Lợi nhuận 2020: Ứng xử khác biệt giữa các ngân hàng
Thụy Lê
(TBKTSG) - Việc lợi nhuận của nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) gốc quốc doanh có xu hướng sụt giảm hoặc tăng trưởng khiêm tốn hơn so với phần lớn các NHTM tư nhân, ngoài yếu tố chuyển nợ xấu và trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, còn bị ảnh hưởng bởi chiến lược phát triển kinh doanh, đặc biệt là ở hoạt động tín dụng.
Vietcombank là ngân hàng có mức giảm lợi nhuận tuyệt đối lớn nhất trong hệ thống.Ảnh: THÀNH HOA |
Ứng xử với nợ xấu và trích lập dự phòng
Theo dự báo mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt, lợi nhuận của Vietcombank có thể tăng 23% trong quí cuối năm nay, phần lớn nhờ hạch toán một phần phí trả trước theo thỏa thuận bán bảo hiểm độc quyền (bancassurance) cho FWD (là 400 triệu đô la Mỹ, được phân bổ trong năm năm, tức 80 triệu đô la Mỹ/năm - tương ứng hơn 1.800 tỉ đồng), nhưng lợi nhuận cả năm vẫn giảm 2% so với năm trước, ước chỉ đạt 22.754 tỉ đồng.
Trước đó, báo cáo tài chính quí 3-2020 cũng cho thấy lợi nhuận trước thuế lũy kế chín tháng của Vietcombank giảm hơn 1.700 tỉ đồng, tương đương 9,9% so với cùng kỳ. Vietcombank là ngân hàng có mức giảm lợi nhuận tuyệt đối lớn nhất trong hệ thống.
Một ông lớn khác là BIDV cũng chứng kiến lợi nhuận chín tháng giảm so với cùng kỳ (giảm 0,4%), trong khi VietinBank dù có sự tăng trưởng lợi nhuận nhưng chủ yếu nhờ vào thu nhập bất thường từ thu hồi nợ và lãi từ hoạt động kinh doanh đầu tư chứng khoán.
Sự ngược chiều của Vietcombank và BIDV so với xu hướng chung, khi mà tăng trưởng lợi nhuận của phần lớn nhóm NHTM tư nhân vẫn duy trì ở mức cao, là rất đáng chú ý. Trước những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong năm nay, sự ứng xử của các ngân hàng đối với việc chuyển nợ xấu, trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng và chiến lược phát triển kinh doanh đã có sự phân hóa.
Các NHTM tư nhân thường có chiến lược phát triển mạnh dạn hơn, trong khi dịch bệnh vừa qua cho thấy ảnh hưởng lên phân khúc bán lẻ không nhiều bằng bán buôn, vốn là thế mạnh của nhóm NHTM gốc quốc doanh, do đó cũng dẫn đến sự phân hóa trong tăng trưởng tín dụng. |
Cụ thể, dù nợ xấu của toàn hệ thống trong năm nay nhìn chung đều tăng so với đầu năm, trong đó không ít ngân hàng rõ ràng chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh, dẫn đến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép các ngân hàng tái cơ cấu nợ, được giữ nguyên nhóm nợ mà chưa phải chuyển nhóm đối với khách hàng bị ảnh hưởng từ dịch bệnh, nhưng nhóm NHTM gốc quốc doanh dường như vẫn tích cực chuyển nợ xấu theo đúng nhóm hơn.
Thống kê cho thấy ba ngân hàng VietinBank, BIDV và Vietcombank đứng đầu về mức tăng nợ xấu tuyệt đối trong chín tháng đầu năm, tương ứng là 7.000 tỉ đồng; 2.900 tỉ đồng và 2.100 tỉ đồng.
Hệ quả là chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của ba ông lớn này cũng đứng đầu hệ thống, với BIDV là 15.800 tỉ đồng, dù có giảm 2,5% so với cùng kỳ; trong khi VietinBank là gần 11.400 tỉ đồng, tăng 4,8%; còn Vietcombank tăng mạnh 25% lên hơn 6.000 tỉ đồng.
Việc chuyển nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng mạnh tay hơn khiến tỷ lệ chi phí trích lập dự phòng trên lợi nhuận trước thuế của BIDV và VietinBank ở mức rất cao, lần lượt là 2,4 lần và 1,1 lần, trong khi của Vietcombank thấp hơn là 39%, nhưng cũng đã tăng so với mức 28% của cùng kỳ 2019.
Ngược lại, những NHTM tư nhân có lợi nhuận tăng trưởng cao đa số cho thấy có chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng khiêm tốn hơn. Như VPBank và VIB có mức tăng lợi nhuận tuyệt đối xếp thứ 2 và thứ 3 với gần 1.100 tỉ đồng thì chi phí trích lập dự phòng lần lượt giảm 123 tỉ đồng và tăng nhẹ 141 tỉ đồng so cùng kỳ.
