Tổ chức lao động quốc tế (ILO) nhận định, Covid-19 đã gây nên mức sụt giảm giờ làm khổng lồ, tác động nghiêm trọng đến việc làm và thu nhập của người lao động tại châu Á – Thái Bình Dương. Tình trạng thiếu việc đang ngày một tăng khi hàng triệu người lao động bị yêu cầu cắt giảm giờ làm việc hoặc thậm chí không làm giờ nào. Ước tính thời gian làm việc ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương đã giảm 15,2% trong quý II và 10,7% trong quý III năm 2020 so với mức trước khủng hoảng.
Tại các nền kinh tế có dữ liệu 2020, số việc làm đều giảm so với năm 2019. Tổ chức này dự báo, mức tổn thất với thị trường lao động lên đến 81 triệu công việc.
Việc giảm giờ làm cũng khiến người lao động được trả lương ít hơn, thu nhập trung bình cũng giảm. Ước tính thu nhập từ việc làm ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong ba quý đầu năm đã giảm khoảng 10%, tương đương với mức giảm 3% trong GDP. Điều này cũng dẫn đến một hệ quả khác là sự gia tăng các mức độ người có việc làm vẫn nghèo. Tính về con số tuyệt đối, ILO dự kiến có thêm 22-25 triệu người có thể rơi vào tình trạng có việc làm nhưng vẫn nghèo (người có thu nhập chưa đến 1,9 USD một ngày), khiến tổng số người này tại châu Á – Thái Bình Dương tăng lên mức 94-98 triệu người vào năm 2020.
Bà Chihoko Asada Miyakawa, Phó tổng giám đốc ILO nhận xét, đại dịch đã giáng một đòn mạnh vào các thị trường lao động của khu vực, và không nhiều chính phủ trong khu vực có khả năng sẵn sàng giải quyết.
"Diện bao phủ an sinh xã hội thấp và năng lực thể chế hạn chế của nhiều quốc gia khiến cho họ khó có khả năng giúp doanh nghiệp và người lao động đứng vững trên đôi chân của mình. Tình hình này trở nên phức tạp hơn khi còn quá nhiều người vẫn làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức", bà nói. Theo bà, những điểm yếu tồn tại từ thời kỳ tiền khủng hoảng này đã khiến quá nhiều người phải gánh chịu nỗi đau do mất an ninh kinh tế khi đại dịch bùng phát và gây nên tổn thất về thời giờ làm việc và việc làm.
Đức Minh