Gen của rùa mai mềm ở hồ Đồng Mô thuộc loài rùa Hoàn Kiếm - Ảnh: WCS Việt Nam
Thông tin này được các nhà khoa học công bố tại Hội nghị đánh giá kết quả sơ bộ việc thực hiện Kế hoạch bảo tồn các cá thể rùa Hoàn Kiếm trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020 do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức sáng 18-12.
Theo ông Tạ Văn Sơn - Chi cục trưởng Thủy sản Hà Nội - ngày 22-10, tổ công tác tại hồ Đông Mô bẫy bắt được con rùa mai mềm. Sau đó các đơn vị liên quan đã cân, đo và lấy mẫu rùa gửi đi xét nghiệm gen.
Hai trung tâm nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội đã phân tích, kết luận gen của rùa mai mềm ở hồ Đồng Mô thuộc loài Giải Sin-hoe (Rafetus swinhoei) hay còn gọi là rùa Hoàn Kiếm. Đây là con rùa cái, nặng 86 kg, mai dài 99,5 cm, rộng 75,5 cm.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho rằng dù có thể còn những ý kiến, kết quả nghiên cứu của hai trung tâm có tư cách pháp nhân đã khẳng định mẫu của con rùa ở hồ Đồng Mô tương đồng 99% với loài rùa hồ Hoàn Kiếm.
"Sở đã tham mưu UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo và phối hợp với các tổ chức quốc tế bước đầu thực hiện kế hoạch bảo tồn và phát triển Giải Sin-hoe. Sở chỉ đạo Chi cục Thủy sản tiếp tục thực hiện Kế hoạch 200 của UBND thành phố Hà Nội để khôi phục và bảo tồn loài rùa mai mềm nguy cấp quý hiếm trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới" - ông Đăng khẳng định.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các chuyên gia theo dõi sức khỏe của rùa khi tạm nhốt giữ trong bể - Ảnh: WCS Việt Nam
Chương trình bảo tồn rùa châu Á (ATP) thuộc Tổ chức Indo-Myanmar Conservation (IMC) cho biết trên hồ Đồng Mô hiện có ít nhất hai con rùa vì đã phát hiện cả hai cùng nổi lên mặt nước tại một thời điểm và chụp được hình ảnh cụ thể.
Ngày 11-12, bộ phận thường trực của ATP/IMC tại hồ Đồng Mô đã chụp ảnh một con rùa mai mềm, ước tính 130-150 kg. Dự kiến con này được bẫy bắt xác định giới tính trong năm 2021. Trường hợp con này là đực, khu bãi cát ở hồ sẽ được tạo dựng để rùa có thể sinh sản tự nhiên.
Ngoài ra, còn một con rùa Hoàn Kiếm đã được phát hiện tại hồ Xuân Khanh. Dự kiến đến năm 2021, cơ quan chức năng sẽ bẫy bắt rùa để xác định loài và giới tính. Các đơn vị bảo tồn cũng đề xuất mở rộng vùng tìm kiếm rùa mai mềm ở các hồ lớn khác như Suối Hai, Đồng Quan...
Ông Timothy McCormack - giám đốc chương trình của ATP/IMC - cho biết bước tiếp theo sẽ là bẫy, bắt con rùa ở hồ Xuân Khanh. Tùy thuộc vào giới tính của rùa, chúng ta sẽ có lựa chọn tối ưu để thực hiện công tác nhân giống bảo tồn tại Việt Nam và đưa loài này thoát khỏi bờ vực tuyệt chủng.
Khoảnh khắc rùa Hoàn Kiếm trước khi được thả trở lại hồ Đồng Mô - Ảnh: ATP/IMC
Theo chuyên gia thủy sản Bùi Quang Tề, "trước mắt cần đặt tên cho con rùa đã được xác định gen và mở rộng tìm kiếm vì tôi tin chắc hồ Đồng Mô không chỉ có một con".
Ông Nguyễn Thanh Bình - Vụ bảo tồn thủy sản, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) - đề xuất trước mắt để bảo vệ rùa ở hồ Đồng Mô, thành phố có thể thành lập khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhằm bảo vệ nơi sống, sinh sản tự nhiên của chúng.
Tiêu bản rùa Hồ Gươm đang được đặt tại nhà trưng bày tiêu bản rùa tại đền Ngọc Sơn, đặt cạnh mẫu vật rùa thứ nhất. Tiêu bản được các nhà khoa học, khách tham quan đánh giá giữ nguyên thần thái rùa Hồ Gươm khi còn sống.
Xem thêm: mth.21460634181210202-meik-naoh-aur-iaol-couht-om-gnod-oh-o-aur-nahn-cax-neg-meihgn-tex/nv.ertiout