Trong nghiên cứu mới công bố, hãng tư vấn Oxford Economics dự báo các quốc gia dễ bị tổn thương kinh tế dài hạn nhất và những quốc gia sớm phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Nghiên cứu này sử dụng những bằng chứng thu thập được từ các cuộc khủng hoảng trong quá khứ, bao gồm dịch bệnh Ebola và SARS, khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009, và đưa ra 31 thước đo về mức độ tổn thương kinh tế. Các thước đo này baop gồm cấu trúc nền kinh tế, tăng trưởng GDP, niềm tin người tiêu dùng, cân bằng kinh tế - tài chính...
Dựa trên kết quả nghiên cứu, Oxford Economics dự báo các thị trường mới nổi sẽ chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 lâu hơn so với các nền kinh tế phát triển. Các yếu tố dự báo quan trọng nhất, bao gồm sụt giảm tăng trưởng GDP năm 2020, có xu hướng khả quan hơn tại các nền kinh tế phát triển. Trong khi đó, các yếu tố như sự cứng nhắc của thị trường lao động, giới hạn hỗ trợ tài khóa là mối đe dọa lớn hơn tại các nền kinh tế mới nổi.
Philippines có xếp hạng thấp nhất trong danh sách này chủ yếu do thị trường lao động với tỷ lệ thất nghiệp cao và thiếu kỹ năng, trong khi nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào du lịch. Trong số các nền kinh tế phát triển, Anh, Tây Ban Nha và Pháp được dự báo sẽ mất nhiều thời gian phục hồi hơn so với Australia, Thụy Điển và Mỹ.
Xét theo khu vực, Trung Đông và Mỹ Latin có triển vọng phục hồi kém nhất, theo sau là châu Phi, Bắc Mỹ là khu vực ít bị tổn thương bởi đại dịch nhất nhờ suy giảm GDP tương đối thấp và có các gói hỗ trợ tài khóa lớn.
Các quốc gia châu Âu chiếm 10 vị trí thấp nhất trong số những nền kinh tế phát triển trên bảng điểm của Oxford Economics. Tuy nhiên, cũng có sự chênh lệch giữa các nước trong khu vực này. Ví dụ, Pháp là một trong những nước chịu tổn thương nhất trong nghiên cứu, chủ yếu do tăng trưởng GDP yếu và niềm tin của người tiêu dùng sụt giảm. Trong khi đó, quốc gia láng giềng Đức lại có điểm số cao hơn ở cả hai yếu tố này.
Nghiên cứu của Oxford Economics chỉ ra rằng các quốc gia có thể hồi nhanh hơn nếu chính phủ có sự chuẩn bị tốt nhất cho những cú sốc trong tương lai. Ví dụ, một số nước mới nổi có thể tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế khỏi sự phụ thuộc vào lĩnh vực du lịch, còn các nước phát triển giảm phụ thuộc vào ngành khách sạn để thúc đẩy tiêu dùng.
Bên cạnh đó, nghiên cứu của Oxford Economics cũng cho thấy các yếu tố lạc quan. Nhìn vào các đợt dịch bệnh trước đây có thể thấy tăng trưởng kinh tế trung bình tại giảm 3 điểm phần trăm, sau đó phục hồi một chút so với mức trung bình 5 năm trước cuộc khủng hoảng. Nói cách khác, các nền kinh tế có dư địa để phục hồi, chỉ có điều, một số nước sẽ bật lên cao hơn so với số còn lại.
Xem thêm: mth.63751458071210202-91-divoc-hcid-iad-auc-tahn-ual-gnod-cat-uihc-et-hnik-nen-51/nv.ymonocenv