Hãng tin Channel News Asia ngày 15-12 đăng bài phân tích của ông Collin Koh - chuyên gia từ Chương trình An ninh hàng hải, Đại học Nanyang (Singapore) – nhận định Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden có thể sẽ tiếp tục kế thừa chính sách của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đối phó chiến lược “sự đã rồi” của Trung Quốc tại Biển Đông.
Mỹ thường xem cuộc gặp định mệnh giữa cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nhà Trắng năm 2015 là một ví dụ rõ ràng về sự mưu mô của Bắc Kinh trong các tranh chấp tại Biển Đông. Tại cuộc họp, ông Tập đã khẳng định “Trung Quốc sẽ không quân sự hóa quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam)”.
Kể từ đó, những cáo buộc lẫn nhau về vấn đề này càng làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân ngày 28-9 nhấn mạnh Mỹ là "lý do lớn nhất buộc Trung Quốc phải quân sự hóa Biển Đông vì Washington thường xuyên thực hiện các chiến dịch giám sát và các cuộc tập trận quân sự”. Tuyên bố của ông Vương không phải là mới - đây là lập trường nhất quán của Trung Quốc về quân sự hóa ở Biển Đông.
Liệu chính quyền ông Biden sắp tới có thể làm gì để giải quyết vấn đề này vì hòa bình và ổn định ở Biển Đông?
Định nghĩa khái niệm “quân sự hóa”
Xóa bỏ những mơ hồ trong khái niệm “quân sự hóa” là bước thiết yếu đầu tiên. Quân sự hóa có thể là một chuỗi các hành động liên tục, từ việc bố trí một đội quân vũ trang hạng nhẹ đến triển khai tên lửa có đầu đạn hạt nhân tại một địa điểm. Điều này nghe có vẻ đơn giản, nhưng còn việc xây dựng đường băng và bến cảng thì sao?
Đây là một điểm còn gây nhiều tranh cãi vì các cơ sở này có tính “lưỡng dụng” - ví dụ, cùng một đường băng có thể hỗ trợ hoạt động bay của cả máy bay dân dụng và máy bay chiến đấu.
Hải quân Trung Quốc tuần tra phi pháp tại đá Chữ Thập. Ảnh: REUTERS
Trong Văn Bản Dự Thảo Đàm Phán Duy Nhất (SDNT) – cơ sở cho các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC), Việt Nam là bên duy nhất cố gắng định nghĩa khái niệm “quân sự hóa”, theo đó được hiểu là “lắp đặt, triển khai hoặc phát triển bất kỳ loại vũ khí nào có tính chất tấn công cho mọi mục đích”.
Thực tế cho thấy rất khó để xác định rõ điều gì dẫn đến “quân sự hóa”. Làm thế nào để xác định “vũ khí có tính chất tấn công” khi hầu hết các loại vũ khí đều đáp ứng các yêu cầu phòng thủ và tấn công? Điều này thực sự phụ thuộc rất nhiều vào cách người dùng chọn sử dụng vũ khí.
Đáng chú ý nhất là việc Trung Quốc xây dựng trái phép các tiền đồn ở Trường Sa, với đầy đủ các đường băng, bến cảng, boongke và các cơ sở hạ tầng lưỡng dụng khác, giúp Bắc Kinh duy trì sức mạnh và có thể tận dụng điều này nhằm gây sức ép lên các bên tranh chấp khác tại Biển Đông.
Chiến lược “sự đã rồi” của Trung Quốc
Các tiền đồn phi pháp của Trung Quốc tại đá Subi và đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) đáp ứng đầy đủ tiện ích của một "điểm dừng chân", giúp tàu Trung Quốc không cần quay trở lại căn cứ trên đất liền để tiếp nhiên liệu, từ đó có thể hoạt động liên tục với mức gián đoạn tối thiểu trong thời gian dài tại Biển Đông.
Theo ông Koh, chính quyền ông Obama vốn có cơ hội ngăn chặn Trung Quốc xây đảo và quân sự hóa ở Trường Sa, nhưng đã bỏ lỡ. Khả năng tình báo, giám sát và trinh sát của Mỹ lẽ ra không thể bỏ sót các hoạt động nạo vét và bồi đắp ồ ạt của Trung Quốc trong khu vực. Ông Koh cho rằng chính quyền ông Obama không muốn mất sự hợp tác của Bắc Kinh trong các vấn đề nổi cộm khác như biến đổi khí hậu.
