Ngày 16-12, Diễn đàn xúc tiến xúc tiến thương mại phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh thực thi EVFTA, CPTPP và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được Bộ Công Thương tổ chức tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tính đến hết tháng 11-2020 đạt mức xuất siêu kỷ lục 20,1 tỷ USD.
Quang cảnh diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2020. Ảnh: AH
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng ước tính đạt 489,1 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 254,6 tỷ USD, tăng 5,3%; nhập khẩu đạt 234,5 tỷ USD, tăng 1,5%.
Trong 11 tháng đầu năm, có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ước tính năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 267 tỷ USD, tăng khoảng 1%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt khoảng 260 tỷ USD, tăng khoảng 2,6% so với năm trước đó; thặng dư thương mại hàng hóa vào khoảng 7 tỷ USD.
"Trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19, xuất khẩu đã trở thành điểm sáng và là tiền đề quan trọng để nền kinh tế vững bước vào năm 2021" - thứ trưởng Hải cho biết.
Bà Tô Thị Tường Lan, phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết, từ năm 2016 đến năm 2020, VASEP đã tổ chức xúc tiến thương mại cho thủy sản ở nhiều thị trường khác nhau.
Đơn cử như xúc tiến thương mại tại triển lãm thủy sản ở Bắc Mỹ đã mang lại 28 hợp đồng với giá trị gần 27 triệu USD cho các doanh nghiệp thủy sản đã tham gia; xúc tiến thương mại ở triển lãm thủy sản toàn cầu đã mang lại 66 hợp đồng với giá trị hơn 17 triệu USD... Ngoài ra, VASEP cũng tổ chức xúc tiến thương mại tại các thị trường truyền thống khác như Hàn Quốc, Trung Quốc, Trung Đông...
VASEP tiết lộ từ năm 2020-2023, các doanh nghiệp thủy sản sẽ thực hiện chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá cá tra online tại thị trường EU.
Đại diện Cục Xúc tiến thương mại, Cục trưởng Vũ Bá Phú đánh giá trong 5 năm, từ 2015-2019, hoạt động xúc tiến thương mại đã góp phần đáng kể cho tăng trưởng và mở rộng thị trường xuất khẩu, góp phần xây dựng thương hiệu, hình ảnh quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên hoạt động xúc tiến thương mại chưa có nhiều hình thức xúc tiến thương mại hiện đại và đổi mới, quy mô các hoạt động xúc tiến xuất khẩu còn nhỏ so với các nước trong khu vực.
"Chưa nhiều hiệp hội ngành hàng, tổ chức xúc tiến thương mại đầu tư, nghiên cứu thay đổi cách thức triển khai hoạt động xúc tiến thương mại nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng phục vụ doanh nghiệp" - ông Phú nói.
Theo Cục Xúc tiến thương mại, trong giai đoạn tới, từ 2020-2025, hoạt động xúc tiến thương mại đặt ra mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ở mức 5-10% cho nhóm mặt hàng chủ lực gồm gạo, thủy sản, dệt may, cao su, hạt điều, hồ tiêu, chè và cà phê, dệt may, da giày, đồ gỗ, phần mềm, rau quả.
Cụ thể sẽ nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến thương mại, phối hợp với các ngành hàng để hướng dẫn, nâng cao chất lượng sản phẩm được xúc tiến, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu, kim ngạch và thị phần xuất khẩu của ngành hàng.
Thị trường trọng điểm các ngành hàng này là Mỹ, châu Âu, Canada, Mexico, châu Phi, Trung Đông, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Asean, Úc, Nhật Bản, New Zealand...