Công nhân ăn cơm trưa tại một doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: THU HIẾN
Chiều 18-12, Viện Nghiên cứu châu Âu và các đối tác tổ chức đã tổ chức buổi tọa đàm chính sách cấp vùng 2 về "Điều kiện lao động của công nhân trong các khu công nghiệp ở Việt Nam". Tọa đàm được tổ chức trong khuôn khổ dự án "Nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội và công nhân" (ECOW) do Liên minh châu Âu tài trợ.
PGS.TS Nguyễn An Hà, điều phối viên dự án ECOW, cho biết: "Theo kết quả nghiên cứu của dự án, công nhân trong ngành may và điện tử còn gặp nhiều khó khăn trong việc làm và đời sống. Công nhân vẫn phụ thuộc nhiều vào giờ làm thêm giờ để cải thiện thu nhập trong khi mức tiết kiệm rất thấp, dù mức lương tối thiểu đã được nâng lên nhiều trong những năm vừa qua.
Đa phần công nhân là người di cư và khó có thể mua nhà tại nơi làm việc do thu nhập thấp. Công nhân có gia đình đối mặt với rất nhiều trở ngại, nhất là việc chăm sóc con nhỏ do phần lớn phải gửi con ở quê. Đặc biệt, do tác động của COVID-19, điều kiện làm việc của công nhân công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa".
PGS.TS Nguyễn An Hà, điều phối viên dự án ECOW, phát biểu tại buổi tọa đàm - Ảnh: THU HIẾN
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy 3 mối quan tâm nhất của công nhân hiện nay là lương thấp, tăng ca quá mức và bị áp lực tâm lý. Công nhân thường xuyên phải gặp các vấn đề mệt mỏi kéo dài.
Nhiều công nhân lo lắng về công việc, dù đã có hợp đồng không xác định thời hạn. Thời điểm hiện tại, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thu nhập trung bình 1 tháng của công nhân chỉ còn 6 - 8 triệu đồng. Cả công nhân nam và nữ chỉ thu nhập trung bình ở mức này, sử dụng chủ yếu để mua lương thực, thực phẩm.
Ngoài ra, công nhân vẫn chuyển tiền về quê chủ yếu là lo cho con cái, chi tiêu y tế... Theo nghiên cứu của Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm giảm thu nhập nhưng có đến 64,4% công nhân (được khảo sát) vẫn thường xuyên gửi tiền về nhà, chiếm 15 - 20% tổng thu nhập của gia đình họ.
Ông Nguyễn Tất Năm, chuyên gia về lao động, cho biết sau khi tiếp nhận ý kiến đánh giá kết quả nghiên cứu của nhiều chuyên gia, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục đề ra giải pháp hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi cho công nhân.
TTO - Những suất ăn miễn phí, nhu yếu phẩm cần thiết vừa đến tay thanh niên công nhân đường sắt khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19.