Nhật Bản lập quỹ 2,4 tỉ đô la hỗ trợ phát triển đô thị thông minh ở ASEAN
Khánh Lan
(TBKTSG Online) - Chính phủ Nhật Bản sẽ thành lập quỹ trị giá 250 tỉ yen (2,4 tỉ đô la Mỹ) để hỗ trợ phát triển các ‘dự án đô thị thông minh’ của doanh nghiệp Nhật Bản tại Đông Nam Á, cạnh tranh với các công ty đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc và những đối thủ nước ngoài khác.
Đô thị thông minh bền vững Fujisawa ở TP. Fujisawa, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản. Đô thị này do Tập đoàn Panasonic phát triển và được khánh thành vào năm 2014. Các ngôi nhà ở khu đô thị đều được lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời. Ảnh: Panasonic |
Tờ Nikkei Asian Review hôm 17-12 cho hay quỹ này sẽ bao gồm 50 tỉ yen từ Công ty Đầu tư Nhật Bản về hạ tầng giao thông và phát triển đô thị ở nước ngoài (JOIN), một đơn vị đầu tư hạ tầng của chính phủ Nhật Bản; và hạn mức tín dụng 200 tỉ yen từ Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC).
Dựa vào quỹ này, chính phủ Nhật Bản sẽ khuyến khích các công ty Nhật Bản đầu tư vào các dự án đô thị thông minh ở 26 thành phố ở Đông Nam Á, bao gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Jakarta, Bangkok, Kuala Lumpur, Singapore...
Khảo sát 26 thành phố ở ASEAN về đô thị thông minh
Vào cuối năm nay, Tokyo sẽ đề nghị 26 thành phố này trình bày kế hoạch phát triển đô thị thông minh và sẽ chọn các dự án khả thi nhất vào mùa xuân. Chính phủ Nhật Bản kỳ vọng các công ty Nhật Bản sẽ vạch ra các đề án đô thị thông minh cơ bản cho các thành phố được chọn và sau đó, tiến hành nghiên cứu tính khả thi của đề án.
Theo chính phủ Nhật Bản, các dự án đô thị thông minh đang gia tăng triển khai ở các nước ASEAN. Trong số các công ty Nhật Bản, Tập đoàn Tokyu đang tham gia một dự án đô thị thông ở Bình Dương, Việt Nam. Dự án này có tên gọi ‘Thành phố vườn Tokyu Bình Dương’, tọa lạc ở Thành phố mới Bình Dương. Trong khi đó, một nhóm công ty khác, có trụ sở ở TP. Yokohama (Nhật Bản) tham gia một dự án đô thị thông minh ở tỉnh Chonburi, Thái Lan. Hai tập đoàn thương mại Sojitz và Mitsubishi của Nhật Bản cũng đang phát triển các đô thị thông minh ở gần Jakarta, Indonesia. |
Tờ Yomiuri Shimbun tiết lộ rõ hơn rằng vào cuối năm 2020, chính phủ Nhật Bản sẽ khảo sát ý kiến từ chính quyền TP Phnom Penh, TP Hồ Chí Minh và một số thành phố khác ở ASEAN để nắm bắt xem họ cần những hệ thống nào để giải quyết các vấn đề trong chính sách đô thị của họ.
Dựa trên các đề xuất của họ, chính phủ Nhật Bản sẽ làm việc với mỗi thành phố và cùng nhau vạch ra các đề án quy hoạch tổng thể về phát triển đô thị thông minh. Tiếp đó, chính phủ Nhật Bản sẽ xác định công ty Nhật Bản nào có thể cung cấp các dịch vụ cần thiết cho các đề án này.
Để thúc đẩy các dự án đô thị thông minh, JOIN đang xem xét các biện pháp như thành lập các liên doanh với các công ty Nhật Bản và công ty địa phương tại Đông Nam Á. Trong khi đó, JBIC sẽ cung cấp hạn mức tín dụng cho các chương trình bảo vệ môi trường ở những dự án đô thị thông minh tại khu vực này, chẳng hạn chương trình cắt giảm khí thải nhà kính, tăng sử dụng năng lượng tái tạo và ngăn ngừa ô nhiễm nước và không khí.
Cạnh tranh với Trung Quốc, Hàn Quốc
Bằng cách sử dụng quỹ mới, Nhật Bản muốn cạnh tranh với Trung Quốc và Hàn Quốc trong cuộc chạy đua phát triển đô thị thông minh ở Đông Nam Á. Hồi đầu năm nay, Hàn Quốc thông báo gói hỗ trợ cho các dự án thành phố thông minh ở nước ngoài. Có 20 nước đã đăng ký gói hỗ trợ này và Seoul đã chọn các dự án ở 11 nước, bao gồm 6 nước ASEAN.
Chính phủ Hàn Quốc cũng chuẩn bị thành lập quỹ trị giá 400 tỉ won (366 triệu đô la) để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước giành đơn hàng xây dựng dự án thành phố thông minh ở nước ngoài.
Trong khi các dự án đô thị thông minh ở TP. Kota Kinabalu, thủ phủ của bang Sabah, Malaysia và TP. Viêng Chăn, thủ đô của Lào đủ tiêu chuẩn để nhận được sự hỗ trợ của chính phủ Hàn Quốc, hai thành phố này cũng là những nơi mà các công ty Nhật Bản đang nhắm đến để mở rộng hoạt động kinh doanh.
Tại Malaysia, các công ty Trung Quốc cũng tham gia nhiều dự án đô thị thông minh, trong đó, tận dụng công nghệ dữ liệu lớn và các công nghệ mới khác để vận hành và giám sát các hệ thống cơ sở hạ tầng.
Thủ tướng Nhật Bản, Yoshihide Suga đã đặt mục tiêu đưa khí thải carbon của Nhật Bản về mức zero ròng vào năm 2050. Thông qua chương trình hỗ trợ phát triển đô thị thông minh ở các nước ASEAN, Tokyo hy vọng sẽ giúp các công ty Nhật Bản tăng tốc các nỗ lực hướng đến phi carbon hóa trong hoạt động kinh doanh.
Nhật Bản kỳ vọng xuất khẩu các dịch vụ ‘ đô thị thông minh’ Theo mô hình đô thị thông minh, các hạ tầng cơ bản như nhà ở, trường học, giao thông công cộng, hệ thống cung cấp điện nước...được kết nối với nhau và có thể cung cấp dữ liệu liên quan. Bằng cách thu thập và phân tích dữ liệu này, các đô thị thông minh có thể thực hiện các dịch vụ tốt hơn và tiết kiệm năng lượng hơn. Tại các nước Đông Nam Á, dân cư thường có xu hướng tập trung ở các thành phố lớn và khu vực lân cận. Vậy nên, chính phủ Nhật Bản cho rằng các ứng dụng công nghệ thông tin có thể giúp giải quyết các vấn đề như kẹt xe, ô nhiễm môi trường và các vấn đề khác ở các thành phố này. Chính phủ Nhật Bản kỳ vọng sẽ xuất khẩu các dịch vụ ‘ đô thị thông minh’ cho các thành phố ở Đông Nam Á bao gồm hệ thống quản lý giao thông thông công cộng, giải pháp chống tấn công mạng, hệ thống giám sát an ninh thông qua camera, lưới điện thông minh, hệ thống thanh toán phi tiền mặt... |
Theo Nikkei Asian Review, Yomiuri Shimbun