Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải thực hiện đồng bộ 5 trụ cột về an toàn giao thông đường bộ (gồm: Quản lý nhà nước, kết cấu hạ tầng, phương tiện giao thông, người tham gia giao thông và ứng phó sau tai nạn giao thông) theo hướng tiếp cận hệ thống an toàn giao thông hiện đại, bảo đảm hoạt động giao thông đường bộ an toàn, thông suốt, thuận tiện, hiệu quả, thân thiện môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Ngoài ra, phải ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đặc biệt là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư để đổi mới căn bản, toàn diện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo định hướng phát triển kinh tế số, xã hội số của đất nước.
Không để xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút tại các thành phố lớn, xóa bỏ kịp thời các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên hệ thống đường bộ
Theo đó, trong giai đoạn 2021 – 2030, mục tiêu đặt ra là xóa bỏ kịp thời các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên hệ thống đường bộ; bảo đảm 100% các tuyến đường bộ xây dựng mới, nâng cấp cải tạo và đang khai thác được thẩm tra, thẩm định an toàn giao thông theo quy định; lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ và chống tái lấn chiếm trên tất cả các tuyến quốc lộ; đảm bảo các công trình lớn khi kết nối trực tiếp ra đường đô thị, Quốc lộ và tỉnh lộ không gây gia tăng ùn tắc, tai nạn giao thông.
100% các tuyến quốc lộ, đường tỉnh (từ cấp III trở lên) xây dựng mới và 75% chiều dài mạng quốc lộ đang khai thác đạt mức độ an toàn giao thông từ 3 sao trở lên theo tiêu chuẩn của Chương trình đánh giá an toàn giao thông đường bộ toàn cầu.
100% các tuyến đường bộ cao tốc, các tuyến, đoạn tuyến quốc lộ huyết mạch có triển khai lắp đặt các hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh; hình thành các trung tâm tích hợp quản lý, điều hành giao thông đô thị thông minh tại các thành phố trực thuộc trung ương và địa phương có nhu cầu.
Giảm ùn tắc giao thông trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, các đầu mối giao thông chính, tại Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chính Minh và các thành phố lớn, không để xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút.
Về phương tiện giao thông, loại bỏ 100% xe cơ giới hết niên hạn sử dụng, xe tự chế ba, bốn bánh không được tham giao giao thông; 100% chủ xe ô tô sử dụng tài khoản thu phí điện tử để thanh toán đa mục đích cho các dịch vụ giao thông đường bộ và nộp phạt vi phạm.
Đối với công tác cứu hộ, cứu nạn và cấp cứu y tế tai nạn giao thông, mục tiêu đặt ra là 100% các tuyến cao tốc, quốc lộ được bố trí đầy đủ hệ thống các trạm cấp cứu, hoặc trong vùng phục vụ của cơ sở y tế có khả năng cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông, đảm bảo khả năng tiếp cận nạn nhân tai nạn giao thông trong thời gian nhanh nhất. Tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trung tâm cấp cứu y tế 115; tất cả các bệnh viên đa khoa cấp huyện trở lên đảm bảo năng lực cấp cứu, tiếp cận nạn nhân tai nạn giao thông trong thời gian nhanh nhất kể từ khi nhận được thông tin yêu cầu cấp cứu.
Về tầm nhìn đến năm 2045, Chiến lược xác định, trong giai đoạn 2031 – 2045 sẽ kéo giảm tai nạn giao thông đường bộ ở ba tiêu chí về số vụ tai nạn giao thông, số người chết và số người bị thương, hướng đến mục tiêu không có người chết do tai nạn giao thông đường bộ. Hệ thống quản lý nhà nước về an toàn giao thông được hoàn thiện, hoạt động hiệu quả, ổn định, bền vững; năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tương đương các nước phát triển. Hình thành văn hóa giao thông an toàn và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông; đa số người dân trong đô thị hình thành thói quen tham gia giao thông bằng dịch vụ vận tải công cộng, đi bộ và đi xe đạp.
Nhiệm vụ và các nhóm giải pháp
Để thực hiện Chiến lược quốc gia về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 – 2030, có 5 nhiệm vụ trọng yếu được đặt ra, bao gồm:
- Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về an toàn giao thông, nhằm ứng dụng kịp thời các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư vào thực tiễn; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
- Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông hiện đại, an toàn, thông suốt, thân thiện. Tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống đường bộ cao tốc, quốc lộ, các tuyến đường địa phương trọng yếu, nhằm đạt điều kiện an toàn cao nhất cho tất cả các đối tượng tham gia giao thông.
- Ứng dụng các công nghệ về an toàn trong sản xuất, lắp ráp, kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, nhằm nâng cao điều kiện an toàn cho phương tiện khi tham gia giao thông.
- Tập trung tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn kết hợp với công tác xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong toàn dân.
- Xây dựng hệ thống cứu hộ, cứu nạn và cấp cứu y tế tai nạn giao thông trong phạm vi cả nước; kết hợp phát triển mạng lưới thông tin liên lạc hiện đại nhằm ứng phó kịp thời tai nạn giao thông.
Để thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu triển khai thực hiện 9 nhóm giải pháp về quản lý, thể chế, chính sách; kết cấu hạ tầng giao thông; phương tiện và vận tải; người điều khiển phương tiện; tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông; thanh tra, kiểm tra, tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm...
Nhã Mi
Doanh nghiệp và Tiếp thị
Xem thêm: nhc.2941914161210202-tuhp-03-auq-gnoud-cat-ar-yax-ion-ah-mchpt-ed-gnohk-ueit-cum/nv.zibefac