Huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng những năm qua duy trì tốc độ phát triển nhanh và không ngừng cải thiện điều kiện hạ tầng kinh tế - xã hội - Ảnh: T. THẮNG
Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng mới đây đã đồng ý chủ trương xây dựng Đề án thành lập thành phố trực thuộc TP Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên, theo đề xuất của Ban cán sự Đảng UBND thành phố.
Tạo đột phá phát triển không gian đô thị
Được xác định là một trong ba hướng đột phá về không gian đô thị của TP Hải Phòng, huyện Thủy Nguyên được định hình để trở thành đô thị trung tâm mới và là trung tâm hành chính - chính trị của Hải Phòng trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Tùng - chủ tịch UBND TP Hải Phòng, cho biết trong giai đoạn 2021-2025, Hải Phòng sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, triển khai các thủ tục pháp lý nhằm chuyển đổi huyện Thủy Nguyên trở thành đô thị trước năm 2025.
Theo ông Tùng, cơ sở để xây dựng đề án này bởi những năm qua, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của Thủy Nguyên luôn vượt mục tiêu, kế hoạch đề ra và duy trì ở mức cao. Huyện Thủy Nguyên cũng hội tụ đầy đủ các điều kiện tự nhiên, lợi thế về tài nguyên khoáng sản, phát triển kinh tế biển, du lịch, ngành nghề truyền thống.
Hơn hết, Thủy Nguyên có vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị, an ninh - quốc phòng, là đầu mối giao thông kết nối Hải Phòng - Quảng Ninh - Hải Dương và là cửa ngõ ra biển Vịnh Bắc Bộ. Mặc dù có nhiều tiềm năng để phát triển mạnh mẽ nhưng huyện Thủy Nguyên hiện nay đang là đơn vị hành chính nông thôn, mô hình quản lý chính quyền nông thôn không còn phù hợp và không đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới.
"Việc thiết lập chính quyền đô thị tại Thủy Nguyên sẽ tạo điều kiện phát huy tốt hơn nữa các tiềm năng, lợi thế sẵn có của vùng đất này, điều này cũng phù hợp với tinh thần Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng Hải Phòng thời gian tới." - ông Tùng nêu.
Với nhiều điều kiện để phát triển mạnh mẽ nhưng huyện Thủy Nguyên hiện nay đang là đơn vị hành chính nông thôn, mô hình quản lý chính quyền nông thôn được xác định sẽ không còn phù hợp trong tình hình mới tại địa phương này - Ảnh: T. THẮNG
Theo chủ tịch UBND TP Hải Phòng, nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Đề án thành lập thành phố thuộc thành phố Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên, mô hình này sẽ vận hành theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Hải Phòng cũng sẽ đề xuất với Trung ương các cơ chế đặc thù nhằm xây dựng và phát triển thành phố, trong đó có cơ chế đặc thù đối với thành phố tại huyện Thủy Nguyên để tập trung nguồn lực đầu tư các cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, hệ thống trường học, bệnh viện, các trung tâm thương mại, các khu dịch vụ, các công trình công ích...
Từ đó, người dân sẽ có điều kiện tiếp cận, sử dụng và thụ hưởng các công trình được đầu tư; được học tập, làm việc trong môi trường của chính quyền đô thị văn minh, hiện đại và chuyên nghiệp hơn.
Huy động các nguồn lực để xây dựng Thủy Nguyên lên tầm thành phố
Nói thêm về nguồn lực để triển khai đề án, ông Tùng cho biết giai đoạn 2016 - 2020, huyện Thủy Nguyên đã được đầu tư hơn 26.690 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn đầu tư công là trên 14.841 tỉ đồng phục vụ cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như: xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Bắc Sông Cấm, các dự án hạ tầng giao thông, chương trình nông thôn mới...
Phần còn lại là nguồn vốn ngoài ngân sách và FDI chiếm khoảng 11.849 tỉ đồng, đầu tư các dự án trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ.
Dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2025, thành phố sẽ hướng đầu tư trên địa bàn huyện Thủy Nguyên khoảng 141.399 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn đầu tư công là 33.261 tỉ đồng và nguồn vốn ngoài ngân sách (gồm cả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) hơn 108.138 tỉ đồng.
Hàng loạt các công trình hạ tầng giao thông quy mô được TP Hải Phòng triển khai những năm gần đây góp phần tăng cường sự kết nối và đẩy mạnh hiện đại hóa không gian đô thị tại huyện Thủy Nguyên - Ảnh: NAM TRẦN
Vốn đầu tư công sẽ tập trung cho các dự án hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới và khu kiến trúc Bắc Sông Cấm; các dự án hạ tầng giao thông quan trọng đối nội và đối ngoại kết nối Thủy Nguyên với trung tâm hành chính cũ và các tỉnh trong vùng như cầu Nguyễn Trãi, cầu Bến Rừng, cầu Lại Xuân, xây dựng nông thôn mới...
Vốn ngoài ngân sách và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ tiếp tục tập trung vào các dự án hạ tầng đô thị và công nghiệp, trong đó có một số dự án lớn như xây dựng khu đô thị mới Green River tại xã Hoa Động; khu đô thị mới Hoàng Huy New City tại xã Tân Dương và Dương Quan; dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Thủy Nguyên,....
Theo UBND TP Hải Phòng, việc thành lập đơn vị hành chính đô thị tại huyện Thủy Nguyên thực hiện trên cơ sở nguyên trạng 261,86 km2 diện tích tự nhiên, dân số 333.900 người và 37 đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện đảm bảo đúng quy định và phù hợp với thực tiễn.
Sau khi thành lập thành phố Thủy Nguyên, Hải Phòng không thay đổi về diện tích tự nhiên, dân số cũng như số đơn vị hành chính cấp huyện. Riêng đơn vị hành chính cấp xã sẽ giảm, trong thành phố Thủy Nguyên trực thuộc TP Hải Phòng sẽ có cả xã và phường.
Hàng loạt tuyến đường được thảm nhựa thẳng tắp cùng với vỉa hè lát gạch, hệ thống chiếu sáng, thoát nước... 'xịn' ngang đường đô thị nội thành là những đổi thay mà nhiều người dân ở các huyện ngoại thành Hải Phòng có thể cảm nhận được.