Ông Dương Tuấn Minh khai Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng công ty Cửu Long làm trái quy định - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bị chỉ đạo làm trái thông tư 05
Luật sư bào chữa cho ông Dương Tuấn Minh khẳng định lời khai của ông Minh tại cơ quan điều tra là đúng, không bị mớm, ép cung. Luật sư cho rằng ông Minh ý thức rõ hành vi của mình nên đã thành khẩn khai báo.
Ông Minh thực hiện theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng và Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường.
Ngay từ giai đoạn đầu, Tổng công ty Cửu Long đã thực hiện đúng theo thông tư 05 nhưng trong quá trình thực hiện, toàn bộ công văn mà Tổng công ty Cửu Long gửi lên Bộ GTVT đã bị chỉnh sửa thành cho nhà thầu thanh toán thành 3 lần chứ không phải đề xuất của Tổng công ty Cửu Long.
Ông Minh tham gia xây dựng đề án từ đầu nhưng không tham gia vào giai đoạn sau để đề xuất chấm dứt hợp đồng với Công ty Yên Khánh.
Tự bào chữa, ông Minh khẳng định giữ nguyên lời khai tại cơ quan CSĐT. Ông Minh cho rằng Bộ GTVT đã chỉ đạo Công ty Cửu Long căn cứ vào thông tư 05 lập đề án bán quyền thu phí. Tổng công ty Cửu Long bản chất là doanh nghiệp, được Bộ giao xây dựng đề án, còn Bộ GTVT là chủ sở hữu tài sản, là cơ quan cấp trên nên chấp hành chỉ đạo của Bộ GTVT.
Theo đó, Bộ GTVT giao Tổng cục đường bộ Việt Nam hướng dẫn Tổng công ty Cửu Long thực hiện theo thông tư 05 xây dựng đề án. Tổng công ty Cửu Long có công văn đề xuất phương thức thanh toán 2 lần, mỗi lần 50% và cách nhau 6 tháng. Nhưng Tổng cục Đường bộ không đồng ý, yêu cầu chỉnh sửa thành thanh toán 3 lần.
Tổng công ty Cửu Long cho rằng Tổng cục Đường bộ không thể chỉ đạo Tổng công ty Cửu Long làm sai thông tư 05 nên Tổng cục Đường bộ đã thực hiện quyền chủ đầu tư bằng cách có văn bản đề xuất thanh toán tiền trúng thầu thành 3 lần.
Sau đó, ông Nguyễn Hồng Trường đã tổ chức cuộc họp, chỉ đạo theo đề xuất của Tổng cục Đường bộ, thanh toán 3 lần trong 10 tháng.
Lúc này, Vụ Pháp chế Bộ GTVT cũng có ý kiến rằng cho thanh toán thành 3 lần là không đúng quy định thông tư 05. Do đây là thông tư liên tịch nên Bộ GTVT cần lấy ý kiến của Bộ Tài chính trước khi thực hiện. Sau đó, Bộ GTVT có nhiều văn bản chỉ đạo nên Tổng công ty Cửu Long phải thực hiện.
"Tổng công ty Cửu Long đã có 7 lần trình cho Bộ GTVT về đề án này. Trong đó, lần đầu trình Tổng cục Đường bộ, 6 lần sau trình Bộ GTVT. Tôi không nói để giảm nhẹ trách nhiệm của mình nhưng tôi muốn nói rõ để HĐXX đánh giá" - ông Minh nói.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Dương Thị Trâm Anh (nguyên phó tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long) cho rằng bị cáo Trâm Anh không thể biết được Công ty Yên Khánh đã gian dối hồ sơ, báo cáo tài chính. Do đó, bị cáo Trâm Anh cũng là 1 nạn nhân.
Ông Trường đã nhiều lần xin ý kiến Bộ Tài chính
Luật sư Chu Thị Trang Vân bào chữa cho ông Nguyễn Hồng Trường - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hồng Trường, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, luật sư Chu Thị Trang Vân cho rằng giữa các hành vi mà bị cáo Trường thực hiện với thiệt hại 725 tỉ đồng không có mối quan hệ nhân quả.
Luật sư không phủ nhận trách nhiệm của ông Trường nhưng cho rằng ông Trường đã có sự thận trọng và tuân thủ đúng quy trình của Bộ GTVT.
Cụ thể, ông Trường chỉ là người tiếp nhận đề án. Trong quá trình thực hiện, ông Trường đã cẩn trọng xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Tài chính, tin tưởng vào tham mưu của cấp dưới. Niềm tin và nhận thức của bị cáo thời điểm đó là mình đã làm đúng quy trình, đúng pháp luật.
Về việc để cho Công ty Yên Khánh chậm thanh toán mà không yêu cầu chấm dứt hợp đồng, luật sư cho rằng Tổng công ty Cửu Long có 1 lần đề xuất phương án chấm dứt hợp đồng với Công ty Yên Khánh nhưng lúc này ông Nguyễn Văn Thể đang là thứ trưởng quản lý trực tiếp. Còn giai đoạn ông Trường quản lý thì Tổng công ty Cửu Long không có đề xuất này.
TTO - Ông Đinh La Thăng trong phần tự bào chữa của mình tại phiên tòa ngày 18-12, cho rằng mình không hề sai và toàn bộ cáo buộc của cáo trạng là không có căn cứ. "Vậy thì tôi sai chỗ nào. Vậy VKS chứng minh tôi sai đi?".