Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết, dân số Việt Nam đang già hóa với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Chỉ trong 10 năm, chỉ số già hóa đã tăng 12,9%. Dự báo đến năm 2039, Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ cơ cấu dân số vàng và bước vào thời kỳ cơ cấu dân số già, sau đó là thời kỳ cơ cấu dân số rất già (2055-2069).
Nguyên nhân của già hóa không chỉ đến từ việc tỷ lệ tử giảm và tuổi thọ tăng mà còn do mức sinh giảm. Theo báo cáo tại hội nghị, tổng tỷ suất sinh (TFR) của Việt Nam chỉ còn 2,09 con/phụ nữ vào năm 2019, trong khi năm 1989 đạt 3,8 con/phụ nữ. Như vậy, mức sinh hiện nay của Việt Nam đã giảm gần một nửa trong vòng 30 năm qua và đang duy trì quanh mức sinh thay thế. Điều này sẽ tác động làm giảm tốc độ tăng dân số trong tương lai. Dự báo 10 năm tới, dân số Việt Nam sẽ tăng với tốc độ thấp hơn 1%/năm.
Tuy nhiên, mức sinh giữa các vùng vẫn có sự khác biệt đáng kể. Trong đó, mức sinh của một số dân tộc thiểu số như H’Mông vẫn lên đến 3,59 con/phụ nữ. Vùng có mức sinh cao nhất cả nước là trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, ngược lại là Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp nhất.
Đáng chú ý, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam đang ở mức cao với tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) năm 2019 là 115,5 bé trai/100 bé gái. Do phụ huynh có tâm lý thích con trai nên ngay từ lần sinh đầu, TSGTKS đã có sự chênh lệch là 109,5 bé trai/100 bé gái. Tỷ số này càng chênh lệch lớn ở những lần sinh sau do nhu cầu cần có con trai tác động tới việc sinh con thêm của vợ chồng. Cụ thể, đối với các cặp vợ chồng đã sinh liên tiếp hai con gái, TSGTKS của lần sinh thứ ba là 143,8 bé trai/100 bé gái.
Theo dự đoán, tỷ số giới tính sẽ tiếp tục tăng nhanh trong giai đoạn 2019-2029. Đến năm 2026, dân số nam bằng dân số nữ. Tuy nhiên, nam giới từ 15-49 tuổi sẽ dư thừa so với nữ giới cùng nhóm tuổi 1,5 triệu người vào năm 2034 và dư 2,5 triệu người vào năm 2059.
Ngoài ra, hội nghị cũng nhấn mạnh đến mối quan hệ chặt chẽ giữa di cư và đô thị hóa. Theo đó, người nhập cư từ 5 tuổi trở lên chiếm 12,3% dân số của các đô thị và cứ 1.000 người sống tại các đô thị đặc biệt thì có tới gần 200 người nhập cư, cao gấp 2,7 lần mức chung cả nước.
Các đại biểu dự đoán, khoảng 50% dân số Việt Nam sẽ sống ở khu vực thành thị vào năm 2030; đến năm 2069, con số này sẽ tăng lên 64,8%.
Hoài Thương
Doanh nghiệp và Tiếp thị
Xem thêm: nhc.54023646181210202-4302-man-oav-ioig-un-ueirt-gnah-tuh-ueiht-es-man-teiv/nv.zibefac