Tại Tuần lễ Kinh doanh quốc tế do Đại học RMIT tổ chức gần đây, các chuyên gia đã phân tích, đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam.
Giám đốc Điều hành phụ trách Giao dịch pháp lý của công ty quản lý đầu tư SC Capital Partners kiêm Chủ tịch Phòng Thương mại Úc-ASEAN, bà Châu Tạ tin tưởng rằng, “thời điểm này, Việt Nam là điểm đến đáng đầu tư”.
Bà Châu nhận định: “Việt Nam thu hút sự chú ý nhờ công tác ứng phó rất tốt với COVID-19 và chúng ta có thể tận dụng điều này để đẩy mạnh quảng bá đất nước tới các nhà đầu tư lớn từ nước ngoài”.
“Từ trước khi đại dịch bùng phát, Việt Nam đã là một điểm sáng trên bản đồ đầu tư và nhiều nhà đầu tư đã đến Việt Nam để tìm hiểu rõ hơn về cơ hội tại đây. Tuy nhiên, nhiều người mới chỉ dừng lại ở bước nghiên cứu về tính khả thi mà chưa tiến hành đầu tư vào đất nước này”, bà Châu Tạ nói thêm.
Bà Châu dẫn chứng việc tập đoàn Keppel của Singapore gần đây đã huy động quỹ với quy mô 400 triệu đô la Mỹ để đầu tư vào Việt Nam -- quỹ đầu tiên dành riêng cho thị trường Việt Nam của tập đoàn này sau nhiều năm hoạt động tại đây.
“Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, ổn định chính trị và kinh tế là ‘điểm cộng’ khi cân nhắc đưa ra quyết định đầu tư ở nước ngoài, và đây là lợi thế mà Việt Nam đang sở hữu. Tôi cho rằng Việt Nam sẽ còn thấy nhiều hình thức đầu tư như vậy hơn trong tương lai”, bà Châu nói.
Từ trái qua phải: ông Denis Brunetti, bà Châu Tạ, ông John Walsh.
Trong khi đó, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào ông Denis Brunetti tỏ ra lạc quan về những bước tiến gần đây trong việc triển khai mạng 5G, đặc biệt là sau thử nghiệm thương mại đầu tiên được tiến hành vài tuần trước.
“Mạng 5G không chỉ cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để các ngành nghề hoạt động hiệu quả và năng suất hơn, mà còn tạo ra nền tảng đổi mới sáng tạo giúp ươm mầm tinh thần khởi nghiệp. Những công ty khởi nghiệp sẽ kiến tạo ra các ngành nghề mới mà hiện tại chúng ta thậm chí chưa thể hình dung ra được”, ông Brunetti nhận định.
“Tôi tin rằng những doanh nghiệp mới với tầm cỡ như Apple, Facebook, Microsoft hay IBM sẽ đến từ Việt Nam. Những công ty này sẽ lớn lên nhờ hoài bão và tinh thần đề cao giáo dục của người dân Việt Nam, cũng như những chính sách rất tuyệt từ Chính phủ”.
Ông Brunetti đánh giá cao các biện pháp hỗ trợ hợp tác trong những sáng kiến đổi mới sáng tạo như đô thị thông minh và mạng 5G.
“Lấy mạng 5G làm ví dụ, sáng kiến này hoàn toàn dựa trên quan hệ đối tác trong hệ sinh thái gồm nhà mạng, nhà phát triển cơ sở hạ tầng (như Ericsson), nhà cung cấp nội dung, nhà phát triển ứng dụng, doanh nhân khởi nghiệp, cử nhân, các chuyên gia nghiên cứu, v.v. Tất cả các bên liên quan cần hợp tác với nhau và điều này rõ ràng nhận được sự ủng hộ của Chính phủ trên nhiều phương diện khác nhau”.
Hợp tác cũng chính là ý tưởng đằng sau các FTA mà Việt Nam đang theo đuổi. Sau khi FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết vào ngày 15/11/2020, Việt Nam hiện là thành viên của 14 FTA.
Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kinh doanh quốc tế Đại học RMIT Tiến sĩ John Walsh cho rằng RCEP nói riêng sẽ củng cố vai trò của các chuỗi giá trị toàn cầu trong giai đoạn quá trình toàn cầu hóa đang có dấu hiệu đảo ngược hoặc giảm tốc.
Tiến sĩ nhận định: "Hiệp định này khiến các quốc gia châu Á tự tin hơn khi dẫn dắt những tổ chức xuyên quốc gia. Cơ hội sẽ đến với doanh nghiệp và người dân ở tất cả các quốc gia thành viên và thậm chí với một số quốc gia ngoài hiệp định nữa".
“Để phát triển mạnh mẽ trong môi trường này, doanh nghiệp phải sẵn sàng hợp tác với nhau thông qua các quan hệ đối tác hay mạng lưới giao lưu kết nối, và họ cũng phải có đầy đủ năng lực để thực hiện được điều đó. Họ sẽ phải kiên nhẫn vì thành công hiếm khi đến ngay lập tức”.