Tâm lý nhà đầu tư nhanh chóng ổn định trở lại sau phiên lao dốc mạnh hôm 17/12. Dòng tiền trên thị trường vẫn tỏ ra quá “khỏe” và các phiên giảm dường như chỉ là sự điều chỉnh đơn thuần trong xu thế đi lên.
Mở cửa phiên giao dịch ngày 18/12, sắc xanh đã bao trùm lên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trên thị trường, các chỉ số vì vậy cũng được kéo lên trên mốc tham chiếu. Chỉ số chính VN-Index giao dịch ở trên mốc tham chiếu xuyên suốt thời gian của phiên 18/12. Dòng tiền vào cuối phiên diễn ra mạnh mẽ hơn và giúp đà tăng của nhiều cổ phiếu lớn được nới rộng thêm. Đà hưng phấn của nhà đầu tư gần như làm lu mờ hết những diễn biến giao dịch của 2 quỹ ETF ngoại là V.N.M và FTSE.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán và ngân hàng là tâm điểm của dòng tiền và là động lực chính giúp giữ được đà tăng mạnh của các chỉ số. Trong đó, SSI, VPB, VCI hay VND đều được kéo lên mức giá trần.
Bên cạnh đó, TPB cũng tăng 6% lên 24.900 đồng/cp, MBB tăng đến 4,5% lên 23.100 đồng/cp, HDB tăng 4,2% lên 23.700 đồng/cp, TCB tăng 3% lên 29.200 đồng/cp, VCB tăng 3% lên 98.900 đồng/cp. Ngoài ra, nhiều cổ phiếu lớn khác như GVR, PLX, PNJ, SAB... cũng đồng loạt tăng giá tốt.
Diễn biến tích cực lan rộng đến nhiều nhóm ngành, trong đó, các cổ phiếu bất động sản cũng không phải ngoại lệ. Các mã như PPI, PFL, EIN, UNI, STL, PVL, HDC, TNT và ASM đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, SIP tăng 7,3% lên 187.000 đồng/cp, KOS tăng 6,1% lên 35.000 đồng/cp, DIG tăng 5,6% lên 27.350 đồng/cp, HDG tăng 4,2% lên 34.800 đồng/cp. Các mã thanh khoản cao khác tăng giá mạnh có LDG (3,6%), DRH (3,6%), CEO (3,2%), IDC (2,8%). IDJ tăng 3,8% lên 16.300 đồng/cp.
Ngày 31/12 tới đây IDJ sẽ chốt danh sách cổ đông phát hành 32,6 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ phát hành 1:1, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1 quyền mua, cứ 1 quyền mua được mua 1 cổ phiếu mới. Giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu.
3 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất nhóm bất động sản chỉ có VIC đứng giá trong khi VRE tăng 1,3% lên 30.150 đồng/cp, còn VHM tăng 0,7% lên 85.300 đồng/cp.
Trong khi đó, FLC, HPX, TDH hay CRE là những mã bất động sản đi ngược lại xu hướng thị trường chung và đồng loạt giảm giá. FLC giảm 1,2% xuống 4.250 đồng/cp, TDH giảm 1,7% xuống 8.780 đồng/cp, CRE giảm 1,8% xuống 32.600 đồng/cp. Ngoài ra, CLG còn bị kéo xuống mức giá sàn.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 15,69 điểm (1,49%) lên 1.067,46 điểm. Toàn sàn có 301 mã tăng, 129 mã giảm và 62 mã đứng giá. HNX-Index tăng 5,02 điểm (2,92%) lên 177,02 điểm. Toàn sàn có 120 mã tăng, 59 mã giảm và 57 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,66 điểm (0,94%) lên 70,95 điểm.
Thanh khoản thị trường vẫn ở mức rất cao với tổng khối lượng giao dịch đạt 761,6 triệu cổ phiếu, trị giá 14.844 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 1.714 tỷ đồng. ITA là mã bất động sản duy nhất nằm trong top 10 cổ phiếu khớp lệnh toàn thị trường với 15,6 triệu đơn vị.
Khối ngoại mua ròng trở lại khoảng 50 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó, VHM, VRE và HDG là 3 cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 mã mua ròng của khối ngoại, trong đó, VHM được mua ròng 52 tỷ đồng. VRE và HDG được mua ròng lần lượt 51,8 tỷ đồng và 26,5 tỷ đồng. Chiều ngược lại, KDH là mã bất động sản duy nhất nằm trong top bán ròng với 25 tỷ đồng.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 21,5 điểm (+2,1%) lên 1.067,46 điểm; HNX-Index tăng 14,7 điểm (+9,1%) lên 177,02 điểm. Thanh khoản trên hai sàn niêm yết tăng so với tuần trước đó với gần 14.900 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Cụ thể, giá trị giao dịch trên HOSE tăng 20,6% lên 67.693 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 15,4% lên 3,1 tỷ cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 34,5% lên 6.594 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 40,2% lên 532 triệu cổ phiếu.
Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường có tuần tăng điểm thứ bảy liên tiếp với mức tăng tuy yếu hơn tuần trước nhưng vẫn khá mạnh và thanh khoản tiếp tục gia tăng đạt kỷ lục mới cho thấy sự hưng phấn mạnh của nhà đầu tư đã dẫn đến lực cầu mua lên thực sự tốt.
Trên biểu đồ, nhìn về bên trái thì VN-Index hiện chỉ còn hai vùng kháng cự đáng chú ý, lần lượt là 1.070 - 1.080 điểm (đỉnh tháng 5/2018) và quanh ngưỡng 1.200 điểm (đỉnh tháng 4/2018); hiện tại thì chỉ số này hiện đang kết phiên khá gần vùng kháng cự đầu tiên nên áp lực chốt lời có thể gia tăng trong tuần tiếp theo và khả năng điều chỉnh trở lại có thể xảy ra với vùng hỗ trợ trong khoảng 1.030 - 1.045 điểm (đỉnh tháng 6/2018).
Tuy nhiên, trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 1/2021 giữ mức basis dương 6,85 điểm so với chỉ số cơ sở VN30 cho thấy tâm lý lạc quan của các nhà giao dịch. SHS dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (21/12 - 25/12), VN-Index có thể sẽ gặp áp lực điều chỉnh và rung lắc với vùng kháng cự trong khoảng 1.070 - 1.080 điểm (đỉnh tháng 5/2018) và vùng hỗ trợ trong khoảng 1.030 - 1.045 điểm (đỉnh tháng 6/2018).
Nhà đầu tư có tỷ trọng cổ phiếu cao có thể tiếp tục bán ra chốt lời trong vùng kháng cự 1.070 - 1.080 điểm. Nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao hạn chế mua đuổi và có thể canh những nhịp điều chỉnh về vùng 1.030 - 1.045 điểm để tham gia trở lại.