Chợ tổng hợp Đại Hà, TP Hải Phòng đang bị "băm nát" bởi tình trạng phân lô xây dựng nhà ở trái phép - Ảnh: TIẾN THẮNG
Nhiều người dân tại xã Đại Hà bức xúc khi hàng ngàn mét vuông đất bờ xôi ruộng mật bị thu hồi phục vụ xây dựng chợ dân sinh nhưng bị chủ đầu tư là Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Tiền Thảo biến tướng phân lô, bán nền.
Biến chợ thành nơi xây "nhà nghỉ"
Theo tìm hiểu, năm 2009, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Tiền Thảo (Công ty Tiền Thảo) được UBND TP Hải Phòng cấp phép xây dựng chợ tổng hợp Đại Hà với diện tích 15.334m2.
Đây là chợ loại 2 với 198 điểm bán hàng cố định và để triển khai dự án này, gần 100 hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp đang canh tác với mức đền bù chưa đến 3 tỉ đồng cho hơn 15.000m2.
Ông Bùi Thế Thiện (trú tại xã Đại Hà) cho biết theo quy hoạch thì chợ Đại Hà được TP Hải Phòng phê duyệt diện tích hơn 15.000m2 nhưng thực tế hiện nay diện tích chợ đã lên hơn 20.000m2.
"Phần đất hơn 4.000m2 phát sinh nằm ngoài quy hoạch là do ông Vũ Đức Tiền - giám đốc Công ty Tiền Thảo - mua thêm đất nông nghiệp của dân rồi san lấp. Đến nay diện tích này vẫn chưa được HĐND huyện Kiến Thụy và TP Hải Phòng điều chỉnh quy hoạch cũng như thông qua kế hoạch sử dụng đất" - ông Thiện phản ảnh.
Bà Vũ Thị Hằng (trú tại xã Đại Hà) cho biết thêm tại khu vực chợ trước kia có kênh nước rộng khoảng 6m dẫn nước vào nội đồng và thoát nước khi mưa lũ nhưng hiện cũng đã bị Công ty Tiền Thảo đổ bêtông lấp hết mặt kênh, lấn chiếm với tổng diện tích khoảng 700m2 để phân lô bán nền.
Hàng ngàn met vuông đất nông nghiệp không nằm trong quy hoạch chợ được Công ty Tiền Thảo gom rồi phân lô cho người dân xây dựng trái phép - Ảnh: TIẾN THẮNG
Để "lách luật", Công ty Tiền Thảo huy động vốn bằng các "hợp đồng góp vốn xây dựng" nhưng thực chất là để người dân có nhu cầu sẽ đóng tiền rồi nhận một mảnh đất trong chợ và được tự xây dựng theo ý thích.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, tại khu vực quy hoạch chợ Đại Hà mọc lên hàng loạt căn nhà cao tầng phía giáp mặt đường lớn dù theo quy hoạch tại đây phải xây dựng các dãy kiôt bán hàng.
Ở phía bên trong chợ còn có thêm dãy nhà nghỉ bình dân cùng với nhiều lô nhà nhỏ khác. Thậm chí, cả dãy nhà xưởng rộng hàng trăm mét vuông cũng mọc lên để cho một doanh nghiệp thuê sản xuất, gia công hàng hóa.
Công trình sai phạm vẫn tồn tại sau hàng loạt "án phạt"
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo Phòng kinh tế - hạ tầng huyện Kiến Thụy, xác nhận dự án chợ tổng hợp Đại Hà có nhiều sai phạm và từng bị xử phạt nhiều lần.
Cụ thể vào năm 2012, khi chưa có quyết định cho thuê đất của UBND TP Hải Phòng thì Công ty Tiền Thảo đã tự ý san lấp 13.000m2 đất để xây dựng chợ nên bị thanh tra Sở Tài nguyên - môi trường xử phạt 30 triệu đồng.
Đến năm 2016, UBND huyện Kiến Thụy ra quyết định phạt Công ty Tiền Thảo 125 triệu đồng do xây dựng không phép, sai phép tại chợ Đại Hà. Năm 2017, Công ty này tiếp tục bị Thanh tra Sở Tài nguyên - môi trường xử phạt 20 triệu đồng khi tự ý mua và san lấp đất nông nghiệp của người dân nhằm mở rộng ngoài diện tích được quy hoạch chợ.
Khi được hỏi về việc các công trình vi phạm đến nay vẫn tồn tại sau nhiều lần bị xử phạt, vị lãnh đạo Phòng kinh tế - hạ tầng huyện Kiến Thụy cho biết do dự án thuộc thẩm quyền cấp phép, quản lý của UBND TP Hải Phòng nên địa phương chỉ có thể báo cáo, đề xuất xử lý.
Sau nhiều "án phạt", các công trình xây dựng vi phạm tại chợ tổng hợp Đại Hà vẫn tồn tại khiến người dân bức xúc - Ảnh: TIẾN THẮNG
Theo kết luận thanh tra của UBND TP Hải Phòng, từ khi được chấp thuận dự án tới nay, thay vì thực hiện đấu thầu, xây dựng theo quy định của pháp luật thì Công ty Tiền Thảo lại tự ý thực hiện việc xây dựng mà không có khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng theo quy định.
Các công trình xây dựng tại chợ Đại Hà ngoài việc thiếu các hồ sơ nêu trên còn có một loạt sai phạm khác như: xây dựng không phép, sai giấy phép xây dựng, xây dựng các công trình vi phạm hành lang an toàn giao thông.
TTO - Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2011 - 2017.