Christophe Gauthier - một người Pháp sống tại Brussels, Bỉ đã một lần được ăn thử gạo ST24 của Việt Nam tại một sự kiện quảng bá nông sản Việt Nam.
"Tôi đã ăn thử và bây giờ tôi muốn mua về ăn. Nhưng thật không may, tôi không sao tìm được gạo ST24 tại Bỉ. Tại sao Việt Nam không xuất khẩu gạo này sang Bỉ, sang châu Âu?", ông Christophe Gauthier đặt câu hỏi.
Nhờ vào các FTA, gạo Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp cận sâu hơn tại nhiều thị trường trên thế giới
Ông Christophe sẽ không phải đợi lâu nữa khi mà một doanh nhân Việt Nam sẽ nhập vào châu Âu những loại gạo ngon nổi tiếng của Việt Nam. 9 giống lúa thơm của Việt Nam được miễn thuế nhập khẩu vào thị trường châu Âu kể từ tháng 8 năm nay, theo Hiệp định Thương mại tự do EVFTA.
"Cuối năm nay công ty sẽ nhập ST24, container sẽ đi vào cuối năm và đến đầu năm sau thì mình có dòng ST24. Còn về ST25 thì sản lượng vẫn chưa đủ, hy vọng trong thời gian sớm nhất có thể, có thể nhập vào dòng gạo này", ông Phạm Văn Hiển - Giám đốc Công ty LTP Import Export B.V., Hà Lan cho biết.
"Đại lộ" hội nhập
Với 13 Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực, Việt Nam có thể tiếp cận gần 60 quốc gia có tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới.
Trong đó phải kể đến các Hiệp định thương mại có quy mô rất lớn như Liên minh kinh tế Á Âu, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP, Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam với Liên minh Châu Âu. Và mới đây nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP đã chính thức ký kết giữa ASEAN với 5 quốc gia - một hiệp định thương mại lớn nhất thế giới tiếp cận với thị trường 2,2 tỷ người, chiếm 30% GDP toàn cầu…
Ảnh hưởng của đại dịch COVID 19 khiến nhiều ngành hàng sụt giảm chưa từng có, đặc biệt là những ngành hàng phụ thuộc cả đầu vào và đầu ra với các đối tác, thi trường nước ngoài như dệt may, nông, thuỷ sản… Thế nhưng chúng ta đã chứng kiến được những cú ngược dòng để đứng vững của chính những ngành hàng này.
Như Hiệp định CPTPP, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm, thuỷ sản đạt mức tăng trưởng dương tới Nhật Bản, Canada trong khi các nước khác giảm tiêu thụ thủy sản Việt Nam. Còn doanh nghiệp dệt may liên kết để mua bán nguyên vật liệu trong nước để thay thế nguồn cung nhập khẩu.
Với các FTA, cơ hội là rất lớn song thách thức cũng không hề nhỏ
Hay với EVFTA, ngay khi có hiệu lực từ tháng 8, đã mang tạo cú hích rất lớn cho các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh. Dệt may là ngành hưởng lợi nhiều từ EVFTA. Hàng dệt may sẽ được EU xóa bỏ thuế quan với hơn 77% kim ngạch xuất khẩu trong 5 năm, 23% còn lại được xóa bỏ sau 7 năm. Ở thị trường châu Âu, hiện tại Việt Nam mới chiếm khoảng 3% thị phần. Với hiệp định EVFTA có hiệu lực, dự báo xuất khẩu giày sẽ tăng 50% và dệt may tăng 67% vào 2025.
Hiệp định EVFTA cũng đã mở ra cơ hội cho xuất khẩu cá ngừ. Ngay trong tháng 8, tháng đầu tiên Hiệp định EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam vào châu Âu đã tăng gần 9%, đạt mức 11,4 triệu USD. Yêu cầu hàng đầu là sản phẩm cá ngừ không vi phạm khai thác bất hợp pháp.
Kể từ khi bước vào sân chơi lớn toàn cầu cách đây gần 15 năm với việc tham gia WTO, quá trình mở những "quốc lộ" đưa nền kinh tế nước ta đến gần các thị trường tiềm năng. Chặng đường đó đầy chông gai, đặc biệt khi xu hướng bảo hộ nổi lên những năm gần đây. Có những "con đường hội nhập" mất đến cả chục năm để xây dựng.
Tuy nhiên, mỗi tuyến đường mở ra sẽ tạo thêm cơ hội thịnh vượng, mà nhiều lần người đứng đầu Chính phủ đã nhấn mạnh "tiểu lộ, tiểu phú; đại lộ, đại phú".
Với các FTA thế hệ mới toàn diện, độ mở lớn như CPTPP và EVFTA đã đóng góp cho sự phục hồi hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam như thế nào? Các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội và thách thức nào để có thể tận dụng tối đa các FTA? Về dài hạn, những thách thức về hàng hoá chất lượng cao từ các quốc gia vào Việt Nam đặt ra với các doanh nghiệp Việt trên sân nhà?...
Những câu hỏi trên phần nào sẽ được trả lời trong chương trình Sự kiện và Bình luận ngày 19/12.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!