Vỉa hè lát đá tự nhiên thi công chưa hoàn thiện, ôtô đã nối đuôi nhau xếp hàng dài đỗ lên, ghi nhận tại đường Huỳnh Thúc Kháng ( Hà Nội) sáng 18-12 - Ảnh: PHẠM TUẤN
Nhiều đoạn vỉa hè đường Huỳnh Thúc Kháng vừa được lát đá tự nhiên, nhiều đoạn chưa khô vữa, nhưng ôtô đã tràn lên đỗ ôtô chễm chệ...
Ghi nhận của Tuổi trẻ Online trong sáng 18-12, tại tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng (Đống Đa, Hà Nội), dự án nâng cấp, cải tạo, lát vỉa hè bằng đá tự nhiên đang được các công nhân thi công, tích cực triển khai.
Tuy nhiên, tại đây bộc lộ nhiều bất cập, khi dự án này thi công chưa xong, thì hàng loạt ôtô đã trèo lên vỉa hè đỗ hàng dài, dù có biển cấm đỗ.
Đơn cử tại đoạn đường Huỳnh Thúc Kháng giao với Nguyên Hồng, khi các công nhân đang lát đá vỉa hè thì ngay phía sau lưng, ôtô đã đỗ hàng loạt, dù vữa bê tông lát vỉa chưa kịp khô. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến độ kết dính giữa các khối đá cũng như thẩm mỹ của vỉa hè sau khi hoàn thiện.
Công trình thi công chưa hoàn thiện, nhiều tai xế đã ngang nhiên cho ôtô đỗ, đi lên vỉa hè - Ảnh: PHẠM TUẤN
Chị Nguyễn Minh Thanh (45 tuổi, Đống Đa) cho biết, tình trạng ô tô đậu trên vỉa hè Huỳnh Thúc Khánh đã xảy ra từ lâu, chiếm hết lối đi của người đi bộ.
"Trước đây, xe đã xếp đầy trên vỉa hè, mỗi lần đi qua đây không có chỗ, chúng tôi phải xuống lòng đường để đi. Bây giờ vỉa hè đang lát lại, thi công chưa xong, vữa chưa khô mà ôtô đã đỗ hàng dài như thế này thì không thể chấp nhận được", cô Thanh bức xúc.
Được biết, trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng (Đống Đa) loại đá được dùng để lát vỉa hè là đá tự nhiên "có độ bền 70 năm", theo quy định mới về cải tạo hè phố do UBND thành phố Hà Nội ban hành.
Trao đổi với Tuổi trẻ Online trong sáng 18-12, ông Nguyễn Quang Huy, phó chi cục trưởng Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) cho hay, trách nhiệm giám sát thi công thuộc về UBND các quận huyện có đoạn vỉa hè được lát đá và các phía quận phải chịu hoàn toàn trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trên.
Còn theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng cần phải xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý, cụ thể là Sở Xây dựng Hà Nội.
"Sở Xây dựng Hà Nội là đơn vị liên quan chính, là cơ quan quản lý cần phải chịu trách nhiệm trước thành phố về toàn bộ công tác giám sát, thi công lát đá vỉa hè", ông Nghiêm nói.
Nhiều viên "đá tự nhiên" lát vỉa đang nằm ngổn ngang chờ lát, ô tô đã chiễm chệ trên vỉa hè - Ảnh: PHẠM TUẤN
Trước đó, Tuổi trẻ Online từng phản ánh về tình trạng vỉa hè tại một số tuyến đường ở Hà Nội như Nguyễn Trãi, Trần Duy Hưng, Khuất Duy Tiến... các lớp gạch đá lát vỉa hè dù được giới thiệu có độ bền 50-70 năm, chỉ trong một thời gian ngắn sử dụng đã nứt vỡ.
Trước tình trạng này, ông Huy từng cho hay, độ bền của một công trình phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ngoài vật liệu, chất lượng đá thì quá trình thi công, quá trình sử dụng rất quan trọng. "Vỉa hè vừa lát xong, đến đêm đã có xe leo lên. Như thế không đá nào chịu được", ông nói.
