Hãy tưởng tượng doanh nghiệp nhỏ của bạn mất 300.000 bảng (450.000 USD) giá trị các đơn hàng chỉ trong vòng 1 tuần. Bạn sẽ làm gì? Câu chuyện của Karen Woolven sẽ cho bạn câu trả lời!
Trước khi đại dịch ập đến, bà Woolven có một cửa hàng hoa thành công nằm ở phía tây nam London với 60% thu nhập tới từ các hợp đồng làm hoa cho đám cưới và sự kiện doanh nghiệp. Hoa của bà cung cấp khắp các trụ sở ngân hàng, hội trường lớn, trang trí cho hơn 200 bữa tiệc tối doanh nghiệp và lễ kỷ niệm một năm trên khắp London. Đầu năm nay, đã có 32 đám cưới đặt làm hoa tại cửa hàng của bà, kín lịch tới hết tháng 9.
Thế rồi, Ý bắt đầu ra lệnh đóng cửa biên giới ngay trước Ngày của Mẹ diễn ra vào 22/3 tại Anh. "Chúng tôi bắt đầu cảm thấy có một chút lo lắng", Woolven, 47 tuổi nói. Ngoài việc lo về nguồn cung hoa từ châu Âu, bà còn lo lệnh phong tỏa rồi sẽ bị áp dụng ở cả Anh và gây tổn thất lớn tới nguồn thu nhập chủ đạo của bà.
Và bà đã đúng: Không lâu sau đó, hầu hết tất cả khách hàng doanh nghiệp đều đã hủy đơn hàng trong năm 2020. "Các cô dâu, chú rể cũng bắt đầu hoảng loạn và rời ngày cưới". Những khách hàng bình thường như nhà hàng, văn phòng và quán bar vốn được bà cung cấp một lượng lớn hoa hàng tuần cũng bắt đầu cắt giảm các hợp đồng. Đỉnh điểm, bà buồn đến nỗi không muốn nghe điện thoại bởi bà biết rằng đó chỉ có thể là một lời đề nghị hủy đơn nữa.
Bán lẻ là hy vọng cuối cùng của Woolven. Trước đó, doanh thu cửa hàng không chủ yếu là bán buôn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, khó khăn lại ập đến. Lệnh phong tỏa đầu tiên của Anh tuyên bố vào ngày 23/3, khiến Woolven phải ôm 2.000 bảng Anh tiền hoa tươi. Bà cố gắng trả nốt những đơn hàng hiện tại và cho phép một vài người khác hủy mà không phải trả phí. "Thật là đau lòng".
Đại dịch đã tàn phá tất cả. Ngành bán lẻ đã mất 1.800 công ty trên khắp nước Anh trong nửa đầu năm 2020. Trên toàn lĩnh vực bán lẻ, gồm chuỗi cửa hàng, những con đường của Anh đã mất 6.000 cửa hàng trong 6 tháng đầu của năm – gần gấp đôi mức giảm của năm 2019.
Có những lúc, Woolven cho nhân viên nghỉ không lương và ngồi ở nhà đọc báo. Tuy nhiên sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, bà quay trở lại làm việc, nhận đơn hàng trực tuyến với một vài nhân viên bán thời gian.
Tình hình bớt căng thẳng khi chính phủ cho phép đám cưới được diễn ra với số lượng khách mời giới hạn vào mùa hè nhưng tình hình vẫn không cải thiện nhiều. "Chẳng có một lộ trình nào rõ ràng cho hoạt động tổ chức sự kiện và đám cưới vì thế tâm lý chung của toàn ngành đều thiếu tự tin".
Khi Anh tiếp tục bước vào phong tỏa vào tháng 11, Woolven cùng một nhân viên làm việc bên trong cửa hàng đóng cửa, chỉ phục vụ những đơn hàng trực tuyến.
"Chúng tôi không có lựa chọn nào khác cả. Chúng tôi phải giữ cho việc kinh doanh tiếp tục".
Nguồn: Bloomberg
Phương Linh
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị