vĐồng tin tức tài chính 365

Nâng tầm cà phê Việt

2020-12-17 09:57

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), từ nhiều năm nay, Việt Nam luôn là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới và đứng số 1 thế giới về xuất khẩu cà phê Robusta, đạt kim ngạch xuất khẩu thường xuyên hơn 3 tỉ USD/năm (chiếm 17,4% về lượng và 9,5% về giá trị xuất khẩu cà phê toàn cầu). Cà phê Việt Nam đã có mặt ở hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, thị trường chính là châu Âu (EU), Mỹ, Nhật..., chứng tỏ cà phê Việt Nam có chất lượng, đạt yêu cầu khắt khe của nhiều thị trường.

Thay thế Arabica

Theo Tổng cục Hải quan, tính đến 10 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 1,205 triệu tấn cà phê, trong đó, cà phê Robusta chiếm đến 95% (còn lại là cà phê Arabica và Excelsa).

Cà phê Robusta là lợi thế của Việt Nam do phù hợp điều kiện tự nhiên, đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân nhưng trước giờ trên thị trường vẫn bị đánh giá thấp hơn Arabica, với giá giao dịch tại các sàn quốc tế chỉ bằng một nửa. Ưu điểm nổi bật của cà phê Arabica là hương thơm đặc trưng của trái cây, hoa cỏ với hàm lượng cafein thấp (1%-2%), còn đặc trưng nổi bật của cà phê Robusta là cafein chiếm đến 3%-4%. Do đó, khi chế biến, các nhà rang xay thường phối trộn các loại cà phê với nhau để có ly cà phê thơm ngon, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Chính vì vậy, dù là cường quốc xuất khẩu cà phê nhưng Việt Nam vẫn phải nhập khẩu cà phê do một số loại trong nước không có.

Theo ông Thái Như Hiệp - Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (thương hiệu L’amant Café, nhà xuất khẩu cà phê tốp 10 Việt Nam) - để có ly cà phê ngon, từ khâu chọn giống, quá trình canh tác, thu hoạch, chế biến cần phải đạt chuẩn nhưng khâu quyết định cuối cùng là thiết bị pha chế và người pha chế. "Trước đây, với những dòng máy cấp thấp, chúng ta chưa thể khám phá hết được cà phê Robusta ngon ra sao, hương vị thế nào nhưng nay, những doanh nghiệp (DN) tâm huyết với cà phê Việt Nam như L’amant đã mạnh dạn đầu tư thử nghiệm để nâng chất lượng cà phê Robusta. Với những công nghệ tân tiến, chúng ta có thể chế biến các sản phẩm từ cà phê Robusta với chất lượng tương đồng như khi sử dụng nguyên liệu cà phê Arabica" - ông Thái Như Hiệp khẳng định.

Nâng tầm cà phê Việt - Ảnh 1.

Thu hoạch cà phê Robusta tại tỉnh Đắk Lắk thuộc dự án Nescafé Plan

Ông chủ thương hiệu L’amant Café cho biết thêm ngày nay các nhà khoa học đã tìm ra những giống cà phê Robusta có hương thơm tự nhiên mùi sô-cô-la hay cherry tương tự cà phê Arabica. "Ở mỗi nông trại cà phê, người dân cần trồng nhiều giống cà phê Robusta khác nhau để đến mùa cây ra hoa, đàn ong có thể thụ phấn khắp vườn, tạo nên hương vị đa dạng cho cà phê. Nhưng nếu chúng ta sử dụng hóa học, những con ong sẽ không đến vườn, sẽ không có những hạt cà phê chất lượng cao. Đó là lý do vì sao Công ty TNHH Vĩnh Hiệp canh tác cà phê hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế" - ông Thái Như Hiệp nói.

Sau khi đầu tư vào Nông trường Cada (Đắk Lắk), nơi được người Pháp chọn để trồng những cây cà phê Robusta đầu tiên tại Việt Nam, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood, cũng có mong muốn tương tự cho hạt cà phê Robusta Việt Nam.

Với sự đầu tư bài bản vào khâu trồng trọt, thu hoạch và chiết xuất (pha chế), mẫu cà phê Robusta của Nông trường Cada đã đạt giải nhất cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam năm 2019 với số điểm 84,67/100 từ các chuyên gia nếm thử cà phê. Từ lô nguyên liệu này, NutiFood đã sản xuất ra dòng Cada Specialty Coffee phiên bản vị đắng nhẹ, chua thanh và hậu vị ngọt dù không hề cho thêm đường hay sữa và đặc biệt nhất là mùi của nhiều loại trái cây tự nhiên. Điều mà trước giờ người tiêu dùng chỉ có thể thưởng thức từ cà phê Arabica đặc sản.

"Đây là Rolls-Royce của Ông Bầu, nếu xem các dòng cà phê từ Cada như các dòng xe" - ông Trần Thanh Hải ví von (từ đồn điền Cada, nguyên liệu được chế biến mang các thương hiệu Ông Bầu, NutiCafé - PV).

