Huawei Marine, công ty gần đây đã được thoái vốn khỏi tập đoàn viễn thông Huawei và hiện thuộc sở hữu của một công ty Trung Quốc khác, đã nộp hồ sơ dự thầu cùng với công ty Alcatel Submarine Networks (ASN) có trụ sở đặt tại Pháp thuộc tập đoàn Nokia của Phần Lan và tập đoàn NEC của Nhật Bản, với giá 72,6 triệu USD.
Dự án này nhận được sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), các nguồn thạo tin về dự án này cho biết. Dự án được thiết kế để cải thiện thông tin liên lạc tới các đảo quốc Nauru, Liên bang Micronesia (FSM) và Kiribati.
Cáp quang biển. Ảnh: ASIA TIMES
Quan ngại của Mỹ, Đài Loan
Hãng Reuters ngày 18-12 dẫn hai nguồn tin cho biết Washington hồi tháng 7 đã gửi công hàm tới FSM để bày tỏ những quan ngại về chiến lược liên quan đến dự án xây dựng tuyến dây cáp Internet ngầm xuyên biển, do Huawei Marine và các công ty Trung Quốc khác bị bắt buộc phải hợp tác với các cơ quan tình báo và an ninh của Bắc Kinh.
Theo các nguồn tin của Reuters, công hàm đó được gửi đi sau một cảnh báo trước đó đến Micronesia.
Cảnh báo của Mỹ đã được chính quyền Đài Loan lặp lại. Tạp chí Newsweek ngày 18-12 dẫn lời phát ngôn viên Cơ quan ngoại giao Đài Loan Âu Giang An tuyên bố Trung Quốc nhắm đến mục tiêu “độc quyền” các mạng lưới liên lạc trên khắp Thái Bình Dương đặc biệt cho mục đích thực hiện hoạt động gián điệp toàn cầu.
Ngoài ra, các cơ quan phát triển của chính phủ Nauru - một đồng minh của Đài Loan vốn luôn được Bắc Kinh coi là lãnh thổ chờ thống nhất – cũng đã đưa ra cảnh báo an ninh về sự tham gia của Huawei Marine vào dự án.
Chính phủ FSM nói với Reuters trong một tuyên bố rằng họ đang thảo luận với các đối tác song phương trong dự án, “một số đã đáp ứng yêu cầu đảm bảo tuyến cáp quang Internet ngầm không gây tổn hại đến an ninh khu vực bằng cách mở ra, hoặc không đóng lại các lỗ hổng liên quan đến an ninh mạng”.
Theo Hiệp ước Liên kết Tự do (COFA), một thỏa thuận đã có hàng thập niên giữa Mỹvà các lãnh thổ ủy thác ở Thái Bình Dương trước đây, Washington có trách nhiệm bảo vệ an ninh cho FSM.
Một phát ngôn viên của chính phủ Nauru cho biết các hồ sơ dự thầu đang được kiểm tra và các bên liên quan đang giải quyết “một số vấn đề kỹ thuật và hành chính” để đảm bảo tiến độ dự án.
Văn phòng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Mỹ không trả lời yêu cầu bình luận, theo Reuters.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói Mỹ đang bôi nhọ các công ty Trung Quốc.
Đảo quốc thứ ba có liên quan đến dự án, Kiribati, hồi năm ngoái đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để ủng hộ Trung Quốc, và do đó có lập trường thuận lợi nhất đối với Huawei Marine. Chính phủ Kiribati đã không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Một phát ngôn viên của WB cho biết cuộc đấu thầu đang tiếp tục và không thể “đưa ra nhận xét cụ thể về quy trình vào lúc này”. ADB đã chuyển các câu hỏi đến WB.
Máy bay của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chuẩn bị hạ cánh xuống phi trường quốc tế Pohnpei ở Kolonia, Liên bang Micronesia (FSM) ngày 5-8-2019. REUTERS
Huawei Marine trong “cái bóng” Huawei
Cáp dưới biển, có dung lượng dữ liệu lớn hơn nhiều so với vệ tinh, đã nổi lên như một khu vực ngoại giao nhạy cảm ở Thái Bình Dương, với vai trò trung tâm của chúng trong thông tin liên lạc quốc tế.
Trong khi dự án trên, được gọi là dự án Cáp Đông Micronesia, có thể được tách ra, giá thầu của Huawei Marine trong quá trình mua sắm thấp hơn các đối thủ hơn 20%, theo hai nguồn tin.
Các nguồn tin cho biết điều này đã tạo ra một tình trạng bế tắc, bởi nếu dựa trên cơ sở chi phí thuần túy, Huawei Marine đang ở thế mạnh để thắng thầu do các điều khoản do các cơ quan phát triển giám sát.
Thông thường, các quốc gia liên quan đến dự án thành lập các ủy ban đánh giá đầu thầu. Các cơ quan phát triển xem xét các đề xuất của ủy ban để đảm bảo nhà thầu được chọn tuân thủ các chính sách và thủ tục của các cơ quan này.
Dự án càng phức tạp hơn do sự kết nối dự kiến của nó với cáp ngầm HANTRU-1, vốn được chính phủ Mỹ sử dụng chủ yếu và có điểm cuối ở Guam - lãnh thổ nơi Mỹ có tài sản quân sự lớn.
Huawei thành lập Huawei Marine với tư cách là một liên doanh với công ty Global Marine Systems của Anh vào năm 2008. Bộ phận này nhanh chóng trở thành một công ty lớn trong thị trường cáp quang biển, xây dựng hoặc nâng cấp khoảng 90 dự án cáp.
Gần đây Huawei Marine được thoái vốn khỏi tập đoàn Huawei và hiện thuộc quyền kiểm soát của tập đoàn sản xuất cáp quang và điện lực Hengtong. Tuy nhiên, Huawei Marine đã trở thành mục tiêu cho những cảnh báo về an ninh tương tự liên quan đến tham vọng chính trị toàn cầu của Trung Quốc như Huawei, theo trang tin Datacenter Dynamics.
Ví dụ, vào tháng 1-2018, chính phủ Úc đã nắm quyền kiểm soát dự án xây dựng một tuyến cáp từ Úc đến Quần đảo Solomon, ban đầu do Huawei Marine đứng đầu, do lo ngại về những rủi ro an ninh mà nó có thể gây ra. Huawei cũng bị cấm tham gia vào Mạng băng thông rộng quốc gia của Úc.