Bị cáo Út “trọc” đóng vai trò chủ mưu
Sáng 18/12, phiên tòa xét xử cựu Bộ trưởng bộ GTVT Đinh La Thăng, , cựu Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường; Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc” - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, cựu Tổng Giám đốc công ty Thái Sơn) cùng 17 bị cáo bước vào phần tranh luận.
Mở đầu phiên xử sáng nay, đại diện VKS giữ quyền công tố phát biểu quan điểm giải quyết vụ án và đề nghị mức án với nhóm 20 bị cáo liên quan trong vụ án xảy ra tại công ty Cổ phần tập đoàn Yên Khánh, Tổng công ty Cửu Long và các đơn vị liên quan trong việc đấu thầu và thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Theo VKS, trong vụ án này, bị cáo Đinh Ngọc Hệ đóng vai trò chủ mưu, cầm đầu và thực hiện hàng loạt hành vi trái quy định pháp luật, với mục đích chiếm đoạt trên 725 tỷ đồng.
Hành vi của bị cáo Hệ đủ yếu tố cấu thành các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Bị cáo Hệ đã lợi dụng mối quan hệ với bị cáo Đinh La Thăng để đấu giá và trúng đấu giá quyền thu phí tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương. Để đủ điều kiện trúng đấu giá, bị cáo Hệ đã chỉ đạo nhân viên làm giả báo cáo tài chính, thể hiện công ty của Hệ đủ năng lực tài chính.
Sau khi trúng đấu giá, bị cáo Hệ đã mua phần mềm của công ty Xuân Phi, can thiệp, che giấu số tiền thu phí thực tế, nhằm chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.
Đại diện VKS đánh giá hành vi của Đinh Ngọc Hệ là nguy hiểm cho xã hội, nên cần có mức án tương xứng. Tuy nhiên, quá trình lượng hình, VKS cũng xem xét nhiều tình tiết làm căn cứ tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với Đinh Ngọc Hệ.
Nhóm 12 bị cáo là đồng phạm của Hệ đã có hành vi giúp sức, thỏa hiệp với Hệ, thực hiện các hành vi sai trái nên cũng phải chịu trách nhiệm tương xứng.
Từ đó, đại diện VKS đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo Đinh Ngọc Hệ mức án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 13 - 14 năm tù tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; tổng hợp hình phạt là chung thân cho cả 2 tội.
12 bị cáo còn lại, được xác định là đồng phạm của Đinh Ngọc Hệ, bị VKS cáo buộc về cùng tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đề nghị từ 2 - 12 năm tù giam.
Đủ căn cứ xác định bị cáo Đinh La Thăng phạm tội
Đối với bị cáo Đinh La Thăng, đại diện VKS cho rằng, dù bị cáo không thừa nhận có mối quan hệ với Út “trọc”; Không giới thiệu Út “trọc” với cấp dưới và không “tạo điều kiện” cho công ty của Út “trọc” trúng đấu giá, nhưng căn cứ vào toàn bộ hồ sơ vụ án, đủ căn cứ xác định bị cáo có hành vi phạm tội.
Do đó, đại diện VKS nhận định, việc truy tố bị cáo Thăng về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí là có căn cứ. Bị cáo Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm chính đối với toàn bộ sai phạm của các bị cáo thuộc Bộ GTVT như cáo trạng truy tố.
6 bị cáo còn lại là cựu lãnh đạo, nhân viên thuộc bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đều bị truy tố, xét xử về cùng tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí là có căn cứ.
Về nhân thân của ông Đinh La Thăng, VKS đánh giá quá trình công tác, bị cáo có nhiều thành tích, huân, huy chương, bằng khen nên đề nghị HĐXX xem xét.
Từ các nhận định nói trên, đại diện VKS đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 10 -11 năm tù giam. Bị cáo Nguyễn Hồng Trường bị đề nghị 6 – 7 năm tù giam.
Các bị cáo Nguyễn Chí Thành (nguyên Phó vụ trưởng Vụ Tài chính), Lê Trung Cường (chuyên viên Vụ Tài chính), Dương Tuấn Minh, Dương Thị Trâm Anh (nguyên Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Cửu Long – công ty thuộc bộ GTVT), Nguyễn Thu Trang (nguyên Phó phòng Đầu tư và quản lý đấu thầu - Tổng công ty Cửu Long), bị VKS đề nghị mức án từ 3 - 6 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, VKS đề nghị buộc Đinh Ngọc Hệ phải bồi thường toàn bộ hơn 725 tỷ đồng cho Nhà nước.