Việc Mỹ và Trung Quốc rơi vào vòng xoáy đối đầu và phản công quân sự cũng cho thấy hai bên khó có thể đạt được một sự đồng thuận song phương liên quan vấn đề quân sự hóa.
Trong một động thái hiếm hoi, để đối phó các cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc, Hải quân Mỹ hồi đầu tháng 7 đã điều các nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz và Ronald Reagan đến Biển Đông. Bắc Kinh đáp trả bằng một loạt các cuộc tập trận tấn công trên biển, bao gồm cả vụ phóng tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM) vào tháng 8.
Không chịu thua kém, tàu sân bay Ronald Reagan của Mỹ đã quay trở lại Biển Đông vào giữa tháng 8, và Bắc Kinh đã đáp trả bằng một loạt cuộc tập trận, phóng hai tên lửa ASBM vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ngay sau đó, tàu khu trục Mustin của Mỹ đã tiến hành hoạt động bảo vệ tự do hàng hải (FONOP) ngoài khơi Hoàng Sa.
Ông Biden sẽ kế thừa di sản của ông Trump về Biển Đông?
Gần đây, Mỹ dường như có sự thay đổi hướng tới một chiến lược toàn diện hơn trong vấn đề Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi tháng 7 tuyên bố rằng “các tuyên bố của Bắc Kinh đối với nguồn tài nguyên trên hầu khắp Biển Đông là hoàn toàn trái pháp luật".
Trước khi tuyên bố này được đưa ra, chính quyền ông Trump chủ yếu đối phó chiến lược “sự đã rồi” của Bắc Kinh thông qua cách tiếp cận quân sự - được thể hiện một cách “khéo léo” qua sự hiện diện thường xuyên của hải quân Mỹ và các chiến dịch FONOP.
Theo ông Koh, cách tiếp cận này đã không thành công trong việc ngăn chặn các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông, đặc biệt là việc tái diễn các hành vi cưỡng ép của Trung Quốc đối với các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có tuyên bố chủ quyền ở khu vực này.
Tuy nhiên, sự hiện diện quân sự thường xuyên ở Biển Đông báo hiệu cam kết của Mỹ đối với hòa bình và ổn định khu vực, và ít nhất là để răn đe Bắc Kinh không tiến hành các hành vi quyết liệt hơn.
Chính quyền ông Biden sẽ phải tiếp tục đối phó chiến lược “sự đã rồi” của Trung Quốc ở Biển Đông và sẽ khó có thể rút lại một số chính sách nhất định của chính quyền ông Trump.
Ông Koh lý giải việc rút lại sẽ khiến các nước hiểu sai về cam kết an ninh của Mỹ đối với khu vực và do đó có thể khiến Bắc Kinh hành động hung hăng hơn.
COC sẽ không thể ngăn sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Biển Đông, bất chấp các đề xuất của Bắc Kinh nhằm ngăn cản sự hiện diện quân sự của nước ngoài trong khu vực.
Một số bên ASEAN chắc chắn muốn duy trì quyền tương tác với bất kỳ đối tác quân sự nước ngoài nào mà họ mong muốn. Tuy nhiên, COC không có khả năng giải quyết “vấn đề dai dẳng” của quá trình quân sự hóa ở Trường Sa. Đây sẽ là một thách thức khác mà chính quyền ông Biden sẽ kế thừa như một di sản lâu dài từ các chính quyền trước.
Trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng gia tăng ảnh hưởng kinh tế trong khu vực, Washington cần xây dựng một chiến lược toàn diện nhằm hạn chế khả năng của Trung Quốc trong việc thay đổi hiện trạng ở Biển Đông. Mỹ có thể sử dụng một loạt các công cụ pháp chế ngoài quân sự hóa, bao gồm cả gia tăng sức ép kinh tế như áp đặt các lệnh trừng phạt.
Chính quyền ông Biden có thể làm tốt việc tiếp tục với một số chính sách đã có từ trước, chẳng hạn như FONOP và đưa ra “danh sách đen” các thực thể Trung Quốc có liên quan đến hoạt động bồi đắp tại Biển Đông.
Tuy nhiên, thay vì áp dụng cách tiếp cận đơn phương, chính quyền ông Biden cũng có thể tăng cường tham vấn với các đồng minh và đối tác trong khu vực nhằm đảm bảo rằng các chính sách của Mỹ ở Biển Đông phù hợp với các mối quan tâm và lợi ích của các nước này.