Nếu tính theo phần trăm tăng trưởng, SeABank có tốc độ tăng lợi nhuận so với cùng kỳ lớn nhất, tới 67%, nhưng chi phí trích lập dự phòng giảm 18,6%. Hay như MSB lợi nhuận tăng 58% nhưng chi phí trích lập dự phòng chỉ tăng 13%.
Những NHTM tư nhân này cũng chứng kiến nợ xấu tăng khá thấp so với mức bình quân chung.
Chiến lược phát triển kinh doanh
Có thể thấy cùng với xu hướng giảm lãi suất tiền gửi, nhóm NHTM gốc quốc doanh cũng tích cực giảm lãi suất cho vay hơn theo định hướng của nhà điều hành. Từ đầu năm đến nay, các đợt giảm lãi suất cho vay đều khởi nguồn từ các ngân hàng này, với mức giảm khá mạnh tay so với thị trường chung.
Đặc biệt, nếu như các NHTM tư nhân thường chỉ giảm lãi suất cho vay qua các chương trình khuyến mãi áp dụng cho các khách hàng mới, thì nhóm NHTM gốc quốc doanh có chính sách giảm lãi suất cho vay với cả những khách hàng hiện hữu, do đó cũng làm suy yếu lợi nhuận nhiều hơn.
Bên cạnh đó, trước những rủi ro của nền kinh tế và những ảnh hưởng từ dịch Covid-19, các NHTM gốc quốc doanh có chính sách phát triển cho vay thận trọng hơn so với các NHTM tư nhân. Điều này được thể hiện qua tốc độ tăng trưởng tín dụng của nhóm này khá khiêm tốn so với mặt bằng chung.
Dĩ nhiên, như trường hợp của VietinBank là phần nào bị níu chân bởi hệ số an toàn vốn (CAR) do không tăng trưởng được vốn điều lệ trong nhiều năm, nhưng ngay cả những ngân hàng thừa vốn và đảm bảo hệ số CAR như Vietcombank và BIDV cũng chứng kiến mức tăng trưởng tín dụng khá chậm.
Cụ thể, tăng trưởng dư nợ cho vay của BIDV và VietinBank trong chín tháng đầu năm chỉ đạt mức thấp là 2,7% và 2,5% so với đầu năm, Vietcombank khá hơn ở mức 6,7% nhưng vẫn xếp thứ 15 trong số 28 ngân hàng có công bố báo cáo tài chính.
Có lẽ đây là điều tất yếu khi các NHTM tư nhân thường có chiến lược phát triển mạnh dạn hơn, trong khi dịch bệnh vừa qua cho thấy ảnh hưởng lên phân khúc bán lẻ không nhiều bằng bán buôn, vốn là thế mạnh của nhóm NHTM gốc quốc doanh, do đó cũng dẫn đến sự phân hóa trong tăng trưởng tín dụng.
Ở chiều ngược lại, một số NHTM tư nhân sau khi được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng vào cuối tháng 6 năm nay, thì mới đây đã tiếp tục đề xuất được nới thêm hạn mức cho năm nay, trong bối cảnh hoạt động cho vay càng về cuối năm càng trở nên sôi động, nhất là ở phân khúc bán lẻ.
Đáng lưu ý là khi nhóm NHTM gốc quốc doanh thắt chặt hoạt động tín dụng và có xu hướng nâng cao điều kiện cho vay hơn vì e ngại rủi ro, thì dù lãi suất cho vay của nhóm này ở mức thấp đáng kể so với bình quân thị trường, những khách hàng có chất lượng thấp hơn buộc phải dạt về nhóm các NHTM tư nhân. Nếu nhóm các NHTM tư nhân không có sự chọn lựa phù hợp sẽ rất dễ dẫn đến rủi ro nợ xấu trong tương lai.
Còn nhớ thời điểm tháng 4 năm nay, khi nền kinh tế đang chật vật chống đỡ với giai đoạn cao điểm của dịch bệnh, một đại diện của NHNN cho rằng những NHTM có vốn của Nhà nước năm nay dứt khoát phải giảm khoảng 40% lợi nhuận, để dành nguồn lực cho việc giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế và các doanh nghiệp.
Tám tháng đã trôi qua, không ít ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay, nhưng sự ảnh hưởng của dịch bệnh dường như không lớn đến thế và con số lợi nhuận bị sụt giảm của nhóm ngân hàng này có lẽ sẽ không cao đến thế, nhưng mức tăng trưởng âm của nhóm này trong năm nay nếu có cũng là điều không quá bất ngờ.
Xem thêm: lmth.gnah-nagn-cac-auig-teib-cahk-ux-gnu-0202-nauhn-iol/797113/nv.semitnogiaseht.www