Còn theo ông Hoàng Ngọc Thắng, phó chi cục trưởng Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội), lại cho rằng nếu vỉa hè được lát đá tự nhiên sử dụng đúng công năng dành cho người đi bộ, độ bền có thể lên đến 20 đến 30 năm.
"Nếu xe cộ không đi lên, không đỗ trên vỉa hè, chỉ để dùng đi bộ, tôi dám chắc vỉa hè được lát đá tự nhiên sẽ có độ bền từ 20 đến 30 năm", ông Thắng nói.
Dù tính quá trình giám sát thi công, chất lượng thi công, chất lượng đá "có độ bền 70 năm" còn nhiều bất cấp, dẫn tới tình trạng nhiều tuyến phố lát đá tự nhiên vừa thi công xong, thời gian ngắn đã hỏng. Tuy nhiên, ngoài tuyến phố Huỳnh Thúc Kháng (Đống Đa), hiện nay các vỉa hè trên tuyến phố Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy), Thụy Khuê (Tây Hồ) vẫn đang được tiến hành thi công lát vỉa, sử dụng loạt đá này.
Theo ông Nguyễn Quang Huy, phó chi cục trưởng Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) cho hay, trách nhiệm giám sát thi công thuộc về UBND các quận huyện có đoạn vỉa hè được lát đá - Ảnh: PHẠM TUẤN
Công nhân đang thực hiện gấp rút thi công vỉa hè trong tháng cuối năm, phục vụ chỉnh trang đô thị, chuẩn bị cho năm mới - Ảnh: PHẠM TUẤN
Những khối đá tự nhiên lớn được cắt xẻ để phục vụ việc lát vỉa hè - Ảnh: PHẠM TUẤN
Công nhân thi công phía trước, ôtô đỗ tràn lan phía sau - Ảnh: PHẠM TUẤN
Ngoài tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng, tại đường Nguyễn Văn Huyên, dự án chỉnh trang vỉa hè vẫn đang được triển khai, dù bộc lộ nhiều bất cập - Ảnh: PHẠM TUẤN
Hàng loạt viên đá tự nhiên "có độ bền 70 năm xếp chồng, chờ thi công, ghi nhận trên đường Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy) sáng 18-12 - Ảnh: PHẠM TUẤN
Trước đó, các lớp gạch đá lát vỉa hè dù được giới thiệu có độ bền 50-70 năm, chỉ trong một thời gian ngắn sử dụng đã nứt vỡ - Ảnh: PHẠM TUẤN
Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, thành phố hiện đang có khoảng 6,9 triệu phương tiện giao thông và 1,2 triệu phương tiện ngoại tỉnh thường xuyên ra vào. Lưu lượng xe không ngừng tăng nhanh không chỉ dẫn đến tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông mà còn gây áp lực rất lớn lên hạ tầng giao thông tĩnh như điểm đỗ vốn mới chỉ đáp ứng được 8 - 10% nhu cầu. Hà Nội chỉ có 939 điểm trông giữ xe, trong đó hơn 600 điểm trên vỉa hè, 300 điểm dưới lòng đường.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, bất cập của vấn đề giao thông tĩnh hiện nay là việc xây dựng các bến xe, bãi đỗ xe theo quy hoạch trên địa bàn vẫn đang trong quá trình triển khai. Các bãi đỗ xe trong các khu đô thị, chung cư, bệnh viện khi xây dựng đưa vào sử dụng không đáp ứng đủ nhu cầu đỗ xe trong khu vực.
Mặt khác, tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân luôn lớn hơn so với tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố. Chính vì sự bất cập trên dẫn đến trên địa bàn vẫn còn những “điểm nóng” khan hiếm điểm gửi, đỗ xe.
Để giải quyết nhu cầu cấp bách về trông giữ xe cho người dân, Sở GTVT đã báo cáo, đề xuất UBND thành phố cho phép tổ chức triển khai trông giữ xe tại các khu đất xen kẹt, đất dự án nhưng chậm triển khai để đáp ứng nhu cầu đỗ xe của người dân và giao cho UBND các quận, huyện quản lý nhưng phải đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, có quy trình trông giữ, thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.