Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, Exxon phải đối mặt với một thách thức về niềm tin từ những nhà đầu tư đang cảm thấy thất vọng. Họ muốn ban giám đốc của tập đoàn này phải ra đi. Nỗ lực này được dẫn đầu bởi một công ty mới, bao gồm các nhà hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, có tên Engine No.1.
Họ kêu gọi Exxon kiềm chế tham vọng chi tiêu mạnh tay của mình, thay đổi mức lương cho giám đốc điều hành và tìm cách thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch. Engine No. 1 đã nhận được sự hỗ trợ từ Giáo hội Anh (CoE) và 1 trong những quỹ hưu trí có quyền lực lớn nhất nước Mỹ - Hệ thống Quỹ hưu bổng của Giáo viên California (CalSTRS).
Tuy nhiên, đó không chỉ là nỗ lực duy nhất. Hiện tại, D.E. Shaw đang yêu cầu tập đoàn dầu mỏ cắt giảm chi tiêu để giữ lấy cổ tức và cải thiện hiệu suất yếu kém. Quỹ đầu cơ này nắm giữ lượng cổ phần trong Exxon với tỷ lệ cao hơn cả CalSTRS và Engine No. 1.
Những nỗ lực trên của nhà đầu tư cho thấy một Exxon từng hùng mạnh giờ đây đã sa sút đến thế nào. Từng là công ty niêm yết có giá trị nhất thế giới, vốn hóa của Exxon hiện đã giảm tới 266 tỷ USD kể từ giữa năm 2014. Tập đoàn này cũng lần đầu báo lỗ trong nhiều thập kỷ và bị loại khỏi Dow Jones sau 92 năm "gắn bó".
Peter McNally – nhà phân tích tại Third Bridge Group, nhận định: "Trước đây, Exxon không quá lo ngại về cổ đông. Giờ đây, tập đoàn này đang chứng kiến cảnh các cổ đông ‘nổi dậy’."
Sự bất đồng của cổ đông của Exxon đã lan rộng trong những năm gần đây, đặc biệt là vấn đề khí hậu, khi các nhà hoạt động thúc đẩy các đề xuất tìm cách yêu cầu Exxon phải công khai mục tiêu phát thải, các bài kiểm tra về rủi ro khí hậu và tách biệt vai trò của CEO và chủ tịch.
Tuy nhiên, ngoài những cuộc chiến đó, Exxon còn đối diện với chiến dịch giành quyền kiểm soát những vị trí trong hội đồng quản trị. Engine No. 1 đã đưa ra danh sách 4 ứng viên tiềm năng trong ngành năng lượng để đề xuất cho các vị trí trên, trong trường hợp "cần thiết".
Sai lầm nối tiếp sai lầm của Exxon
Engine No. 1 đã chỉ ra hiệu suất kinh doanh kém hiệu quả của Exxon. Họ cho rằng công ty này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng sống còn. Trong lá thư gửi hội đồng quản trị vào tuần trước, nhóm này cho biết tổng lợi nhuận cổ đông (TSR) của công ty này giai đoạn 3,5 và 10 năm đều thấp hơn các công ty cùng ngành và S&P 500.
Exxon từ lâu đã tự hào về khả năng chi tiêu khôn ngoan của mình, ngay cả khi thị trường dầu mỏ gặp khó khăn. Nhưng nhiều bước đi sai lầm gần đây đã tạo ra lỗ hổng trong quan điểm trên. Giờ đây, hoạt động chia cổ tức của công ty cũng bị ảnh hưởng.
Thập kỷ trước, Exxon đã chậm chân khi ngành dầu đá phiến bùng nổ tại Mỹ, dù xu hướng này diễn ra ngay tại "sân sau" của họ là Texas. Thay vào đó, công ty này quyết định đầu tư vào những dự án tổ hợp ở nước ngoài. Một trong số đó – bao gồm dự án liên doanh với công ty dầu khí Rosneft của Nga, đã thất bại.
Với sự "hối hận muộn màng", việc Exxon chi 41 tỷ USD để thâu tóm công ty khí đốt tự nhiên XTO Energy vào năm 2009 bị coi là "thất bại kinh hoàng". Mức giá khí đốt tự nhiên thời điểm đó giao dịch thấp hơn 1 nửa so với mức mua lại. Gần đây, Exxon cho biết họ sẽ thực hiện bút toán giảm giá trị tài sản khí đốt tự nhiên từ 20 tỷ USD xuống 17 tỷ USD.
Trong một bức thư khác, D.E. Shaw cũng thúc giục công ty này giảm chi tiêu vốn xuống mức 13 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với kế hoạch chi 23 tỷ USD của Exxon trong năm nay. Trước khi các cổ đông đề xuất về vấn đề này, Exxon cho biết đã giảm kế hoạch chi tiêu mạnh tay, dù không có quy mô như nhiều người mong muốn.
Tình thế mong manh của Exxon
Trong một dấu hiệu khác cho thấy Exxon đang phải đối mặt với áp lực lớn như thế nào, hôm 14/12, công ty này cho biết họ sẽ loại bỏ việc phát thải khí methane vào năm 2030 và giảm "cường độ" phát thải từ hoạt động dầu, khí đốt tới 20% vào năm 2025
Ngoài ra, Exxon cũng cam kết sẽ tiết lộ chi tiết lượng khí thải từ sản phẩm của mình – được gọi là lượng khí thải phạm vi 3. Tuy nhiên, tập đoàn này không đưa ra mục tiêu cụ thể cắt giảm lượng khí thải gián tiếp đó và thừa nhận báo cáo này "không khuyến khích việc giảm khí thải thực tế của các nhà máy phát thải."
Do đó, nhóm hoạt động về khí hậu không hài lòng với thông báo này. Andrew Logan – giám đốc cấp cao về dầu khí tại tổ chức phi lợi nhuận Ceres, cho biết: "Những cam kết này đáng lẽ ra nên được thông báo từ 5 năm trước." Ông lưu ý rằng những đối thủ khác tại Mỹ gồm Occidental Petroleum và ConocoPhillips đã tiến xa hơn bằng cách đặt nhiều mục tiêu lớn cho lượng khí thải hoạt động của họ.
Trong khi đó, Engine No. 1 đang có một cuộc chiến đầy khó khăn để giành lấy các vị trí trong hội đồng quản trị của Exxon. Dù có sự hỗ trợ của CalSTRS và CoE, cổ đông chỉ sở hữu một phần nhỏ trong công ty trị giá 180 tỷ USD. "Số phận" của cuộc chiến sẽ phụ thuộc vào Vanguard, State Street và BlackRock – "big 3" sở hữu gần 1/5 cổ phiếu đang lưu hành của Exxon.
Dẫu vậy, các nhà hoạt động vẫn có được lợi thế lớn, đó là những cổ đông cực kỳ bất mãn với công ty. Và nếu những cổ đông này "tập hợp" cùng các nhóm hoạt động vì môi trường và nhóm nhà đầu tư quan tâm đến vấn đề xã hội, thì Exxon có thể gặp rắc rối lớn.
Tham khảo CNN