn giao mặt bằng 1 nhà ga (S5 - Lê Thị Riêng); UBND quận Tân Phú đã bàn giao mặt bằng 3 nhà ga (S9 - Bà Quẹo; S10 - Phạm Văn Bạch; S11 - Tân Bình) và đoạn đường dẫn vào depot Tham Lương.
Bắt đầu di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật (điện, cấp nước, thoát nước, viễn thông, cây xanh, chiếu sáng…) từ quý 2 và 3-2021.
- Tổ chức đấu thầu quốc tế các gói thầu xây lắp và cơ điện (7 gói thầu): trong năm 2021.