Bắt đầu từ chất lượng

Là nhà thu mua cà phê lớn nhất Việt Nam, chiếm từ 20%-25% sản lượng, trị giá trung bình 600-700 triệu USD mỗi năm, Công ty Nestlé Việt Nam (Tập đoàn Nestlé - Thụy Sĩ) cũng đang có nhiều hoạt động để quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam. Trong đó, có dự án Nescafé Plan được triển khai từ năm 2011, với mục tiêu phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam, nâng cao chất lượng và giá trị hạt cà phê Việt và hướng đến việc đưa Việt Nam trở thành tham chiếu cho cà phê Robusta thế giới.

Theo ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam, Nestlé có rất nhiều dòng sản phẩm sử dụng cà phê Việt Nam và có những dòng có tính chất giới thiệu cà phê Việt Nam ra quốc tế.

"Tôi xin nhấn mạnh vấn đề không phải là số lượng mà chính là chất lượng sẽ làm nên thương hiệu cà phê. Dự án Nescafé Plan đã góp phần nâng cao chất lượng và sản lượng cà phê Việt Nam bằng việc đưa vào các giống mới chất lượng cao thay thế cho cà phê già cỗi; giúp bà con canh tác bền vững, tăng thu nhập. Từ nền tảng này, Nestlé đã và đang kể câu chuyện cà phê Việt Nam ra thế giới. Hiện Nestlé có nhiều sản phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu này để xuất khẩu, trong đó, tiêu biểu có sản phẩm Nestlé Việt xuất khẩu sang Nhật, Hàn Quốc - là những thị trường rất khắt khe về chất lượng" - ông Binu Jacob thông tin.

Theo quan sát của phóng viên, trên bao bì sản phẩm Nestlé xuất khẩu, không chỉ thể hiện xuất xứ Việt Nam mà còn có chữ tiếng Việt bên cạnh tiếng Anh, tiếng bản xứ về thông tin sản phẩm cũng như hình ảnh người nông dân Việt Nam đang thu hái cà phê.

Đại diện Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) đánh giá những năm qua, ngành cà phê Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Ngoài xuất khẩu cà phê nhân, Việt Nam cũng đẩy mạnh chế biến và xuất khẩu cà phê rang xay, hòa tan (chiếm khoảng 12%). Nhiều DN Việt Nam đã đầu tư vào chế biến sâu, xây dựng thương hiệu, tạo uy tín và sự tin tưởng cho người tiêu dùng trong và ngoài nước như: Phúc Sinh, Intimex, Tín Nghĩa, Vĩnh Hiệp... Vicofa cũng đang đẩy mạnh việc xúc tiến tiêu thụ cà phê trong nước, đẩy mạnh tiêu thụ cà phê rang xay, chế biến cũng như quảng bá văn hóa thưởng thức cà phê cao cấp.

Không dễ để xây dựng thương hiệu

Dưới góc nhìn của một chuyên gia về thương hiệu, ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc điều hành Công ty The Pathfinder, cho rằng rất khó tìm thấy cà phê thương hiệu Việt Nam ở các siêu thị Mỹ. "Các thương hiệu cà phê Việt Nam chỉ loanh quanh ở các siêu thị dành cho người châu Á, phục vụ người Việt sống ở Mỹ. Nói đến cà phê là nói đến câu chuyện văn hóa tiêu dùng, người Âu, Mỹ sẽ không dùng cà phê kiểu châu Á, họ quen dùng cà phê Arabica. Vì vậy, để ra thế giới, các DN cần thuê chuyên gia thương hiệu quốc tế mới có thể thâm nhập thị trường mục tiêu. Và để làm được việc này phải mất thời gian nghiên cứu thị trường cũng như chi phí đầu tư lớn" - ông Tuấn gợi ý.

Bệ phóng từ thị trường nội địa

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo - Phó Chủ tịch Vicofa, Giám đốc điều hành của TNI King Coffee - nhờ các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam đang đứng trước cơ hội để bứt phá và vươn mình thành cường quốc số 1 về cà phê. "Nếu chúng ta nâng cao giá trị ngành cà phê Việt Nam, chúng ta sẽ có cơ hội đạt 2 thành tựu quan trọng. Thứ nhất là gia tăng sản lượng cà phê chế biến có giá trị cao. Thứ hai là gia tăng tiêu thụ cà phê ở thị trường nội địa từ 1,68 kg/người (năm 2019) lên 3 kg/người (năm 2023). Và chỉ khi có được sức mạnh nội lực, vững chãi trên thị trường nội địa, cà phê Việt Nam mới có cơ hội để được đối xử bình đẳng, được tôn trọng, được trả giá đúng với giá trị mà người nông dân và các nhà sản xuất Việt Nam đã bỏ ra, góp phần tạo dựng nên thương hiệu chung cho ngành cà phê Việt Nam" - bà Thảo nhấn mạnh.

S.Nhung

Xem thêm: mth.43734311261210202-teiv-ehp-ac-mat-gnan/et-hnik/nv.moc.dln

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nâng tầm cà phê Việt”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools