Ông Đinh La Thăng phản bác cáo trạng về quy định đấu giá và đấu thầu
Lê Anh
(TBKTSG Online) - Ông Đinh La Thăng, cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã phản bác cáo trạng và cho rằng nhiều điểm cáo trạng nêu ra chưa đúng trong đó có quy định liên quan đến đấu giá và đấu thầu.
Ông Đinh La Thăng (thứ hai từ phải qua) cùng các bị cáo tại phiên tòa xét xử trong vụ sai phạm đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương - Ảnh: TTXVN |
Sáng 16-12, Hội đồng xét xử tiếp tục xét hỏi nhóm các bị cáo thuộc Bộ GTVT, trong vụ đấu thầu bán quyền thu phí tại cao tốc Trung Lương - TPHCM gây thất thoát của Nhà nước hơn 725 tỉ đồng.
Trong nhóm các bị cáo bị xét hỏi sáng 16-12, ông Đinh La Thăng (nguyên Bộ trưởng GTVT) chỉ thừa nhận một số điểm trong cáo trạng và phủ nhận nhiều nội dung nêu trong cáo trạng là không đúng và lời khai của các bị cáo trước đó cũng có nhiều điểm không đúng.
Cựu bộ trưởng Bộ GTVT trình bày trước tòa rằng với tư cách bộ trưởng khi đó, ông chịu trách nhiệm về mặt hành chính chứ không giữ vai trò chỉ đạo xuyên suốt như cáo trạng đưa ra. Ông Thăng khai trước tòa, việc đấu giá quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương, ông chỉ ký một văn bản trình Thủ tướng và một lần bút phê. Những văn bản còn lại do các thứ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo.
Giữa lời khai của ông Thăng và ông Nguyễn Hồng Trường (nguyên thứ trưởng Bộ GTVT) tại tòa đều mâu thuẫn nhau. Trong khi ông Trường khẳng định các văn bản ông ký đều gửi ông Thăng, tuy nhiên ông Thăng lại dẫn ra nhiều văn bản do thứ trưởng ký nhưng không hề gửi cho bộ trưởng như quyết định đơn vị trúng đấu giá; hợp đồng bán quyền đấu giá cao tốc TPHCM - Trung Lương.
“Bị cáo khẳng định bị cáo không trực tiếp ban hành chỉ đạo liên quan đến văn bản Thủ tướng Chính phủ giao lại Bộ GTVT đề án nhượng quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương. Việc này do thứ trưởng phụ trách lĩnh vực đảm nhận” ông Thăng khẳng định trước tòa.
Liên quan đến câu hỏi của chủ tọa về việc ông Thăng đã gọi điện cho Dương Tuấn Minh (Tổng giám đốc Công ty Cửu Long) để giới thiệu Đinh Ngọc Hệ tiếp cận đề án thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương, ông Thăng trả lời “việc lãnh đạo bộ gọi cho cấp dưới là bình thường. Đến tháng 8-2012, Công ty Cửu Long mới được giao lập dự án, không có lý do gì tháng 2-2012 tôi lại gọi cho Minh để nói về dự án này ".
Về mối quan hệ với Đinh Ngọc Hệ, ông Thăng cũng phủ nhận không có mối quan hệ họ hàng, kinh tế với ông Hệ mà chỉ là mối quan hệ quen biết như tất cả những người khác ngoài xã hội. Ông Thăng cũng khai rằng không hề biết đơn vị trúng đấu giá quyền thu phí cao tốc TPHCM – Trung Lương là Công ty Yên Khánh cho đến khi thấy bảng hiệu tên công ty này treo trên trạm thu phí đường cao tốc cao tốc Trung Lương.
Theo cáo trạng, sau khi trúng đấu giá, việc cho Công ty Yên Khánh được thanh toán số tiền trúng thầu quyền thu phí chia làm 3 lần là trái quy định Thông tư liên tịch số 05/TTLT-BGTVT-BTC. Bởi vì theo thông tư liên tịch 05 quy định đơn vị trúng đấu giá phải trả lần thứ nhất ngay sau khi hợp đồng chuyển giao có hiệu lực (tối thiểu 50% giá trúng thầu), và trả lần thứ hai (trả hết) vào tháng thứ 6 kể từ khi trả lần thứ nhất.
Phản bác về cáo buộc này, cựu Bộ trưởng Bộ GTVT dẫn ra quy định việc đấu giá quyền thu phí cao tốc TPHCM – Trung Lương là dựa vào hướng dẫn Bộ Tài chính về đấu giá nên không thể dùng văn bản đấu thầu để áp dụng.
“Cáo trạng nói hành vi của bị cáo vi phạm Thông tư liên tịch 05 là không đúng. Bởi đó là thông tư hướng dẫn đấu thầu chứ không phải đấu giá, mà đấu giá và đấu thầu hoàn toàn khác nhau", ông Thăng trình bày. Đối với số tiền 725 tỉ đồng bị chiếm đoạt nêu ra trong cáo trạng, ông Thăng phủ nhận và cho rằng mình không liên quan đến số tiền này.
Theo cáo trạng, với vai trò Bộ trưởng là người đứng đầu được giao quản lý tài sản, trong đó có quyền thu phí cao tốc TPHCM-Trung Lương tại Bộ Giao thông Vận tải, ông Đinh La Thăng nắm rõ các quy định pháp luật về quản lý tài sản Nhà nước và cần tìm kiếm đối tác có năng lực tài chính để tối ưu hóa việc bán quyền thu phí.
Tháng 2-2012, ông Thăng đã điện thoại cho Dương Tuấn Minh (Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long) và chỉ đạo để công ty của Đinh Ngọc Hệ (dù là công ty thua lỗ, không có năng lực tài chính) mua quyền thu phí.
Quá trình thực hiện, ông Thăng biết toàn bộ hoạt động triển khai đề án, kết quả bán đấu giá được thực hiện không đúng quy định pháp luật để cho Công ty Yên Khánh của bị can Đinh Ngọc Hệ trúng đấu giá.
Ông Thăng cũng biết công ty Yên Khánh đã kéo dài, không thanh toán tiền trúng đấu giá đúng thời hạn, vi phạm quy chế bán đấu giá và hợp đồng, phải bị chấm dứt trước thời hạn và chuyển giao quyền thu phí lại cho Nhà nước. Ông Thăng bị cáo buộc tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” theo Điều 219, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Mời xem thêm:
Hơn 725 tỉ đồng thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương bị chiếm đoạt ra sao?
Ông Đinh La Thăng là chủ mưu trong vụ án tại dự án cao tốc TPHCM-Trung Lương