Xu hướng du lịch có trách nhiệm với môi trường khá phổ biến tại nhiều quốc gia, tại Việt Nam mới manh nha những năm gần đây |
Các nội dung cam kết bao gồm: tôn trọng thiên nhiên, các hệ sinh thái tự nhiên và văn hóa địa phương trong các hoạt động kinh doanh du lịch; không khai thác, sử dụng, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ, quảng cáo, giới thiệu các sản phẩm có nguồn gốc bất hợp pháp từ động vật hoang dã.
Đồng thời cam kết xây dựng và thực hành bộ quy tắc ứng xử về du lịch có trách nhiệm với môi trường, thiên nhiên và coi đây là văn hóa doanh nghiệp, tổ chức; thúc đẩy hợp tác với các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên trong việc thiết kế, xây dựng, quảng bá và phát triển các sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn, du lịch có trách nhiệm; tăng cường truyền thông, quảng bá về du lịch có trách nhiệm cho các đối tác liên quan, đội ngũ nhân viên, khách du lịch, cộng đồng địa phương và công chúng nói chung; nỗ lực tham gia hoạt động của các mạng lưới, tổ chức du lịch có trách nhiệm và lan tỏa tinh thần phát triển du lịch Việt Nam bền vững vì người Việt và dân tộc Việt.
Trước khi cùng nhau ký cam kết nói trên, vào các ngày 11 và 12/12 vừa qua, tại Vườn quốc gia Cát Tiên, hội thảo về “Du lịch có trách nhiệm với thiên nhiên và bảo tồn động vật hoang dã” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp với Câu lạc bộ Du lịch có trách nhiệm (RTC) tổ chức đã diễn ra.
Du lịch gắn với trải nghiệm thiên nhiên và khám phá thế giới động vật hoang dã ngày càng phát triển và trở thành xu hướng du lịch trên toàn thế giới. Bên cạnh những đóng góp tích cực về kinh tế và phát triển sinh kế cho cộng đồng địa phương, ngành du lịch cũng đã có tác động tiêu cực đến môi trường, thiên nhiên và tài nguyên động vật hoang dã. Tổ chức Bảo vệ động vật thế giới (WAP) cảnh báo hiện có tới hơn 500.000 động vật hoang dã trên thế giới bao gồm voi, hổ và cá heo đang bị bóc lột vì du lịch giải trí.
Những tác động đến cảnh quan thiên nhiên và thế giới động vật không chỉ dừng lại do du lịch bóc lột động vật hoang dã, do sự phát triển của du lịch đại trà, thiếu kiểm soát hay quá ngưỡng chịu tải mà còn có thể đến từ nhu cầu của khách du lịch đối với các “sản vật lạ” của địa phương bao gồm thực phẩm, thuốc chữa bệnh và đồ trang sức có nguồn gốc bất hợp pháp từ động vật hoang dã. Điều này, dù xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của đơn vị lữ hành, du lịch, du khách hay sự cố ý vi phạm của họ cũng dẫn đến những hậu quả đối với giới tự nhiên.
Hoàng Minh
Xem thêm: lmth.0893241a-gnourt-iom-ev-oab-tek-mac-hcil-ud-peihgn-hnaod-03/nv.moc.enilnounuhp.www