Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết mở ra cơ hội lớn cho xuất nhập khẩu nói chung và ngành dệt may nói riêng của Việt Nam. Dù vậy, trong EVFTA, điều dệt may Việt Nam lo lắng nhất là quy tắc xuất xứ từ vải, bởi hiện tại, nguồn sản xuất vải gần như vẫn tắc nghẽn tại Việt Nam vì nhiều lý do.
Theo cam kết tại EVFTA, bên cạnh việc đáp ứng tiêu chí khắt khe về chất lượng, để hưởng lợi ích về cắt giảm thuế quan, các doanh nghiệp phải đảm bảo các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ rất chặt chẽ, trong đó, quy tắc xuất xứ "từ vải trở đi" với yêu cầu vải nguyên liệu được dùng để may quần áo phải được dệt tại Việt Nam, hoặc các nước thành viên EU.
Trong bối cảnh đó, tỷ lệ nội địa hóa tăng lên khi Thỏa thuận giữa Việt Nam và Hàn Quốc về triển khai điều khoản cộng gộp xuất xứ nguyên liệu vải giữa hai nước mở ra cơ hội mới cho dệt may Việt Nam. Theo người trong ngành, thoả thuận này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam tận dụng nguồn nguyên liệu dệt may chất lượng cao từ Hàn Quốc để sản xuất, gỡ điểm nghẽn về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu vải đối với hàng dệt may xuất khẩu đi thị trường EU, do Hàn Quốc cũng đã ký hiệp định thương mại với EU.
Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết: "Trong 5 năm qua, Việt Nam nhập khẩu lượng vải từ Hàn Quốc lớn thứ hai, sau Trung Quốc, mức độ trung bình lên tới 2 tỷ USD/năm, chiếm tỷ trọng từ 17-18% tổng kim ngạch nhập khẩu vải của Việt Nam/năm. Riêng Việt Nam có 30% lượng vải sản xuất trong nước, 70% lượng vải nhập khẩu. Nay với Thỏa thuận giữa Việt Nam và Hàn Quốc về triển khai điều khoản cộng gộp xuất xứ nguyên liệu vải giữa hai nước trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), thì hàng may từ Việt Nam vào EU có tỷ lệ đáp ứng quy tắc xuất xứ tới 50% (cộng gộp lượng vải từ Việt Nam và vải nhập từ Hàn Quốc)".
Điều này là hết sức thuận lợi cho dệt may Việt Nam để được hưởng ưu đãi thuế quan xuất khẩu vào EU. Các dệt may Việt Nam sẽ cân nhắc sử dụng nhiều hơn vải từ Hàn Quốc bên cạnh lượng vải được sản xuất tại Việt Nam để thực hiện các đơn hàng vào EU, đáp ứng quy tắc xuất xứ từ vải, vị này cho biết.
EU hiện là thị trường có quy mô lớn nhất về nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may với kim ngạch nhập khẩu trị giá hơn 250 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU còn khá khiêm tốn, như năm 2019 kim ngạch xuất khẩu chỉ mới đạt 4,3 tỷ USD, chiếm 2% thị phần của thị trường EU, một tỷ lệ rất nhỏ so với những tiềm năng mà thị trường này đem lại.
Bảo An
Trí Thức Trẻ